Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 11 năm 2017 | 8:7

Hệ quả từ việc Venezuela bị tuyên vỡ nợ

Việc Venezuela tuyên bố vỡ nợ đối với 2 trái phiếu quốc tế định giá theo đồng USD đã khiến tương lai kinh tế nước này được cho là hết sức u ám.

Những dấu hiệu xấu liên tiếp nhau

Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poors đã hạ mức đánh giá kinh tế Venezuela xuống mức SD (tạm dịch: vỡ nợ có chọn lọc) với lý do Venezuela đã “không thể thanh toán khoản trái phiếu quốc tế trị giá 200 triệu USD đáo hạn năm 2019 và 2024 và được ân hạn thêm 30 ngày”.

he qua tu viec venezuela bi tuyen vo no hinh 1
Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poors đưa ra những đánh giá khá u ám về tình hình kinh tế Venezuela. Ảnh: AP

Theo nhiều chuyên gia, việc Venezuela tuyên bố vỡ nợ khiến những “nhà đầu tư kền kền” không thể hưởng lợi từ tình thế hỗn loạn về tài chính hiện nay tại Venezuela.

Với mức lợi nhuận khi đáo hạn cao đến mức “khó có thể tưởng tượng nổi”, trái phiếu quốc gia của Venezuela từ lâu đã nằm trong danh mục đầu tư ưa thích của các “gã khổng lồ” phố Wall của Mỹ, trong đó đáng chú ý là JP Morgan. Tuy nhiên, họ cũng thừa hiểu rằng, khoản lợi này không tồn tại được lâu.

Chính Standard & Poors cũng dự đoán, Venezuela sẽ sớm tuyên bố vỡ nợ đối với nhiều loại trái phiếu khác. Đây là điều không có gì đáng ngạc nhiên khi Venezuela được cho là sẽ không kiếm đâu ra tiền để trả cho số trái phiếu trị giá 420 triệu USD khác cũng đã đáo hạn, trừ khi họ “vay nóng” được từ một nguồn tài chính đột xuất nào đó- điều được cho là không thể nếu xét đến tình hình kinh tế Venezuela hiện nay.

Tệ hơn nữa, Standard & Poors cảnh báo, Venezuela có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng bức tái cấu trúc nợ và nhiều khả năng sẽ vỡ nợ hoàn toàn. Trên thực tế, Venezuela cũng đã tính đến khả năng này nhưng chưa đưa ra một lộ trình giải quyết cụ thể.

Venezuela sẽ là Hy Lạp 2.0?

Tuy nhiên, không khó để hình dung việc tái cấu trúc nợ sẽ diễn ra như thế nào. Năm 2012, Hy Lạp đã phải chấp nhận thực hiện việc tái cấu trúc nợ cưỡng bức theo ý các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại nặng nề khi một quốc gia tuyên bố vỡ nợ và chắc chắn sẽ có nhiều vụ kiện kéo dài hàng chục năm liên quan đến việc này. Kẻ chiến thắng lớn nhất, đáng tiếc không phải là những người nỗ lực hồi sinh nền kinh tế mà lại là những luật sư tham gia vào các vụ kiện tụng.

Standard & Poors là hãng đánh giá tín nhiệm đầu tiên tuyên bố về việc Venezuela không đủ khả năng thực thi nghĩa vụ tài chính quốc tế của mình. Các hãng tín nhiệm khác nhiều khả năng sẽ theo bước Standard & Poors nhưng sẽ đánh giá một cách thận trọng hơn.

Cụ thể, ISDA hiện đang cân nhắc xem có nên tuyên bố Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) phá sản hay không. Điều này xuất phát từ việc PDVSA vẫn trả các khoản trái phiếu quốc tế dù họ đã bị lỡ “thời gian ân hạn” quá lâu.

Nếu ISDA tuyên bố PDVSA phá sản (khả năng này được đánh giá là rất dễ xảy ra), hiệu ứng domino sẽ bùng nổ và một loạt các tập đoàn kinh tế của Venezuela cũng sẽ chịu chung số phận. Tài sản của các tập đoàn này sẽ được chuyển sang cho các tập đoàn bảo hiểm doanh nghiệp và dùng chủ yếu để trả cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, do PDVSA là tập đoàn 100% vốn nhà nước, các khoản nợ của PDVSA sẽ phải do Chính phủ Venezuela chi trả. Điều này càng đẩy kinh tế Venezuela xuống mức tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà Standard & Poors đã cảnh báo.

Để “gỡ thế khó” cho Chính phủ Venezuela, các chuyên gia tài chính như Lee Buchheit và Mita Gulati đều khuyến nghị rằng, Chính phủ Venezuela nên rút hoàn toàn khỏi PDVSA trước khi bị buộc phải chịu trách nhiệm cho những thua lỗ của PDVSA.

Tuy nhiên, điều này sẽ khiến toàn bộ nền công nghiệp dầu mỏ của Venezuela- xương sống của nền kinh tế nước này- bị tổn hại nghiêm trọng nhất là trong bối cảnh toàn bộ tài sản của PDVSA liên quan đến hoạt động dầu khí sẽ rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.

Dù vậy, đây vẫn chưa phải là điều tệ nhất. Những số liệu từ báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF cho thấy, Venezuela đang chuẩn bị bước vào một đợt lạm phát phi mã. IMF dự đoán, lạm phát tại Venezuela sẽ tăng lên đến 2.350% vào năm 2018 và đạt mức “đáng kinh ngạc” 4.685% vào năm 2022.

Nếu xu hướng này không bị ngăn chặn, những nỗ lực tái cấu trúc nợ của Chính phủ Venezuela (nếu có) sẽ “đổ xuống sông xuống biển” và hệ thống tiền tệ của Venezuela sẽ sụp đổ hoàn toàn. Đồng ngoại tệ khi đó sẽ có giá trị “cao đến mức không thể mua bằng đồng nội tệ” tại Venezuela. Trong khi đó, năng lực sản xuất dầu mỏ của Venezuela đã giảm mạnh đến mức nước này không còn kiếm đủ tiền để đổi lấy đồng USD trả nợ nước ngoài./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top