Sau 9 tháng kịch chiến, cuối cùng các lực lượng vũ trang Iraq đã tới được hai bờ sông Tigris ở Mosul. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 10/7 đã ăn mừng chiến thắng trước IS ở thành phố lớn thứ 2 của Iraq.
Ở thành phố Raqqa (Syria), một lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn (cả trên bộ và từ trên không) đã đẩy lui IS co lại trong một lãnh thổ ngày càng nhỏ hẹp. Các cuộc oanh kích không thương tiếc nhằm vào các nguồn thu của IS, đặc biệt là dầu mỏ, cũng như ban lãnh đạo của tổ chức này đã làm suy yếu đáng kể năng lực của chúng trong việc duy trì và tổ chức hệ thống chiến binh.
Tuy nhiên IS đã tính trước cho kịch bản ngày hôm nay. Chúng đã lên kế hoạch củng cố Mosul cho một trận tiến công không tránh khỏi từ phía quân đội Iraq ngay khi chúng chiếm được thành phố này vào tháng 6/2014. Xuất phát từ một phong trào ngầm, tổ chức dưới dạng các tổ nhóm bí mật hoạt động ở nhiều nơi đông người Sunni của Iraq, IS sẽ quay trở lại trạng thái đó khi cần thiết.
Các quan chức Mỹ cho hay các nhân vật cao cấp trong phong trào này đã rút vào hoạt động ngầm ở thung lũng Euphrates quanh thành phố Deir Ezzor ở miền đông Syria.
Trận chiến vẫn sẽ tiếp diễn, IS thay đổi chiến lược
Trước khi bị tiêu diệt trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào năm 2016, phát ngôn viên của IS là Abu Mohammed al-Adnani có nói rằng khả năng IS bị đẩy lùi ở cả Mosul và Raqqa sẽ không dẫn tới việc chấm dứt sự tồn tại của tổ chức khủng bố này. Y nói: “Thất bại chỉ là khi đánh mất ý chí và mong muốn chiến đấu”.
Ngay cả khi lãnh thổ của IS bị co ngót và hệ thống “ban bệ hành chính” của tổ chức này sụp đổ, hệ tư tưởng của nó vẫn tồn tại.
Kể từ khi ra đời, IS đã chuẩn bị sẵn sàng cho “cái ngày phía sau” Vương quốc Hồi giáo caliphate. Khẩu hiệu xung trận của nó là “Baqiya wa tatamaddad”, nghĩa là “Duy trì và mở rộng”. Nhưng trận chiến ở đây là hàng thế kỷ.
Mặc dù việc mở rộng có thể kéo dài hàng thế hệ, ban lãnh đạo của nhóm IS vẫn sẵn sàng cho một “Nhà nước Hồi giáo” phi nhà nước.
IS đã bám rễ sâu vào nhiều khu vực Sunni của Iraq. Trong thập kỷ qua, nhóm này đã phát triển các mạng lưới thành thục kỹ năng quyên góp tiền bạc, mua vũ khí và tổ chức hoạt động ngầm trên một không gian rộng lớn ở Iraq, từ Diyala ở phía đông tới Rutbah gần biên giới với Jordan.
Các đợt không kích gần đây cho thấy IS vẫn sống khỏe theo cách thức cơ bản và địa phương hóa, ở những nơi như là Fallujah và Baiji. Nó liên tục chứng tỏ mình có thể xâm nhập qua hệ thống an ninh ở Baghdad để kích nổ các xe bom gây ra tổn thất lớn. Ở một chừng mực nào đó, IS đang trở về với các cách thức mà nó có thế mạnh: tấn công chớp nhoáng, cơ động và bất ngờ.
Khi ngày hoàng kim của IS đã qua, một số thành viên của tổ chức này có thể chuyển sang cam kết trung thành với các nhóm cực đoan khác. Ở Syria, có các tổ chức như Jabhat Fateh Al-Sham, vốn trước đây theo al-Qaeda.
Mở rộng chân rết IS
Việc IS suy yếu là cơ hội cho al-Qaeda ở Iraq, Syria và những nơi khác. Chuyên gia về khủng bố Bruce Hoffman cho rằng một số chiến binh sẽ xem al-Qaeda như lựa chọn duy nhất để tiếp tục cuộc thánh chiến của chúng. IS có gốc gác ở tổ chức al-Qaeda chi nhánh Iraq.
Cực kỳ khó xác định có bao nhiêu chiến binh nước ngoài đang ở Iraq và Syria.
Chỉ cần một nhóm nhỏ các cá nhân vượt Địa Trung Hải là một thành phố châu Âu đứng trước nguy cơ lớn bị tấn công thảm khốc. Mà dòng người di cư từ Trung Đông sang châu Âu vẫn không ngừng.
Đấy là chưa kể các chiến binh ngoại IS trở về quê hương của chúng ở châu Âu.
Một số thành viên IS có thể tránh quay về quê hương do lo ngại cơ quan an ninh tại đó đã đợi sẵn mình. Thay vào đó, chúng sẽ tới một số vùng đất thánh chiến mới. Phương án B của chúng gồm Libya, Bắc Kavkaz, Nigeria, những nơi này lá cờ IS đã từng tung bay. Đôi khi đó chỉ là vài chục gã đàn ông ẩn náu trong rừng rậm, nhưng nhiều khi cũng có những kẻ sở hữu phương tiện hiện đại, có tiền bạc và có mối liên hệ chặt chẽ với tổng hành dinh IS. Ngoài ra có những nhóm bản địa trung thành với IS và đã chứng tỏ được năng lực khủng bố đáng sợ như nhóm Hồi giáo cực đoan nổi loạn ở Bắc Sinai (Ai Cập).
Một số chiến binh IS ở Syria và Iraq hiện nay có thể lựa chọn chuyển tới nhập nhóm với các phần tử cực đoan ở Sinai hay sang hẳn Afghanistan, giống như các chiến binh al-Qaeda đã di tản hàng loạt sang Iraq và Yemen sau sự kiện 11/9. Chúng sẽ sang các nơi đó theo con đường nhập cư và đi một mình. Hành trang của chúng sẽ là các kỹ năng chiến đấu trên thực địa ở Syria và Iraq.
“Nhà nước Hồi giáo” tinh thần
Có lẽ thứ mà những kẻ tạo ra IS phiên bản 2.0 ít dự đoán nhất là những kẻ trung thành qua thế giới ảo, đó là những kẻ bị cực đoan hóa trong không gian mạng, nuôi hận thù và tự thực hiện các hành vi bạo lực bột phát.
Hai vụ tấn công chết người ở Mỹ - ở Orlando và ở San Bernardino, đều rơi vào thể loại này, tương tự như vụ tấn công bằng xe tải ở Nice (Pháp, 2016) và các vụ tấn công nhỏ lẻ khác ở châu Âu với cảm hứng từ IS.
Các vụ trên được tiến hành bởi các cá nhân ít hiểu biết về hệ tư tưởng IS và không có liên hệ trực tiếp với hệ thống thứ bậc của IS. Nhưng điều đó không ngăn IS tuyên bố những kẻ gây án này là “những người lính của Caliphate Hồi giáo”.
Những cá nhân này - bị cực đoan hóa qua những gì họ đọc và nghe, tạo ra một mối nguy hiểm thường trực. Họ không có mấy tòng phạm. Họ lấy cảm hứng từ các nội dung độc hại trên mạng xã hội của các phần tử cực đoan mà khi đã chết rồi vẫn truyền cảm hứng cho nhiều cuộc tấn công khủng bố mới.
Tương lai IS phụ thuộc các kế hoạch hậu chiến
IS có tồn tại được hay không, phụ thuộc nhiều vào cách xử lý tình hình ở Iraq và Syria sau xung đột.
IS đã thể hiện kỹ năng của mình trong việc lợi dụng căng thẳng giáo phái và việc gây khủng bố để buộc các cộng đồng phải quy phục mình. Nó vẫn làm vậy tại các nơi thuộc tỉnh Diyala của Iraq, cách xa Mosul.
Nhà phân tích Michael Knights nhận định: “Nếu thiếu các nỗ lực quyết tâm xây dựng hòa bình giữa các giáo phái và sắc tộc, thì nền chính trị ở Diyala sẽ tiếp tục để cho IS và các đồng minh của nó nhận thêm nhiều tân binh trong các năm tới”.
Nếu không muốn IS tái sinh ở Mosul, thì người ta cần phải làm rất nhiều việc để xoa dịu hận thù sắc tộc, giáo phái luôn âm ỉ. Hiện các bên chưa nhất trí về cách quản lý thành phố, còn dân cư dòng Sunni thì e sợ các dân quân dòng Shiite./.
Theo CNN/VOV
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.