Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Nhật Bản trong quý 1/2019 tăng 2,1%. Đây là quý thứ 2 liên tiếp GDP của Nhật tăng.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tuy GDP tăng, nhưng xuất khẩu của Nhật trong giai đoạn này giảm 2,4% do nhu cầu về linh kiện điện tử giảm, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Trong lĩnh vực nhập khẩu, tình hình cũng không mấy khả quan, nhập khẩu giảm 4,6% do giá dầu thô giảm từ mùa Thu năm ngoái. GDP của Nhật Bản tăng do mức giảm trong nhập khẩu cao hơn so với mức giảm trong xuất khẩu.
Kinh tế Nhật Bản sáng sủa khi GDP tăng 2 quý liên tiếp. Ảnh: Reuters.
Đầu tư của các công ty giảm 0,3% trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất giảm khiến các nhà đầu tư cắt giảm chương trình chi tiêu.
Tiêu dùng cá nhân cũng đình trệ, giảm 0,1% do giá một số loại thực phẩm tăng, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản và các nghị sỹ đang chờ kết quả về mức tăng trưởng để đánh giá xem nền kinh tế đã đủ mạnh để tiến hành tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 năm nay như dự kiến hay không.
Trong khi đó, chứng khoán Tokyo tăng điểm sau khi số liệu GDP quý đầu tiên được công bố cho thấy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn dự đoán. Tuy nhiên, điều này không thuyết phục được toàn bộ các nhà đầu tư, do chỉ số tiêu dùng cá nhân trong quý I giảm.
Hôm qua (20/5), chỉ số Nikkei chủ chốt của 225 cổ phiếu tiêu biểu chốt phiên ở mức 21.301 điểm, tăng 51 điểm tương đương 0,24% so với chốt phiên cuối tuần trước. Chỉ số đã có lúc tăng hơn 100 điểm trước khi giảm trở lại.
Các doanh nghiệp phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa tăng điểm, bao gồm các công ty thực phẩm và chế tạo dược phẩm. Các công ty chế tạo điện tử giảm điểm.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để vận hành kinh tế đất nước, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến trong và ngoài nước.
Ông Suga cho biết một số bộ phận trong xuất khẩu và sản xuất của Nhật Bản còn điểm yếu, nhưng nền tảng kinh tế, tức phần đảm bảo nhu cầu trong nước thì bền vững và xu hướng giảm của xuất khẩu không ảnh hưởng tới kế hoạch của chính phủ là tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.