Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 31 tháng 1 năm 2022 | 14:24

Kỳ vọng của một số doanh nhân trong năm 2022

Dịch Covid - 19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, tuy nhiên, nhiều doanh nhân Việt vẫn kỳ vọng nhiều điều trong năm Nhâm Dần 2022.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết, trong hai năm vừa rồi, tôi tái cơ cấu nên mọi việc khá ổn. Hai năm nay tôi trả nợ hai mấy nghìn tỷ, từ lúc chuyển nhượng HAGL Agrico nhẹ đi, xử lý được nợ, làm lại tất cả mọi thứ.

Ai muốn tham quan trang trại của Hoàng Anh Gia Lai đều có thể được đưa đi, giờ có gì mà giấu nữa. Năm 2022 sẽ còn ngon lành hơn  rất nhiều vì chúng tôi còn đang xây dựng.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai

Ông Phạm Minh Thông, Chủ tịch kiêm CEO Phúc Sinh cho biết: Thật sự, dịch bệnh đã làm con người phải thay đổi rất nhiều so với những gì có thể tưởng tượng trước đây. Tuy nhiên, riêng với chúng tôi, 2021 lại là năm khá thành công khi tận dụng nhiều sự chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển khách hàng. Chúng tôi đã học được nhiều điều ngay từ đợt dịch đầu tiên năm 2020 nên đã chủ động thay đổi từ trước nên vẫn tăng trưởng tốt. Lợi nhuận năm 2021 vì vậy tốt hơn nhiều so với 2020. Hy vọng trong năm 2022, chúng ta có thể đoàn kết vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, xử lý mọi thứ tốt hơn.

Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, đánh giá năm 2021 là năm khá thử thách với làn sóng dịch thứ 4, cũng là đợt dịch bùng phát phức tạp nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam.

Theo ông Đức, Gojek cũng phải đối mặt nhiều khó khăn khi mà ngành gọi xe công nghệ cũng như các thành viên trong hệ sinh thái chịu tác động trực tiếp từ đại dịch. Dù vậy, ông cho biết, công ty xem đây như là quá trình "lửa thử vàng, gian thử sức". 

CEO này cho biết, trong năm 2021, nhiều kế hoạch hoạt động đã được hãng thay đổi, bên cạnh đó là những sáng kiến mới được ra đời nhằm duy trì sự vận động của hệ sinh thái. 

Theo ông, đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid 19 là cơn bão mạnh nhất và dai dẳng nhất từ đầu mùa dịch tới giờ, "quật ngã" không ít cá nhân và doanh nghiệp, ngành nghề. Thế nhưng, trong cơn bão vẫn có những cái cây âm thầm cắm rễ sâu hơn, tích tụ dưỡng chất để lớn mạnh hơn sau bão.

Ông Phùng Tuấn Đức - Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam
Ông Phùng Tuấn Đức - Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam.

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ các thiết bị công nghệ như CellphoneS mặc dù đã chịu thiệt hại nặng do không có doanh số bán hàng và chi phí mặt bằng, tài chính tăng cao... nhưng sau thời gian giãn cách lại có nhiều cơ hội để phát triển mở rộng phục vụ nhu cầu tăng cao và xu hướng mới của thị trường.

Nhìn sang năm 2022, CellphoneS vẫn thấy được nhiều tiềm năng và có lẽ điều quan trọng với mỗi doanh nghiệp là sự linh hoạt, có khả năng biến chuyển nhanh hơn nữa để thích ứng tồn tại và phát triển.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Phúc Khang cho biết, doanh nghiệp hoàn thiện việc tái cấu trúc mô hình theo hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng dự án bất động sản cao cấp, trong đó chú trọng đến trách nhiệm xã hội.

"Đưa đến sự phát triển bền vững, đó là chuyển đổi số để phù hợp với điều kiện của dịch Covid-19. Lấy sức khỏe của cộng đồng làm trung tâm của sự phát triển, vẫn duy trì đảm bảo cho công việc sản xuất kinh doanh, đóng góp vào lợi ích quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, đảm bảo nhu cầu của người dân. Tiếp đến, doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển bền vững, đưa doanh nghiệp phát triển chú trọng đến trách nhiệm xã hội, để vừa bảo vệ các lĩnh vực kinh tế nhưng cũng bảo vệ môi trường và xã hội", bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho biết thêm.

 

 

Tấn Thành
Ý kiến bạn đọc
Top