Ngày 27/12, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận nước này và Nga đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến việc Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ, nhấn mạnh rằng cả Moskva và Washington đều không chấp nhận Bình Nhưỡng là một cường quốc hạt nhân.
Người dân theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc ngày 29/8. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert nêu rõ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm hôm 26/12 sau khi Mỹ và Liên hợp quốc đồng loạt công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên trong những ngày gần đây.
Hai bên đã thảo luận những quan ngại liên quan đến việc chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây mất ổn định tình hình khu vực và nhất trí tiếp tục biện pháp ngoại giao nhằm đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, hôm 26/12, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson đã nhất trí rằng việc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov một lần nữa nhấn mạnh việc Mỹ làm gia tăng căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên bằng những lời chỉ trích chính quyền Bình Nhưỡng cũng như có các động thái tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực là điều không thể chấp nhận.
Ngoại trưởng Nga đồng thời nhấn mạnh cần phải sớm khởi động tiến trình đàm phán giữa các bên thay vì đe dọa trừng phạt. Ngoài ra trong cuộc điện đàm, hai ngoại trưởng cũng nhất trí tăng cường đối thoại song phương về những vấn đề liên quan trong lĩnh vực ổn định chiến lược.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định Nga sẵn sàng làm trung gian trong các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm xoa dịu căng thẳng nếu hai nước này chấp thuận để Moskva đóng vai trò này./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.