Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 7 năm 2018 | 14:9

Mỹ trợ cấp 12 tỷ USD cho nông dân chịu thiệt vì chiến tranh thương mại

Tổng thống Donald Trump dùng đến chương trình trợ cấp từ thời Đại Khủng hoảng gần 1 thế kỷ trước để giúp nông dân bị ảnh hưởng vì cuộc chiến thương mại.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 24/7 thông báo sẽ dùng một chương trình từ thời Đại Khủng hoảng (1929-1933) để chi trả 12 tỷ USD giúp nông dân Mỹ bị ảnh hưởng vì các cuộc chiến thương mại mà ông Trump đang tiến hành với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác.

 

my tro cap 12 ty usd cho nong dan chiu thiet vi chien tranh thuong mai hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Kansas, bang Missouri, ngày 24/7/2018. (Ảnh: AFP)

 

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống Donald Trump quyết tâm giữ nguyên các biện pháp thuế quan như là thứ "vũ khí" hàng đầu của Mỹ trong cuộc xung đột thương mại này.

“Trợ lực” cho nông dân Mỹ hay cho đảng Cộng hòa?

Các quan chức Mỹ cho biết, gói “cứu trợ” này được xem là một liều “thuốc tăng lực” tạm thời cho nông dân trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang thương lượng các vấn đề thương mại.

“Đây rõ ràng là một giải pháp ngắn hạn để Tổng thống Trump có thêm thời gian đưa ra các chính sách thương mại dài hạn” – Sonny Perdue, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ khẳng định. Ông Perdue cũng cho biết, khoản tiền hỗ trợ này sẽ được giải ngân thông qua Tổng công ty tín dụng hàng hóa của Bộ Nông nghiệp Mỹ và không cần được Quốc hội thông qua.

Trong bối cảnh cuộc đua vào Quốc hội Mỹ đang ở giai đoạn quan trọng trước thềm bầu cử tháng 11 tới, động thái trên còn nhằm củng cố lại những khu vực bầu cử quan trọng bằng cách xoa dịu những chỉ trích từ nông dân và các nghị sỹ thường đấu tranh, vận động cho nông dân, trong đó có cả những người phe Cộng hòa, về hệ quả của các cuộc chiến thương mại hiện nay. Bởi các bang có nhiều vùng nông thôn và sản xuất nông nghiệp là những đơn vị bầu cử đã ủng hộ ông Trump rất rõ rệt trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Và chính sách thương mại của ông Trump đã trở thành vấn đề trọng tâm ở các bang này.

Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Kansas ngày 24/7, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với các biện pháp áp thuế và cam kết rằng “nông dân sẽ là những người được hưởng lợi lớn nhất”.

“Chỉ cần kiên nhẫn một chút” – ông Trump động viên. Cuối tuần này, ông Trump sẽ cũng thăm Iowa và Illinois, 2 bang có nhiều nông trại lớn khác, để vận động ủng hộ cho các ứng viên đảng Cộng hòa ở miền Trung Tây nước Mỹ.

Tuy nhiên, động thái này của chính quyền Tổng thống Trump dường như sẽ khiến phe Cộng hòa chia rẽ, giữa một bên là những người ủng hộ kế sách này, và bên kia là những người cảm thấy không hài lòng vì đảng Cộng hòa vốn có truyền thống phản đối những chương trình hỗ trợ diện rộng từ chính phủ.

“Cuộc chiến thương mại này như là đang cắt mất đôi chân của người nông dân, vậy mà kế hoạch của Nhà Trắng lại là chi 12 tỷ USD cho những chiếc nạng bằng vàng” – Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Nebraska thường xuyên chỉ trích Tổng thống Trump, ông Ben Sasse ví von.

12 tỷ USD “như muối bỏ bể”

Nông dân Mỹ bị coi là một mục tiêu rất cụ thể trong cuộc chiến thương mại hiện nay, khi các nước tìm cách đáp trả lại các biện pháp thuế quan của ông Trump nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc cũng như thép và nhôm của EU, Canada và Mexico. Những nền kinh tế chịu ảnh hưởng đã lần lượt chĩa “mũi giáo” vào các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, trong đó có đậu nành, bơ sữa, thịt và rượu.

Mỹ xuất khẩu 138 tỷ USD hàng nông sản trong năm 2017, trong đó có 21,5 tỷ USD đậu nành. Chỉ riêng Trung Quốc đã nhập khẩu đến 12,3 tỷ USD đậu nành từ Mỹ trong năm ngoái (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ).

Quy mô trợ cấp trực tiếp cho nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại này là chưa từng có - nhà kinh tế học nông nghiệp của Đại học Illinois (Mỹ), ông Scott Irwin nhận định.

“Chúng ta chưa bao giờ đền bù trực tiếp cho nông dân ở quy mô lớn như vậy vì các biện pháp đáp trả với thuế quan” – Irwin nêu rõ.

Tuy nhiên, thông tin về gói “cứu trợ” nông dân trị giá 12 tỷ USD của Tổng thống Trump dường như bước đầu đã có tác động nâng giá cổ phiếu của các công ty sản xuất thiết bị phục vụ cho nông nghiệp. Bởi thị trường kỳ vọng rằn nông dân sẽ có thêm tiền để chi tiêu mua máy móc phục vụ sản xuất.

Mặc dù vậy, trừ phi Nhà Trắng thay đổi chính sách, nếu không nền nông nghiệp Mỹ vẫn sẽ là nạn nhân lớn của cuộc chiến thương mại này.

“Số tiền đó sẽ hữu ích cho nông dân đang phải đối mặt với các khoản nợ đã quá hạn và khiến các ngân hàng tức giận, nhưng chắc chắn sẽ không đủ nếu điều đó có nghĩa rằng các biện pháp thuế quan và cuộc chiến thương mại này sẽ kéo dài đến một tương lai vô hạn định” – Chủ tịch Hội Nông dân Missouri, một người trông ngô và đậu nành, ông Blake Hurst nhận định. “Đó chỉ là cách băng bó tạm thời cho một vết thương tự mình gây ra”.

Một số thành viên trong chính đảng Cộng hòa của ông Trump cũng đồng ý rằng, số tiền trợ cấp dù nhiều đến mấy cũng chỉ như “muối bỏ bể” nếu nó không thực sự giải quyết vấn đề của người nông dân Mỹ.

“Nếu các biện pháp thuế quan quay lại trừng phạt chính người nông dân thì câu trả lời không phải là phúc lợi cho họ mà là loại bỏ thuế quan” – Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Kentucky Rand Paul chia sẻ trên Twitter./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top