Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 7 năm 2019 | 20:58

Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại, gác lại lệnh trừng phạt

Các nhà đàm phán thương mại cấp cao Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 30-31/7 tới để đàm phán thương mại

Một tháng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), giới chức Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại vào cuối tháng 7. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ mang lại một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới.

 

my va trung quoc noi lai dam phan thuong mai, gac lai lenh trung phat hinh 1
Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20. Ảnh: New York Times.

 

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay (25/7) cho biết, các nhà đàm phán thương mại cấp cao Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại Thượng Hải, Trung Quốc trong hai ngày 30 và 31/7 tới để đàm phán thương mại. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng cho biết, các công ty Trung Quốc sẵn sàng mua những sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đã nhận được lời chào giá từ phía Mỹ và hai bên sẽ sớm ký kết các hợp đồng thương mại.

Thông tin trên từ phía Trung Quốc đã phần nào dập tắt quan ngại của dư luận về nguy cơ Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt với Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/7 vừa qua, cáo buộc Trung Quốc không thực hiện lời hứa tăng mua các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Mỹ.

Ông Luke Peter, giám đốc điều hành công ty gia dụng của Mỹ tại California nói: “Tôi chẳng vui vẻ gì với các mức thuế quan và cũng phải trải qua những khoảng thời gian khó khăn khi cả Mỹ và Trung Quốc áp đặt thuế quan đối với nhau. Chúng tôi chỉ đang nỗ lực giải quyết các vấn đề ở từng thời điểm. Việc hai bên nhất trí nối lại đàm phán góp phần giải tỏa áp lực và mang lại hy vọng cho các doanh nghiệp như chúng tôi”.

Về phía Mỹ, trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC của Mỹ hôm qua (24/7), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng xác nhận ông và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ đến Trung Quốc vào đầu tuần tới để tiến hành vòng đối thoại mới với giới chức Trung Quốc, trong 2 ngày 30-31/7 tại Thượng Hải, trước khi tiếp tục có thêm các cuộc đối thoại mới ở thủ đô Washington. Tuy nhiên, ông Mnuchin thận trọng khi nói rằng, Mỹ vẫn còn danh sách dài các vấn đề lớn cần giải quyết khi các cuộc đàm phán được nối lại. Ông không kỳ vọng hai bên sẽ giải quyết được tất cả vấn đề, song thực tế việc phái đoàn đàm phán Mỹ - Trung trở lại bàn đàm phán theo chỉ đạo của hai nhà lãnh đạo Mỹ -Trung đã là điều vô cùng quan trọng.

Trong thời gian qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán bị bế tắc. Cuộc gặp lần này được dư luận kỳ vọng sẽ mang lại một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong một tuyên bố mới nhất, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm  24/7 nhận định, việc giới chức Mỹ sẽ đến Trung Quốc thảo luận nối lại các cuộc đàm phán thương mại đang bế tắc là dấu hiệu tốt, đồng thời bày tỏ hy vọng, Trung Quốc sẽ sớm thu mua lại nông sản của Mỹ.

Về phía Trung Quốc, giới chức Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, nước này luôn chủ trương giải quyết các vấn đề kinh tế và thương mại với Mỹ thông qua đối thoại và tham vấn. Trong phát biểu mới nhất tại cuộc họp báo hôm 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã nói rằng, cùng với Mỹ, nền kinh tế của Trung Quốc có ổn định mới có thể đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bà Hoa Xuân Doanh nói: “Đối với Trung Quốc, một nền kinh tế với Tổng sản phẩm quốc nội là hơn 13.000 tỷ USD và việc duy trì mức độ tăng trưởng hàng năm trên 6% có nghĩa là tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc phải tương đương với quy mô của một nền kinh tế lớn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đóng góp hơn 30% cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc đang trở thành động lực cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế của Trung Quốc có ổn định mới có sự kết nối ổn định với nền kinh tế thế giới”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu cách đây hơn 1 năm. Chính quyền Tổng thống Trump đến nay đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Trước cuộc hội đàm tại G20, Mỹ cảnh báo áp thuế bổ sung 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bao gồm điện thoại, máy tính và hàng may mặc. Việc hai bên nhất trí nối lại đàm phán đã góp phần trấn an dư luận, giảm căng thẳng cho doanh nghiệp và giới đầu tư 2 nước./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top