Tổng thống Trump thăm Nhật Bản trong bối cảnh hai trụ cột chính là an ninh và thương mại trong chính sách châu Á của Mỹ có nguy cơ lung lay.
Những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm xích lại gần hơn với Mỹ đang được đền đáp. Cách đây một năm, Nhật Bản dường như đứng ngoài lề khi Tổng thống Trump niềm nở với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thân thiện với lãnh đạo Triều Tiên. Song tình hình hiện nay đã khác, quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ dần xoay về đúng quỹ đạo khi ông Trump phải đối mặt với những thách thức mới từ Bình Nhưỡng và tìm cách đối trọng với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Bloomberg. |
Theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe, ông Trump sẽ tới thăm Tokyo vào ngày 25/5, trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Nhật hoàng Naruhito. Trong chuyến thăm, Tổng thống Donald Trump sẽ được đãi tiệc Hoàng gia, đến dự giải đấu sumo đầu tiên dưới thời kỳ hoàng đế mới lên ngôi.
"Điều này sẽ cho phép người Nhật cảm thấy gần gũi hơn với Tổng thống Trump và cho phép Thủ tướng Shinzo Abe giới thiệu người bạn thân thiết của mình với nhân dân Nhật Bản", tờ The Washington Post dẫn lời một nguồn tin cho biết.
Một tình bạn nhiều sóng gió
Dưới sự lãnh đạo của ông Abe, Nhật Bản luôn coi quan hệ liên minh với Mỹ là trụ cột chính trong bảo đảm an ninh quốc gia. Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nhưng Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Tokyo. Quan hệ Mỹ-Nhật là quan hệ song phương quan trọng mà Tokyo không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào.
Trong hầu hết nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài thân thiết nhất về mặt cá nhân. Thủ tướng Abe đã sớm tiếp cận với ông Donald Trump ngay khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông đã bay tới New York và có mặt tại Tháp Trump trước khi lễ nhậm chức Tổng thống diễn ra. Kể từ thời điểm đó, hai nhà lãnh đạo điện đàm 20 lần và có các cuộc gặp trực tiếp tại Mỹ, và Nhật Bản, Nhà Trắng cho biết. Ông Trump và ông Abe cùng chia sẻ niềm đam mê chơi golf, công khai chúc mừng chiến thắng của mỗi bên trong các cuộc bầu cử. Cá nhân Thủ tướng Abe cũng đề cử ông Trump nhận giải Nobel Hòa bình.
Mặc dù thân thiết như vậy song giữa hai nhà lãnh đạo vẫn có sự khác biệt lớn về mặt chính trị. Thủ tướng Abe là một trong những nhà lãnh đạo Châu Á có quan điểm cứng rắn nhất với Triều Tiên, luôn ủng hộ chính chính sách gây sức ép tối đa đối với quốc gia này, chính vì vậy khi ông Trump đột nhiên thay đổi quan điểm, chuyển sang hòa hoãn với Bình Nhưỡng, Tokyo đã tỏ ra lo ngại.
Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao “không theo quy chuẩn nào” của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các đồng minh, cũng khiến Nhật Bản cảm thấy lo lắng về sự ủng hộ của Mỹ kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc. Ông Trump nhiều lần hối thúc các đồng minh của nước này phải tự chi trả quốc phòng của họ, cảnh báo chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Đề phòng một viễn cảnh xấu có thể xảy ra, Tokyo đã đẩy mạnh những nỗ lực dài hạn nhằm mở rộng quan hệ đối tác chiến lược trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ kinh tế, an ninh, ngoại giao với các thành viên của Liên minh Châu Âu ở cả cấp độ song phương lẫn đa phương.
Có lẽ sự bất đồng lớn nhất giữa hai bên là vấn đề thương mại. Chính sách thương mại mà ông Trump áp dụng với Nhật Bản cứng rắn hơn nhiều so với dự đoán của Tokyo. Không giống các đồng minh khác của Mỹ, chẳng hạn như Australia, Nhật Bản không được miễn rào cản thuế quan đối với các mặt hàng nhôm và thép xuất khẩu vào Mỹ. Ông Trump cũng tỏ ra phiền lòng với mức thặng dư thương mại trị giá 68 tỉ USD của Nhật với Mỹ và muốn đạt thỏa thuận song phương để giải quyết chuyện này.
Chuyến thăm đầy toan tính
Giới quan sát cho rằng, thời điểm diễn ra chuyến thăm rất quan trọng đối với ông chủ Nhà Trắng khi hai trụ cột chính là an ninh và thương mại trong chính sách Châu Á của Mỹ đang có nguy cơ lung lay.
Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được thỏa thuận tại cuộc đàm phán thương mại hôm 10/5, vốn được kỳ vọng là vòng cuối cùng nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước. Thất bại này đã làm dấy lên phản ứng giận dữ, khiến các bên tăng cường áp thuế bổ sung lẫn nhau. Xung đột thương mại leo thang nhanh chóng dự kiến tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp ủng hộ ông Trump, hoang mang và giận dữ.
Trong bối cảnh đó, ông Trump muốn tìm đến Nhật Bản để “xoa dịu nỗi đau” trong cuộc chiến thương mại, hoặc ít nhất tìm kiếm một thắng lợi nào đó. Tháng 4 vừa qua, hai bên đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do song phương. Trong khi Tổng thống Trump nhấm mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước thì các cố vấn của ông cùng nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa hối thúc ông nới lỏng rào cản thuế quan đối với đồng minh, tập trung đối phó Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng, một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, trong đó có điều khoản hỗ trợ người tiêu dùng hoặc nông dân Mỹ sẽ là thắng lợi lớn của ông Trump và giúp Washington duy trì sức ép với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng cần sự hỗ trợ của Nhật Bản về các vấn đề an ninh, đặc biệt là chương trình hạt nhân Triều Tiên. Để chiều lòng Mỹ, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã sửa đổi Hiến pháp Hòa bình, mở đường cho việc triển khai lực lượng ra nước ngoài để hỗ trợ các đồng minh. Tokyo cũng tăng chi tiêu quốc phòng, tham gia nhiều thỏa thuận mua bán vũ khí với các công ty quốc phòng của Mỹ.
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, một số nhà quan sát nhận xét Mỹ khó trông chờ sự thay đổi lập trường từ Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in luôn muốn gây dựng quan hệ hợp tác với Triều Tiên vì thế Seoul nhiều khả năng sẽ không áp dụng chính sách gây sức ép tối đa nếu các cuộc đàm phán sụp đổ.
Nhưng Nhật Bản thì khác, Tokyo theo đuổi quan điểm cứng rắn ngay từ đầu, do đó nếu Tổng thống Trump muốn quay trở lại chính sách răn đe Triều Tiên thì Nhật Bản sẽ trở thành đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực liên quan vấn đề này. CNN dẫn lời chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Paul Sracic cho biết: “Cách tiếp cận thống nhất giữa Mỹ, Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên sẽ đặt ra nhiều áp lực hơn với lãnh đạo Kim Jong Un. Nhật Bản là "đồng minh quan trọng nhất thế kỷ 21 của Washington”.
Về phần mình, Nhật Bản cũng muốn tìm đến Mỹ để giải quyết căng thẳng leo thang với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Hồi tháng 4 vừa qua, Nhật Banr đã điều chiến đấu cơ chặn máy bay ném bom của Trung Quốc bay qua các đảo Okinawa và Miyako.
Như vậy, sau nhiều năm tham gia chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ và đầu tư xây dựng mối quan hệ với cá nhân Tổng thống Trump, những nỗ lực của Thủ tướng Abe phần nào đã được đến đáp. Kỷ nguyên Lệnh Hòa có thể chứng kiến một mối quan hệ mạnh mẽ và tin cậy hơn giữa Mỹ và Nhật Bản.
Nguồn: CNN, Japan Times/VOV
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.