“Với các nước khác, mọi thứ sẽ được đáp trả tương xứng. Đó là số lượng tương đương các nhân viên ngoại giao sẽ phải rời khỏi Nga".
Cuộc chiến ngoại giao mới chỉ bắt đầu
Không phải Anh, mà Mỹ là nước đầu tiên hứng chịu đòn trả miếng của Nga sau làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga trên diện rộng do Anh khởi xướng, với cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang Sergei Skripal và con gái ông này.
“Với các nước khác, mọi thứ sẽ được đáp trả tương xứng. Đó là số lượng tương đương các nhân viên ngoại giao sẽ phải rời khỏi Nga”, Ngoại trưởng Nga Sergei Larvov khẳng định. Tuyên bố này đưa ra sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Nga triệu tập Đại sứ Mỹ ở Moscow Jon Huntsman tới, để thông báo quyết định Nga sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, bằng đúng con số các nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất. Nga cũng sẽ đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St. Peterburg.
Như vậy, chắc chắn con số nhân viên ngoại giao của Anh tại Nga sẽ phải khăn gói về nước sẽ là 23 người. Các nước khác tham gia cuộc trục xuất ngoại giao đồng loạt nhằm vào Nga cũng cần chuẩn bị sẵn sàng trước đòn đáp trả này.
Theo đó, các nước Đan Mạch, Albania, Tây Ban Nha và Australia sẽ bị Nga trục xuất 2 nhà ngoại giao mỗi nước. Đức, Pháp và Ba Lan sẽ có 4 nhà ngoại giao bị trục xuất. 13 nhà ngoại giao của Ukraine tại Nga cũng sẽ lên đường về nước.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, tổng cộng 150 nhà ngoại giao nước này đã bị trục xuất khỏi 27 nước trên thế giới. Điểm lại danh sách các nước ủng hộ hành động của Anh có thể thấy các nền kinh tế lớn trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức và Pháp, và tất nhiên là không thể thiếu hầu hết các nước thành viên NATO.
Sau tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Larvov cũng đã nhấn mạnh rằng vụ việc Sergei Skripal được làm “rùm beng” nhằm thúc đẩy và lôi kéo các nước vào con đường chống lại Nga.
Anh sẽ sớm có thêm hành động nhằm vào Nga
Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 6 tới sẽ có thêm các biện pháp nhằm vào Nga . Đây là khẳng định của người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh.
Lời đe dọa này được đưa ra sau khi Thủ tướng Theresa May cho biết, 130 người khác có thể đã bị phơi nhiễm với chất độc trong vụ đầu độc cựu điệp viên ở thành phố Salisbury của Anh hồi đầu tháng 3.
Chính phủ của bà May xác nhận, họ đang cân nhắc các trừng phạt mạnh mẽ hơn và sẽ công bố trừng phạt vào tháng 6, thời hạn chót để Anh nộp báo cáo về vụ đầu độc lên Hội đồng châu Âu.
Thủ tướng Theresa May trong một phát biểu trước Quốc hội Anh hồi đầu tuần này đã bày tỏ lo ngại hàng loạt người dân có thể bị phơi nhiễm chất độc thần kinh A-234 hay còn được biết đến là Novichok. Cũng trong phát biểu này, nữ Thủ tướng Anh không ngần ngại cáo buộc Nga bao che cho việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria, với các nạn nhân chủ yếu là người dân thường, đặc biệt là trẻ em.
Moscow đã bác bỏ cả 2 cáo buộc này của Anh, coi đây là những lời buộc tội “vô căn cứ” khi Anh không công khai được chứng cứ nào.
Một số ý kiến phân tích cho rằng, cách Nga phản ứng đã không hiệu quả trong vụ đầu độc cựu điệp viên và hành động của Anh, Mỹ cùng các nước khác trong vụ việc này mạnh mẽ hơn so với dự kiến của Điện Kremlin.
“Điện Kremlin tự tin rằng họ có thể đạt được một thỏa thuận với châu Âu nếu không có sức ép từ Mỹ và Anh”, nhà khoa học chính trị Valery Solovei tại Viện Các mối quan hệ quốc tế ở Moscow nhận định.
Với Tổng thống Nga Putin, đây là thách thức đầu tiên và ngay lập tức sau khi ông vừa tái đắc cử. Ông chủ Điện Kremlin phải đối mặt với “sự đoàn kết không ngờ” của các nước phương Tây, trong đó, có cả những nước vẫn luôn duy trì hướng tiếp cận hữu nghị với Moscow.
Không thể không đáp trả và điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ chứng kiến hàng trăm nhà ngoại giao các nước nối tiếp nhau thu xếp hành lý về nước. Cuộc chiến ngoại giao mới chỉ bắt đầu.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.