Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 5 năm 2022 | 20:59

Ngành ngân hàng khắc ghi lời dạy của Bác Hồ

Tháng 5 lịch sử này, chúng ta hướng tới kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam (19/5/1890 - 19/5/2022) cũng là dịp kỷ niệm 71 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2022).

Nhớ về Bác, cùng các thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng, cán bộ đảng viên, người lao động Agribank luôn khắc ghi những lời dạy năm xưa của Người, giữ gìn phẩm chất cách mạng, phấn đấu thi đua lao động, học tập, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổ chức tín dụng Nhà nước, cùng ngành Ngân hàng khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy

Ngay từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, tại buổi nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đảng ngày 18/01/1949, Bác Hồ đã chỉ rõ, ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà nhưng cũng phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Mọi chính sách về kinh tế tài chính của Chính phủ đều phải nhằm thực hiện lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc.

 


Bác Hồ vị cha già kính yêu của dân tộc.

 

Đặc biệt, cần, kiệm, liêm, chính là những điều Bác luôn căn dặn cán bộ, Đảng viên phải nêu gương. “Khi có việc đáng làm, việc ích nước lợi dân, lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù hao tốn bao nhiêu công, tiêu hao bao nhiêu tiền của cũng sẵn sàng, nhưng khi không cần tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, không được tiêu”.

 

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo lưới cùng bà con ngư dân ở vùng biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 7-1960. Người luôn chăm lo, động viên nhân dân làm ăn, lao động.

 

Trong những cuộc họp, hay trong những lần gặp mặt cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn nhiều điều đối với cán bộ nói chung, cán bộ ngân hàng nói riêng, mà mục đích sâu xa nhất vẫn là mọi hoạt động phải vì dân, phải nâng cao đạo đức cách mạng để phục vụ nhân dân và làm giàu cho đất nước.

Sau khi ký Sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tháng 02/1952, Hội nghị cán bộ Tài chính - Ngân hàng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc. Bác đã đề cập rất cụ thể, cán bộ tài chính - ngân hàng phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy, cho nên cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời, phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến.

 

Bác Hồ chụp ảnh với đoàn đại biểu Anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 11-11-1965.

 

Bên cạnh đó, Bác Hồ căn dặn cán bộ ngân hàng dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Bác mong rằng: Các chiến sĩ tài chính - ngân hàng ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khăn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự.

Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm của mình đến hoạt động ngân hàng và ngành Ngân hàng. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng tháng 01/1965, Bác cũng đã căn dặn về các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng: “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”. “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt hoàn thành nhiệm vụ chính trị

Đã 71 năm trôi qua, nhưng đến nay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và đặc biệt thiết thực, gắn sát với nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng trong tình hình mới.

 

Bác Hồ với đồng chí Nguyễn Lương Bằng,Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (ảnh chụp ngày 19/5/1957).

 

Nhìn lại những chặng đường lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã có hàng trăm cán bộ ngân hàng anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, hàng vạn tấm gương sáng ngời chủ nghĩa cách mạng. Trong thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới, hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành. NHNN đã khởi xướng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ngành Ngân hàng đã tăng cường mở rộng hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Qua đó, góp phần đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng và quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Ngành Ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, luôn đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh trong các thời kỳ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt kinh tế- xã hội, khắc ghi lời dạy phụng sự nhân dân của Bác, ngành Ngân hàng đã đưa nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó khăn. Theo đó, ngân hàng đã nhiều lần hạ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch…

 

Agribank tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Trong đó, Agribank với vai trò tiên phong, gương mẫu của tổ chức tín dụng Nhà nước luôn đi đầu trong việc điều chỉnh giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Agribank đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho gần 3,2 triệu khách hàng, tổng số tiền lãi đã được giảm là hơn 5.600 tỷ đồng, đứng đầu các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Với việc triển khai hàng loạt gói tín dụng có lãi suất ưu đãi với tổng giá trị lên tới 270.000 tỷ đồng và 150 triệu USD, đến nay, Agribank đã giải ngân hơn 116 ngàn tỷ đồng và 122 triệu USD cho vay ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; hơn 70.000 khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong cả nước đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank, tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Không chỉ khắc ghi những lời Bác Hồ dạy, phấn đấu thi đua lao động, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của TCTD và của Ngành, cùng với cán bộ ngành Ngân hàng, cán bộ đảng viên, người lao động Agribank không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo”, phát huy truyền thống yêu nước, trách nhiệm xã hội, ý chí vươn lên trong học tập và công tác, thực hiện hiệu quả Chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên và người lao động, văn hóa doanh nghiệp, nội quy lao động… đóng góp tích cực dựng xây Agribank, dựng xây ngành Ngân hàng ngày càng phát triển, dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Hướng đến một Agribank “Tốt hơn mỗi ngày”

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Trong suốt chặng đường hơn 35 năm đổi mới xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn khẳng định Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Với nhận thức sâu sắc và nhất quán đó, trong những năm qua, Đảng ủy Agribank lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ, toàn hệ thống triển khai nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là một trong những tổ chức Đảng được Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 

Đảng ủy Agribank vinh dự nhận Bằng khen của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

 

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ủy Agribank triển khai sâu rộng, thường xuyên, đạt được những kết quả nhất định, có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ, toàn hệ thống và cán bộ đảng viên, người lao động Agribank. Hiệu quả của việc đẩy mạnh học tập và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra những thay đổi rõ nét, góp phần thiết thực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Agribank phát triển bền vững. Các hình thức tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước được đổi mới phong phú, đa dạng, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là “kim chỉ nam” giúp cán bộ đảng viên, người lao động Agribank phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của NHTM hàng đầu Việt Nam, chủ lực trên thị trường tài chính, nhất là nông nghiệp, nông thôn.

Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ đảng viên, người lao động Agribank ở bất kỳ vị trí nào đều nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Cán bộ tín dụng không ngại đến tận vùng sâu vùng xa mang đồng vốn đến khách hàng, cùng họ tìm cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả nhất. Cán bộ dịch vụ marketing luôn nỗ lực mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Cán bộ kế toán ngân quỹ luôn tận tụy, nắm chắc nghiệp vụ, giúp khách hàng sớm phát hiện thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo của các đối tượng và thoát khỏi bẫy lừa đảo của chúng một cách ngoạn mục. Cán bộ thủ quỹ, kiểm ngân luôn trung thực, liêm khiết, trả lại tiền thừa cho khách hàng từ vài trăm nghìn đồng đến nhiều tỷ đồng. Theo thống kê, trung bình hàng năm, cán bộ thủ quỹ, giao dịch viên, kiểm ngân Agribank trả lại tiền thừa cho khách hàng với số tiền bình quân trên 120 tỷ đồng.

 

Cán bộ đảng viên, người lao động Agribank ở bất kỳ vị trí nào đều nỗ lực học tập và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

 

Thực hiện lời dạy của Bác "Học phải đi đôi với hành", cán bộ đảng viên, người lao động Agribank tích cực triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ Ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo lập thành tích chào mừng 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam”…; hưởng ứng nhiều phong trào thi đua do Agribank phát động: Phong trào xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh hướng tới hội nhập; Phong trào “Xây dựng tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên trong sạch vững mạnh, đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao”, “Xây dựng và phát triển thương hiệu, thực hiện Văn hóa doanh nghiệp Agribank”; Thi đua “Lập thành tích kỷ niệm Ngày thành lập Agribank”; "Đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng hiện đại”, “Đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn”, “Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, “Ngân hàng vì môi trường”, “Agribank vì tương lai xanh”, “Agribank - Tốt hơn mỗi ngày”, “Cùng chung tay chống rác thải nhựa”, Phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, tham gia Ngày hội Tuổi trẻ sáng tạo Khối Doanh nghiệp Trung ương… Qua đó, đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp có giá trị được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển khách hàng, đáp ứng kịp thời yêu cầu kinh doanh và quản trị, điều hành. Cũng từ các phong trào thi đua này, nhiều cán bộ, người lao động trưởng thành, vươn lên, có nhiều đóng góp tích cực đối với quá trình xây dựng và phát triển Agribank.

 

 Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ đảng viên, người lao động không ngừng rèn luyện, học hỏi, làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo xây dựng Đảng bộ và Agribank ngày càng phát triển.

 

Hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có sự thay đổi nhanh chóng, khó lường; trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số ngày càng phát triển, ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng bên cạnh những thuận lợi, phải đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi cán bộ đảng viên, người lao động Agribank không ngừng rèn luyện, học hỏi, làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả là một trong những hành động thiết thực của cán bộ đảng viên, người lao động trong việc tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cho sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động, chung sức đồng lòng và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ chính trị, hoạt động kinh doanh, xây dựng Đảng bộ và Agribank ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của NHTM hàng đầu Việt Nam, cùng ngành Ngân hàng khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế đất nước.

 

 

Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc
Top