Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 9 năm 2016 | 3:26

Gương sáng ở vùng quê nghèo

Nhìn Phan Văn Tuân, chẳng ai nghĩ anh là ông chủ, lại là người có suy nghĩ nhạy bén với thời cuộc thì càng không, bởi vẻ ngoài của Tuân khiến người ta liên tưởng tới chàng trai bản giản dị, chăm chỉ nhưng an phận…

Anh Tuân cùng cán bộ NHCSXH huyện Na Rì tại điểm tập kết gỗ.

Cả thôn Nà Đấu, xã Hảo Nghĩa (Na Rì - Bắc Kạn) đều đã quá quen với hình ảnh Phan Văn Tuân tất tả ngược xuôi trên 2 xe tải chở gỗ, nông sản về xuôi và cung cấp vật tư nông nghiệp cho bà con. Tuân người Nùng, nói tiếng Kinh còn chưa sõi, nhưng riêng trong chuyện làm ăn thì anh khiến bất kỳ ai có cơ hội tiếp xúc cũng phải nể phục.

Học hết lớp 12, Tuân theo chân các bạn học cao đẳng kế toán ở Thái Nguyên, nhưng rồi phần không xin được việc, phần “chân chạy” không thể ngồi im một chỗ, Tuân về quê làm đủ nghề để kiếm sống. Từ nuôi gà, vịt đến trồng rừng…, nghề nào cũng thử, cũng “kinh qua”, cho đến khi có chủ trương khuyến khích nhận đất, phát triển rừng của địa phương, thì Tuân “tạm dừng” chân với nghề này. Được NHCSXH cho vay vốn 50 triệu đồng, Tuân đầu tư cả vào trồng rừng.Anh nhận tới 13ha nằm sâu trong núi, đường đi lại khó khăn, phải tự phát quang mở rộng quãng đường đất dài 3km vào trang trại của mình. Vừa làm vừa tích lũy vốn, vừa trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, chẳng thế mà năm 2012 còn là hộ nghèo, đến 2014, Tuân đã thoát nghèo, đến nay thì thuộc diện có “số má” của xã. Tuân bảo: “Em vay ngân hàng những 3 lần rồi đấy, từ chương trình vay hộ nghèo đến cận nghèo rồi chương trình hỗ trợ sản xuất cho vùng khó khăn. Hình như vốn vay ngân hàng mang lại may mắn hay sao mà vay lần nào em cũng làm ăn tốt”. Chẳng hiểu vì sự may mắn, hay vị sự nhạy bén “trời phú” mà  nay Tuân sở hữu 13ha rừng mỡ đang tuổi khai thác, 2 chiếc xe tải (8 tấn và 5 tấn) chuyên thu gom gỗ và nông sản của bà con trong vùng chở về xuôi bán. Không để chuyến xe nào trống thùng hàng, từ dưới xuôi, Tuân lại nhập vật tư nông nghiệp cũng như các mặt hàng thiết yếu khác cung cấp cho bà con. Vì tiện “một công đôi việc” nên giá phân bón Tuân cung cấp đến người tiêu dùng bao giờ cũng rẻ hơn đôi chút, nhờ thế mà chẳng có hàng tồn, hàng đọng, nhập đến đâu bán đến đó. Cứ thế đều đặn 10 chuyến hàng/tháng, Tuân chả có thời gian mà nghỉ ngơi, thậm chí chuyện sinh thêm con thứ 2 cũng được chàng trai người Nùng đưa vào kế hoạch “dài hạn” chỉ vì: “Mình đang tuổi làm ăn, cố gắng tích cóp để sau này lo cho con đầy đủ, chứ sinh con ra mà để con nheo nhóc thì tội lắm”.

Hiện tại, với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, Tuân chưa hài lòng. Anh bảo đang ấp ủ dự định thành lập 1 tổ HTX chuyên về nông sản, vừa trợ giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con, vừa từng bước hình thành mối liên kết trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Nói về Tuân, ông Hoàng Văn Thái, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Na Rì, nhận xét: “Anh Tuân là gương điển hình trong việc tận dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Mong rằng sẽ có nhiều thanh niên dám nghĩ dám làm như anh Tuân, có như vậy đồng vốn chính sách của chúng tôi mới thực sự chuyển tải hiệu quả”.

Nguyễn Tố

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top