Theo chiến lược vừa được thông qua, 27 mặt hàng, trong đó có thịt bò, sò điệp, táo và cá đuôi vàng, sẽ được đưa vào danh sách hỗ trợ xuất khẩu.
Một siêu thị ở Toyko, Nhật Bản. (Nguồn: japan-guide.com)
Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua chiến lược thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, nông sản và hải sản nhằm thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này lên 5.000 tỷ yen (gần 48 tỷ USD) vào năm 2030.
Theo chiến lược này, 27 mặt hàng, trong đó có thịt bò, sò điệp, táo và cá đuôi vàng, sẽ được đưa vào danh sách hỗ trợ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng bao gồm các mục tiêu về giá trị xuất khẩu theo từng mặt hàng vào năm 2025. Trong đó đáng chú ý là mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu của thịt bò Nhật Bản được xác định ở mức 160 tỷ yen (1,5 tỷ USD), tăng 5,4 lần so với năm 2019.
Mục tiêu trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu đối với thịt bò Nhật Bản ở Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng khi hai nước đang thương lượng về vấn đề xuất nhập khẩu thịt bò.
Để đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ lựa chọn một số khu vực chuyên sản xuất các mặt hàng trên để cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và một số hỗ trợ khác.
Trước đó vào cuối tháng 9/2020, Bộ trưởng Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) Kotaro Nogami cho biết Chính phủ nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để đạt được mục tiêu tăng gấp 5 lần kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm hàng năm lên 5.000 tỷ yen vào năm 2030.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Jiji Press, Bộ trưởng Nogami nói: “Xuất khẩu là một trong những chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng thu nhập của nông dân vào thời điểm thị trường thực phẩm nội địa đang dần thu hẹp."
Bộ trưởng Nogami khẳng định MAFF sẽ nỗ lực để tăng cường năng lực sản xuất thịt bò wagyu, táo và trà xanh để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ này sẽ tiến hành các biện pháp nhằm giúp duy trì hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.