Tối 14/3, tại cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định rút một phần cơ bản lực lượng quân đội Nga đang tham gia chiến dịch không kích chống IS tại Syria. Quyết định này của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình Syria được nối lại tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 14/3 và lệnh ngừng bắn (do Nga và Mỹ bảo trợ) bước sang tuần thứ 3.
Động thái này của Nga được xem là bất ngờ nhưng cũng khá hợp lý, đặc biệt khi xét trong bối cảnh quyết định này có thể tác động một cách tích cực đến các cuộc đàm phán hòa nói riêng, tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria nói chung. Nó cũng được cho là sẽ có tác động tích cực đến quá trình hợp tác giữa Nga và phương Tây cũng như các đối tác tại khu vực Trung Đông trong cuộc chiến chống lại IS.
Trên các phương tiện truyền thông, quyết định của ông Putin được đón nhận với sự hoài nghi. Đã có ý kiến cho rằng, không thể tin được ông Putin vì đây chỉ là một bước đi nhằm đánh lừa phương Tây và phe đối lập Syria, rằng Nga đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu của mình tại Syria và đây là lý do khiến ông Putin quyết định rút quân. Thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, động thái này của Tổng thống Nga là nhằm trấn an dư luận trong nước.
Nga đạt được gì sau chiến dịch không kích tại Syria?
Tổng thống Nga Putin quyết định rút một phần cơ bản lực lượng quân đội Nga tham chiến tại Syria với lý do “nhiệm vụ đã hoàn thành”. Đứng trên phương diện của Nga, điều này có thể đúng xét trên những khía cạnh dưới đây.
Thứ nhất, chiến dịch không kích mà Nga tiến hành tại Syria đã giúp củng cố chế độ của Tổng thống al-Assad. Quân đội Syria đã giành lại được nhiều vùng lãnh thổ bị mất vào tay khủng bố. Còn quá sớm để nói rằng, chính quyền Syria hiện nay sắp có được chiến thắng cuối cùng, tuy nhiên vị thế của họ ngày càng tăng và có tiếng nói quyết đoán hơn trong các cuộc đàm phán với phe đối lập.
Xét một cách công bằng, quyết định rút quân mà Tổng thống Nga đưa ra có thể đặt chính thể Assad vào một thế yếu hơn và buộc phải tìm tiếng nói chung với phe đối lập tại bàn đàm phán ở Geneva. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quân sự của Nga vẫn hiện diện tại Syria, đặc biệt là các hệ thống phòng không tiên tiến S-400 vẫn có thể cung cấp “tấm lá chắn” cho ông Assad và quân đội của ông này.
Thứ hai, thông qua chiến dịch không kích IS tại Syria, Nga đã có dịp phô diễn những loại vũ khí tiên tiến và thử nghiệm chúng trong điều kiện thực chiến. Qua các thử nghiệm này, Nga có thể tìm ra những khiếm khuyết của các loại vũ khí mới và cải tiến chúng trong tương lai.
Ở một khía cạnh khác, Nga đã có dịp quảng bá các loại vũ khí mới của mình đến các khách hàng tiềm năng như các loại máy bay chiến đấu tiên tiến Su-34, Su-35, tên lửa hành trình Kalibr, hệ thống phòng không S-400, pháo phòng không Pantsir-S1…
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria, Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên phát hành những hình ảnh, video về các cuộc không kích mà lực lượng không quân nước này tiến hành tại Syria. Bộ này cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo cũng như tổ chức các đoàn phóng viên đến tham quan căn cứ không quân Hmeimin ở Latakia và các tàu chiến đóng ở ngoài khơi bờ biển Syria. Quan trọng nhất là Nga đã thể hiện năng lực của mình trong việc phô trương sức mạnh một cách nhanh chóng và hiệu quả ở ngoài biên giới với chi phí rất thấp
Thứ ba, theo Bộ Quốc phòng Nga, sau hơn 5 tháng tiến hành không kích, cơ sở hạ tầng của các tổ chức khủng bố tại Syria đã cơ bản bị phá hủy, các tuyến đường mà khủng bố sử dụng cũng đã bị cắt đứt. Với hơn 9.000 vụ không kích trong thời gian qua, không quân Nga đã phá hủy hơn 200 cơ sở sản xuất dầu mỏ và hơn 2.000 phương tiện vận chuyển dầu của bọn khủng bố. Chiến dịch của không quân Nga cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi hé lộ hoạt động kinh doanh dầu bất hợp pháp của IS với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ tư, Moscow đã thiết lập được một trung tâm thông tin đặt tại Iraq nhằm phối hợp các hoạt động quân sự với Washington, Paris và các quốc gia trong khu vực như Jordan và Israel. Sự phối hợp này đã cho thấy tầm quan trọng của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria nói riêng và tại khu vực nói chung.
Thứ năm, Nga cùng với Mỹ đã phối hợp để đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn [có hiệu lực vào ngày 27/2 vừa qua], giúp giảm thiểu các cuộc xung đột và bạo lực tại Syria, đồng thời góp phần vào việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva. Qua lệnh ngừng bắn này, Nga một lần nữa chứng tỏ mình có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại Syria.
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 vẫn được Nga tiếp tục bố trí tại Syria. Ảnh: Ria Novosti |
Lực lượng còn lại ở Syria sẽ tiếp tục chiến dịch chống khủng bố
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Nga, Viktor Ozerov ngày 15/3 nói với hãng tin Interfax rằng, Nga sẽ tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 tại Syria trong một thời gian nữa.
“Khi các sự kiện ở Syria diễn biến đúng như dự kiến của Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng cũng như quá trình đàm phán chính trị tại Syria thành công, quân đội và cảnh sát Syria có thể tự mình đảm đương việc tiêu diệt khủng bố, khi đó chúng tôi sẽ cân nhắc việc rút hệ thống tên lửa S-400”, ông Viktor Ozerov nói.
Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 1.000 binh sĩ Nga sẽ tiếp tục ở lại căn cứ không quân Hmeimin và căn cứ hải quân Tatus của Nga tại Syria. Sẽ có khoảng 2 tiểu đoàn với khoảng 800 quân nhân được bố trí để bảo vệ 2 căn cứ này. Ngoài ra, với việc Nga tiếp tục các hoạt động trinh sát trên không, một số máy bay và phi công sẽ tiếp tục có mặt tại Syria.
Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tờ tạp chí Arsenal Otechestva và là thành viên Hội đồng chuyên gia của Ủy ban Quấn sự - Quốc phòng Nga nói với trang mạng RBTH rằng, toàn bộ đơn vị trực thăng sẽ ở lại Syria để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ cũng như vận tải.
Theo các nhà phân tích quân sự, trong tổng số 60 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của lực lượng hàng không vũ trụ Nga được điều đến Syria, 2/3 sẽ được rút về nước. Số còn lại sẽ tiếp tục thực hiện các vụ không kích chống lại tổ chức khủng bố IS và al-Nusra Front./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.