Đô thị hóa đang thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đồng thời làm tăng cao nhu cầu lương thực và thực phẩm ở các thành phố. Trong những năm qua, biến đổi khí hậu tác động mạnh đến điều kiện canh tác, nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi thất thường ảnh hưởng nặng nề đến mùa vụ… đã tạo điều kiện cho nông nghiệp đô thị (NNĐT) phát triển ở nhiều nơi trên thế giới.
NNĐT là ngành kinh tế trong và ven đô thị, sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa và cây cảnh; tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị; nó cũng là một hình thức lao động, giải trí góp phần nâng cao thể lực, trí lực cho cư dân đô thị.
Từ cuối thế kỷ XX, NNĐT đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Theo báo cáo hằng năm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), năm 2008 “gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị trên thế giới là từ NNĐT, và 25 – 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình NNĐT”. Ước tính, hiện có trên 800 triệu dân trên thế giới kiếm sống nhờ sản xuất thức ăn, lương thực từ NNĐT.
Ưu điểm của NNĐT là diện tích sản xuất nhỏ, phù hợp với điều kiện ở thành thị; phát triển thành công NNĐT gắn liền với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại hay còn gọi là nông nghiệp công nghệ cao, dùng phương pháp canh tác hữu cơ và không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị và các sản phẩm sản xuất ra tập trung phục vụ ngay cho nhu cầu của khu vực đô thị như: hoa, cây cảnh, cá cảnh, nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản,… ngoài giá trị trong sinh hoạt còn góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo nét văn hóa đô thị và cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh - sạch - đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên với con người.
Vào năm 2016, một tòa nhà bỏ hoang ở thủ đô chính trị La Haye (Hà Lan) vốn được xây dựng từ những năm 1950, từng thuộc quyền sở hữu của công ty viễn thông Philips và sau đó bị bỏ hoang, đã được cải tạo thành nông trại đô thị lớn nhất Châu Âu, đánh dấu là kỷ nguyên mới của nền NNĐT.
Với một nhà kính trên tầng thượng và ao cá ở các tầng dưới, trang trại này áp dụng phương pháp aquapomics - kết hợp thủy canh và khí canh - dùng cá để nuôi dưỡng các vi khuẩn được dùng làm chất dinh dưỡng cho cây trồng. Tại nhà kính rộng 1200 m2, người ta trồng cà chua, các loại rau và cả rau mầm; ngay tầng dưới là một nông trại nuôi cá, có tên UFoo2 De Schilde thuộc công ty nông nghiệp đô thị UrbanFarmers. Ngoài ra, trong khu nhà này còn có cả 1 nhà hàng và trường dạy nấu ăn.
Tại UFoo2 De Schilde, cá được nuôi trong 28 bể lớn, có hệ thống tự động cho cá ăn, với sản lượng 500 con cá/tuần. Một loại vi khuẩn được dùng để biến chất thải của cá thành phân bón cung cấp cho khu vườn rau bên trên, bằng cách đó, khu vườn giúp làm sạch nước của bể cá bên dưới. Với sản lượng 50 tấn rau và 20 tấn cá mỗi năm, nông trại dự tính sẽ cung cấp đủ rau, cá cho 900 hộ gia đình. Sản phẩm của nông trại này có thể mua được tại các đại lý và nếm thử tại các nhà hàng vệ tinh. Hàng tuần, Công ty tổ chức các tour tham quan du lịch.
Dự án chuyển đổi khu nhà thành nông trại đô thị mang tên “Sáng kiến NNĐT” của chính quyền thành phố La Haye nhằm cung cấp cho người dân địa phương nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cao, có nguồn gốc đáng tin cậy. Chìa khóa thành công của UrbanFarmers là sản xuất những mặt hàng mà người ta không thể dễ dàng mua được trong siêu thị, những mặt hàng có hàm lượng dinh dưỡng cao với chất lượng tốt, những mặt hàng đặc biệt đòi hỏi sử dụng ngay sau khi vừa thu hoạch.
Khi cấp phép cho nông trại hoạt động, chính quyền thành phố kỳ vọng nơi này còn có thể phục vụ cho mục đích giáo dục và nghiên cứu. Mô hình sẽ được tiếp tục được nhân rộng và UrbanFarmers hy vọng sẽ có 10 nông trại cùng hoạt động trong năm 2017./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.