Liệu Mỹ bỏ cấm vận trước, hay Triều Tiên phi hạt nhân hóa có kiểm chứng trước vẫn là câu hỏi khó trả lời và là nút thắt cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/1 khẳng định, mối quan hệ Mỹ-Triều đang ở mức tốt nhất chưa từng thấy, nhấn mạnh đàm phán giữa hai bên đang có tiến bộ và phía trước là cơ hội tốt để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Những tuyên bố này đã được người đứng đầu nước Mỹ đưa ra trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2/2019 tới.
Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang lâm vào bế tắc, Tổng thống Mỹ đặt kỳ vọng cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Ông Donald Trump bày tỏ tin tưởng rằng, trước mắt là "cơ hội thực sự cho tiến trình phi hạt nhân hóa", dẫn chứng rằng hiện không còn các cuộc thử nghiệm hạt nhân, Triều Tiên cũng đã trao trả hài cốt binh sĩ và thả các con tin.
Những tuyên bố đầy lạc quan của Tổng thống Trump được cho là trái ngược hoàn toàn với nhận định mà Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Daniel Coats đưa ra trước đó một ngày, công khai nghi vấn về thiện chí phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Ông Daniel Coats nói:
“Hiện chúng tôi đang đánh giá Triều Tiên sẽ tìm cách duy trì năng lực vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và có khả năng sẽ không từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí, cũng như khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân, bởi ban lãnh đạo Triều Tiên về cơ bản vẫn coi loại vũ khí này đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của chính quyền. Một số hoạt động của Triều Tiên không phù hợp với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.”
Mỹ-Triều Tiên đã nối lại động lực thúc đẩy đối thoại về tiến trình phi hạt nhân hóa khi Nhà Trắng thông báo cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai giữa hai nhà lãnh đạo hai nước sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2019. Cả hai bên đang rất trông đợi cuộc gặp này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31/1 xác nhận, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ được tổ chức tại châu Á. Tuy nhiên nhà ngoại giao Mỹ vẫn úp mở về địa điểm cụ thể sẽ diễn ra cuộc gặp đang là tâm điểm gây nhiều chú ý này, khi mà dư luận quốc tế đều đang hết sức kỳ vọng về một bước đột phá mới trong đàm phán Mỹ-Triều, cũng như trong quá trình thảo luận về lộ trình hòa bình bán đảo Triều Tiên. Ông Pompeo nói:
“Chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng này. Đó là kế hoạch. Đó cũng là những gì phía Triều Tiên đã nhất trí và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại một nơi nào đó ở châu Á. Tôi nghĩ tình hình đang có vẻ tốt. Chúng tôi cũng đang cử một nhóm làm việc đến đó."
Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa công bố chính xác địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh phải chăng phần nào chứng tỏ hai bên vẫn chưa dàn xếp được những khác biệt, đặc biệt trong vấn đề giảm nhẹ cấm vận cho Bình Nhưỡng. Rõ ràng, chuyện Mỹ hay Triều Tiên là bên xuống nước trước vẫn sẽ là nút thắt khó gỡ trong các cuộc đàm phán hiện nay. Liệu Mỹ bỏ cấm vận trước, hay Triều Tiên phi hạt nhân hóa có kiểm chứng trước vẫn là câu hỏi khó tìm lời giải đáp. Chưa kể, vấn đề hạt nhân Triều Tiên càng phức tạp hơn với sự can dự của nhiều bên với các ông lớn như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và không thể bỏ qua vai trò của bên liên quan trực tiếp là Hàn Quốc./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.