Quan hệ Trung-Xô xấu đi vào cuối thập niên 1950 đã mở đường cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông vào năm 1972. Kết quả của cuộc gặp đó là Thông cáo Thượng Hải, kèm với thế hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc và việc khống chế Liên Xô ở châu Á-Thái Bình Dương.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hồ hởi bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Mãi đến cuối Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nga-Trung mới bắt đầu tan băng. Hai nước gác lại các chia rẽ về ý thức hệ và lái mối quan hệ song phương theo hướng thực dụng hơn dựa trên lợi ích chung và việc đối phó với các thách thức chung. Mối quan hệ này ngày càng được cải thiện theo thời gian.
Năm 1992, Tổng thống Nga Boris Yeltsin thăm Trung Quốc. Năm 1993, hai nước ký một thỏa thuận quân sự. Năm 1996, hai bên ký thỏa thuận hợp tác chiến lược đầu tiên. Sau đó là một loạt thỏa thuận khác nữa, như Hiệp ước láng giềng thân thiện, thỏa thuận đối tác chiến lược...
Quan hệ gần gũi giữa đôi bên đã dẫn tới một loạt kết quả cụ thể, trong lĩnh vực bán vũ khí, chuyển giao công nghệ quân sự, và năng lượng...
Tích hợp 2 đại dự án của Nga và Trung Quốc
Đáng lưu ý nhất là việc hai bên ký kết thỏa thuận về việc tích hợp dự án “Liên minh Kinh tế Á-Âu” (EEU) và sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Nếu thành công, sự kết hợp này sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong việc củng cố quan hệ Trung-Nga, với những tác động không nhỏ lên cả châu Á và phương Tây.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) vào năm 2013, cả Nga và phương Tây đều bị bất ngờ. Riêng Nga có thể còn lo lắng về việc BRI làm suy yếu vị thế của họ ở Trung Á, “sân sau” của Nga.
Thực tế, 2 sáng kiến BRI và EEU rất khác nhau. BRI là dự án tập trung vào thương mại, có tính mở toàn cầu, thể hiện chiến lược “hướng ngoại” của Trung Quốc. Trong khi đó, EEU là một dự án thiên về hướng nội, và có tính chính trị thể hiện ở chỗ duy trì ảnh hưởng của Nga với vùng Trung Á, khống chế sự bành trướng của EU và Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên quan hệ Nga-Trung và kế hoạch của 2 nước về một vùng thịnh vượng chung dưới ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc vẫn phát triển.
Mang tính tương hỗ cao độ
Đối với Trung Quốc, sự ủng hộ của Nga ở Trung Á mang lại nhiều lợi thế. Thứ nhất, ảnh hưởng và kiến thức Nga về khu vực giúp giảm các rủi ro và trở ngại đối với các dự án BRI, giảm chi phí và tăng lợi ích cho Trung Quốc. Thứ hai, việc Nga chấp nhận để Trung Quốc can dự vào Trung Á sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc đóng vai trò trực tiếp trong việc bảo đảm an ninh ở đây, ngăn ngừa tộc người Duy Ngô Nhĩ hình thành các căn cứ tại đây để chống lại chính quyền Trung Quốc. Thứ ba, mô hình quan hệ này có tiềm năng hình thành không gian địa chính trị nằm dưới sự ảnh hưởng riêng của Nga và Trung Quốc, ngoài tầm với của EU và Mỹ.
Đối với Nga, điều này cho phép họ hạn chế các đòn trừng phạt kinh tế từ EU và Mỹ, tìm kiếm các thị trường thay thế, mở ra lối đi mới cho kinh tế Nga. Việc tích hợp EEU với BRI có thể mang lại cho EEU một kênh thương mại mới để thúc đẩy chiến lược “hướng đông”, giúp Nga tiếp cận các thị trường ở châu Á-Thái Bình Dương.
Dựa trên đồng thuận và cân bằng
Vai trò của Nga trong đại chiến lược của Trung Quốc có lẽ không phải là người “xách giáo” cho Bắc Kinh, vì Nga cũng là một nước lớn đầy tự tôn dân tộc, từng là siêu cường thời Chiến tranh Lạnh, sẽ không bao giờ chấp nhận một kịch bản như vậy. Kịch bản khả dĩ là hai bên làm đối tác ngang hàng trong một chiến lược chung hướng tới xác lập lại trật tự thế giới.
Dường như 2 nước đang phân chia nhiệm vụ trong mối giao kèo này. Trung Quốc sẽ tập trung việc mở rộng mô hình thương mại ra toàn cầu còn Nga sẽ củng cố sức mạnh của mình ở vùng Á-Âu, đóng vai trò là một lực lượng mạnh tạo ổn định cho khu vực và thực hiện các chính sách tạo không giạn địa chính trị cần thiết cho các lợi ích của Nga và Trung Quốc.
Mô hình này làm hài lòng cả 2 nước, cho phép họ cùng thịnh vượng và mở rộng ảnh hưởng khó cản trên một dải rộng của lãnh thổ Á-Âu.
Vừa liên kết với thế giới, vừa độc lập
Khác với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, hệ thống Trung-Nga hiện nay có thể cùng tồn tại song song với hệ thống quốc tế do phương Tây thống trị, với cấp độ phụ thuộc lẫn nhau cao trong một chế độ đa cực và toàn cầu hóa.
Mặt khác, hệ thống này vẫn có khả năng vận hành như một hệ sinh thái khép kín. Đó là do hệ thống này được thiết kế để kiểm soát một dải đất rộng lớn ở châu Á và Á-Âu giàu tài nguyên, nơi cả Nga và Trung Quốc có thể thực hiện mô hình riêng của họ, mô phỏng đầy đủ các đặc điểm của trật tự quốc tế hiện nay bằng các thể chế, thị trường, cơ sở hạ tầng an ninh, tiền tệ và cơ chế thanh toán của riêng họ, và nếu cần thiết, bỏ qua cả hệ thống thanh toán dựa trên đồng USD. Hệ thống dự phòng này có lẽ là để bảo đảm sự sinh tồn cho hệ thống sinh thái Trung-Nga nếu mức độ đối đầu giữa một bên là Mỹ với một bên là Nga và Trung Quốc lên tới cấp độ phương Tây sẽ thực thi cô lập kinh tế và chính trị đối với Trung Quốc như đang làm hiện nay với Nga và với Liên Xô thời xưa.
Một thiết lập như vậy có khả năng làm sứt mẻ ảnh hưởng của phương Tây ở các nước Trung Á. Thế trận Trung-Nga có thể lan tỏa ảnh hưởng sang cả các khu vực khác, như Nam Á và thậm chí cả Trung và Đông Âu./.
KTNT