Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ đạo của Hungary. Theo số liệu thống kê, nông sản xuất khẩu chiếm tới 54% tổng giá trị các sản phẩm xuất khẩu của nước này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Istvan Jakab đã nhất trí cho rằng, hợp tác nông nghiệp là lĩnh vực hai bên cần tập trung thúc đẩy.
Sản phẩm nông nghiệp không biến đổi gen
Năm 2020, tổng sản lượng nông nghiệp xuất khẩu của Hungary đạt tới 9,644 triệu euro. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương Hungary, tổng giá trị sản lượng nông nghiệp của Hungary tăng 13% trong năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực có thể kể đến như bột ớt paprika, tỏi, ngô, bột mì, trái cây, thịt gà cũng như các sản phẩm từ đó…
Sở dĩ nền nông nghiệp Hungary phát triển nhanh là nhờ vào sự hội tụ từ điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế xã hội và những chính sách phát triển.
Hungary có truyền thống lâu đời về sản xuất hạt giống và các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân Hungary có nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt và họ biết chính xác làm thế nào để có được sản phẩm có chất lượng cao như mong muốn. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ mới cùng với những kinh nghiệm truyền thống, các công ty sản xuất thiết bị nông nghiệp ở Hungary đã cung cấp cho ngành nông nghiệp những thiết bị tiên tiến như các loại máy làm đất, xới đất, các loại máy thu hoạch nông sản phù hợp với từng loại cây trồng.
Ngoài ra, các quy định về an toàn thực phẩm cũng rất được quan tâm và thực hiện một cách nghiêm túc ở bất kỳ một giai đoạn sản xuất nào. Bên cạnh đó, về quy định đảm bảo nguồn gốc thực phẩm, Hungary yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể kiểm tra xuất xứ của bất kỳ sản phẩm nào. Không những vậy, với phần lớn sản lượng được xuất đi các nước châu Âu thì các sản phẩm nông nghiệp hay bất kỳ sản phẩm nào cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn do Liên minh châu Âu đưa ra.
Một trong những chính sách làm nên thương hiệu sản phẩm Hungary, đó là, Hiến pháp nước này quy định “các sản phẩm nông nghiệp phải là các sản phẩm không biến đổi gen”. Đây là quyết định chính xác và nhân đạo mà Chính phủ Hungary hướng đến nhằm bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bình thường đối với vật nuôi, cây trồng. Đây cũng là lý do khiến nông sản Hungary được tin tưởng và tăng khả năng cạnh tranh trên thế giới.
Hiện, Hungary đứng thứ 6 trong các quốc gia xuất khẩu hạt giống cây trồng; nông sản Hungary đã thâm nhập hầu hết thị trường thế giới, sản lượng nông sản xuất khẩu của quốc gia này chiếm tới 54% tổng các sản phẩm xuất khẩu phạm vi cả nước.
Nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản Việt
Theo số liệu thống kê của Hungary, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary năm 2016 đạt hơn 124 triệu USD, đến năm 2020 tăng lên 1 tỷ USD (tăng gấp 8 lần), từ tháng 1-10/2021 đạt gần 843 triệu USD (tăng 5%).
Kết quả khả quan trên chủ yếu do sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng linh kiện điện tử Việt Nam xuất sang Hungary trong những năm qua.
Đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary còn thấp, nhưng đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận trong thời gian qua thể hiện qua một số mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu chính.
Đối với hàng càphê chế biến (chiết xuất, tinh chất, cô đặc), nếu như năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary chỉ đạt 115.000 USD, đến năm 2020 tăng lên gần 4,4 triệu USD, gấp 38 lần; riêng từ tháng 1-10/2021 đạt hơn 7 triệu USD, tăng 85,6% so cùng kỳ năm trước. Hiện, thị phần càphê chế biến Việt Nam chiếm khoảng 12,6% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Năm 2020, xuất khẩu hạt điều đạt gần 2,4 triệu USD, tăng 27,7% so năm 2016 và 3,8% so năm 2019. Riêng từ tháng 1-10/2021 đạt hơn 2 triệu USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước. Đây là mặt hàng nông sản của Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất (gần 40%).
Nếu như năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Hungary chỉ đạt 43.000 USD, đến năm 2020 tăng lên 198.000 USD, tăng gấp 4,6 lần so năm 2016 và 135,7% so năm 2019. Riêng từ tháng 1-10/2021 đạt 0,7 triệu USD (767 tấn), tăng gấp trên 9 lần so cùng kỳ năm trước. Thị phần gạo của Việt Nam chiếm khoảng 0,5%.
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Hungary năm 2020 đạt 335.000 USD, tăng 85% so với năm 2019. Riêng từ tháng 1-10/2021, đạt 1,075 triệu USD, tăng 296,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm khoảng 18,7%.
Năm 2020, xuất khẩu rau quả chế biến đạt gần 245.000 USD, tăng 181,6% so năm 2019. Riêng từ tháng 1-10/2021, đạt 0,719 triệu USD, tăng 193,5% so cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Hungary.
Đối với sản phẩm mỳ chế biến, nếu như năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary chỉ đạt 680.000 USD, đến năm 2020 tăng lên 1,49 triệu USD, tăng 119,1% so năm 2016 và 17% so năm 2019. Riêng từ tháng 1-10/2021 đạt 1,4 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu của Hungary từ trước đến nay chủ yếu vẫn là thị trường EU. Vì vậy, về cơ bản các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Hungary chủ yếu là các nước EU như Đức, Hà Lan, Áo, Italy, Ba Lan, Slovakia, Tây Ban Nha, Pháp…
Mặc dù gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những quốc gia này, nhưng một số mặt hàng Việt Nam vẫn có lợi thế tốt như hạt điều, hạt tiêu, cà phê. Với diễn biến hiện nay, các mặt hàng này vẫn duy trì được sự tăng trưởng xuất khẩu tốt sang thị trường Hungary trong thời gian tới.
Tăng cường hợp tác
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary mới đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Hungary Istvan Jakab và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhất trí cho rằng, hợp tác nông nghiệp là lĩnh vực hai bên cần tập trung thúc đẩy, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt, Hungary có thế mạnh trong vận hành chuỗi cung ứng từ trồng trọt, chế biến, kinh doanh, phân phối phù hợp với mô hình liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam vốn sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Do đó, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề chiến lược của Việt Nam. Hiện, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam mới chiếm khoảng 12%. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 48,5 tỷ USD nông sản và năm nay phấn đấu đạt hơn 50 tỷ USD.
Mặc dù những năm gần đây, sản phẩm xuất khẩu qua chế biến mỗi năm tăng khoảng 30%, nhưng giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, do phần lớn là xuất thô và chưa qua chế biến, tỷ trọng chế biến còn ít.
Thăm Công ty Mirelite Mirsa, chuyên chế biến nông sản đông lạnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành tựu mà công ty này đã đạt được và hết sức ấn tượng về công nghệ quản trị, xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm.
Công ty Mirelite Mirsa đã có 41 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chuyên sản xuất, chế biến thực phẩm cấp đông rau, củ, quả, công suất 40.000 tấn củ, quả đông lạnh với 40 loại hoa quả cấp đông, nguyên liệu 100% được sản xuất tại Hungary. Với chiến lược mở cửa hướng Đông của Hungary, Công ty Mirelite Mirsa sẽ hỗ trợ công nghiệp chế biến thực phẩm thông qua hợp tác kinh tế, mong muốn được đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh của Công ty Mirelite Mirsa sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đồng thời cho rằng, với công nghệ và thương hiệu của công ty, khi hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, sẽ có triển vọng phát triển rất tốt, không chỉ ở thị trường Việt Nam với khoảng 100 triệu dân mà còn là thị trường Đông Nam Á với khoảng 650 triệu dân.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.