Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 8 năm 2022 | 15:26

Thị trường Việt Nam: Đầu ra lớn cho nông sản Campuchia

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Campuchia. Khoảng 40% dân số làm nghề nông, nông nghiệp chiếm 22% GDP của nước này.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Campuchia với hơn 1,9 tỷ USD, chiếm 10,7% thị phần nhập khẩu nông sản.

“Bao thầu” phần lớn nông sản Campuchia xuất khẩu

Năm 2021, Việt Nam chiếm gần 80% giá trị kim ngạch nông sản Campuchia xuất khẩu, trong đó, điều, hạt tiêu, đậu xanh... chiếm tới 96 -99% sản lượng.

Báo cáo của Bộ Nông – Lâm - Ngư nghiệp Campuchia cho thấy, xuất khẩu nông nghiệp vụ mùa năm 2021 của quốc gia này đạt gần 5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nông sản của nước này với trên 3,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

z3665836030903_1a1ab07f5c175d7f0c2b89bf34ebd32c.jpg
Nông dân Campuchia thu hoạch lúa. Ảnh: Fintrac Inc

  

So với cùng kỳ năm trước đó, Campuchia đã xuất khẩu 3,5 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng 61%. Các nông sản khác cũng tăng 10 -400%.

99% sản lượng hạt điều của Campuchia được xuất sang Việt Nam với gần 1 triệu tấn, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao lịch sử trong hoạt động xuất khẩu của nước này và gây bất ngờ cho tất cả các nước sản xuất và xuất khẩu hạt điều.

Ngoài hạt điều, hạt tiêu, đậu xanh của Campuchia cũng đồng loạt xuất sang Việt Nam với tỷ trọng tới 99%, tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái cây Campuchia như: bưởi, chuối, xoài cũng tăng sản lượng vào thị trường Việt Nam với số lượng từ vài chục đến vài trăm nghìn tấn, giá rất cạnh tranh.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông  - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhom khẳng định, Việt Nam dẫn đầu trong 70 quốc gia nhập khẩu nông sản nước này.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc hợp tác giữa hai nước theo vị này đem lại kết quả ấn tượng trong năm 2021. Trong đó, các công ty Việt Nam đầu tư trồng cao su tại Campuchia, với 100.000 ha cho thu hoạch mủ, giá trị xuất khẩu khoảng 200 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2021.

Trước đây, nông sản Campuchia xuất nhiều qua Thái Lan, Trung Quốc, hai năm trở lại đây chuyển dịch khá nhiều sang Việt Nam. Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân (nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp), nguyên nhân dẫn tới sự chuyển dịch này là do gần đây, người dân và doanh nghiệp Việt có xu hướng sang Campuchia thuê đất nông nghiệp để trồng khoai, sắn, mía, ngô hay nuôi bò... bởi quỹ đất nông nghiệp của quốc gia này còn rất lớn. Giá thuê đất nông nghiệp của Campuchia thấp, chi phí thuê lao động làm việc cũng rẻ hơn so với Việt Nam.

“Đến khi thu hoạch, những loại nông sản này được đưa trở lại Việt Nam tiêu thụ nên mới có tình trạng nông sản Campuchia xuất khẩu qua nước ta tăng đột biến thời gian qua”, ông Xuân phân tích.

Bộ trưởng Veng Sakhom  cho biết, việc trồng cao su đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 33.000 lao động địa phương. Các công ty trái cây Việt Nam cũng đóng góp hơn 50% giá trị xuất khẩu chuối của Campuchia, tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động nước này.

Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO) đánh giá, Campuchia là quốc gia có sức cạnh tranh mạnh mẽ về nông sản tại khu vực Đông Nam Á. Nông sản ở nước này cho năng suất cao và chất lượng ngày càng cải tiến, được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Cá, Thịt và Rau củ An toàn của Campuchia Sok Yorn cũng nhìn nhận, diện tích trồng nông sản Campuchia đang tăng 2-3 lần so với các năm trước đây. Ông cũng khuyến nghị nông dân nước này canh tác theo đúng tiêu chuẩn sản xuất để hàng xuất khẩu ngày càng được ưa chuộng. Đặc biệt, người dân nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm đảm bảo độ an toàn cho người tiêu dùng.

Người Việt thuê đất trồng lúa

Tổng cục Nông nghiệp thuộc Nông – Lâm - Ngư nghiệp Campuchia cho biết, sáu tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 900.000 tấn gạo thành phẩm, sang Việt Nam. Số lượng lúa xuất khẩu này đạt trị giá hơn 336 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo và là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay. Vì thế, thông tin Việt Nam nhập khẩu lượng lớn lúa từ Campuchia khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho rằng, hoạt động nhập khẩu lúa từ Campuchia đã diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, sản lượng lúa nhập từ Campuchia tăng do có nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt sang nước này thuê đất trồng lúa, khi thu hoạch được đưa về Việt Nam.

“Diện tích đất có thể canh tác lúa ở Campuchia còn lớn, người Việt sang thuê diện tích lớn để giảm chi phí trồng trọt, thu hoạch. Hơn nữa, thổ nhưỡng ở Campuchia cũng rất phù hợp với cây lúa nên cho năng suất cao và chất lượng tốt. Lúa do người dân Campuchia trồng cũng ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học nên chất lượng đảm bảo”, ông Long phân tích.

Lãnh đạo Công ty TNHH Gạo Việt thông tin thêm, giá lúa trồng ở Campuchia tùy thời điểm có lúc rẻ, có lúc cao hơn Việt Nam nhưng không đáng kể. Hơn nữa, loại lúa trồng ở Campuchia nhập vào Việt Nam chủ yếu là giống lúa IR 50404, cho ra loại gạo thành phẩm là gạo trắng, hạt dài, chủ yếu xuất khẩu vào những thị trường truyền thống như Trung Quốc, châu Phi, Philippines…

“Nguồn lúa gạo nhập từ Campuchia cung cấp một lượng gạo nhất định để doanh nghiệp Việt chế biến, xuất khẩu khi nguồn cung trong nước giảm sút. Điều này vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa ổn định thị trường gạo trong nước”, ông Long thông tin.

Nhiều công ty xuất - nhập khẩu khác cũng cho rằng việc nhập lúa từ Campuchia là bình thường và nhiều nước cũng làm như vậy. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, phân tích: Những năm gần đây, nước ta tập trung trồng các giống lúa chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu, như giống lúa thơm ST, OM hay các loại đặc sản… Trong khi đó, nhiều thị trường châu Phi, Trung Đông, Philippines, Trung Quốc… lại chỉ thích nhập nhiều loại gạo trắng thông dụng như IR 50404. Tuy nhiên, vì thiếu hụt nguồn cung nên các công ty Việt sang Campuchia mua, hợp tác thuê đất trồng lúa rồi thu hoạch đem về chế biến, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 06/2022 quy định nhập khẩu mặt hàng gạo có xuất xứ từ Campuchia. Theo đó, trong năm nay, tổng lượng hạn ngạch thuế quan ưu đãi đặc biệt, áp thuế 0% đối với mặt hàng gạo có nguồn gốc từ Campuchia là 300.000 tấn, nếu là lúa thì tỷ lệ quy đổi 2kg lúa bằng 1kg gạo. Đây cũng là một trong những lý do khiến lượng lúa nhập từ Campuchia tăng lên.

 

Campuchia hướng mục tiêu xuất khẩu nông sản hàng đầu khu vực

Dự thảo Luật về biện pháp bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật, đã được các Bộ trưởng Nội các Campuchia thông qua ngày 4/2/2022. Luật được xây dựng dựa trên các chính sách và chiến lược của Chính phủ Hoàng gia và phù hợp với cơ sở pháp lý liên quan có hiệu lực của Campuchia, cũng như các hiệp định và công ước khu vực, quốc tế về bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật.

Theo đó, Luật này quy định việc quản lý an toàn thực vật, thực hiện các biện pháp bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật; bảo vệ các loại tài nguyên thực vật; ngăn ngừa sự lây lan của sinh vật gây hại; nâng cao năng suất nông nghiệp, an ninh lương thực, vệ sinh, chất lượng và an toàn nông sản, cũng như các sản phẩm thực vật và hàng hóa đều phải tiến hành kiểm dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển.

Đây được coi là một trong những bước đi của Chính phủ Hoàng gia Campuchia trong chính sách phát triển nông nghiệp để đưa Campuchia trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu khu vực.

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top