Theo Telegraph, Washington Post/VOV
Giới quan sát cho rằng, vụ thử vũ khí mới này không chỉ là cách Triều Tiên “cảnh cáo” Mỹ một cách nhẹ nhàng, mà còn để trấn an dư luận trong nước.
Triều Tiên ngày 18/4 tuyên bố nước này đã thử vũ khí chiến thuật dẫn đường mới. Đây là vụ thử vũ khí công khai đầu tiên kể từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua.
Chú thích ảnh |
Việc thử nghiệm loại vũ khí chưa được xác định rõ này được Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát trực tiếp từ một đài quan sát. Đây có thể là cách Triều Tiên thể hiện không hài lòng với kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại cuộc gặp này, hai bên bất đồng về mức độ dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên cũng như những bước tiến của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.
Đây cũng là một cách “cảnh cáo” mà không gây nguy hiểm cho tương lai các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên vốn đang bế tắc hiện nay.
Không khiêu khích hay vượt quá “giới hạn”
Vipin Narang, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nói với Telegraph rằng, vũ khí mà Triều Tiên vừa thử nghiệm có thể là một tên lửa dẫn đường chống tăng, một hệ thống phóng rocket đa nòng hoặc một hệ thống khác liên quan đến phòng không hoặc phòng vệ bờ biển.
Trong khi đó, nhà phân tích Pak Jong-chon của Hàn Quốc nói với AP rằng, những thông tin mà truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải cho thấy họ đã thử một loại tên lửa hành trình kiểu mới.
Theo giới quan sát, dù là tên lửa chống tăng, hệ thống phóng rocket đa nòng hay tên lửa hành trình kiểu mới, thì vụ thử của Triều Tiên cũng không phải là một vụ thử tên lửa đạn đạo bị cấm - động thái có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ về phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ngày 16/4 công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy có các hoạt động “khả nghi” ở bãi thử hạt nhân chính Yongbyon của Triều Tiên và hoạt động này có thể liên quan tới việc tái xử lý nguyên liệu phóng xạ.
Chỉ vài ngày sau khi kết thúc Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, các hình ảnh vệ tinh cũng đã cho thấy có hoạt động gia tăng tại bãi phóng tên lửa Sohae ở Tongchang-ri mà Triều Tiên trước đó đã cam kết sẽ giải giáp.
“Với việc khôi phục lại bãi thử Sohae, các hoạt động ở bãi phóng tên lửa, bãi thử hạt nhân và thêm cả vụ thử vũ khí này nữa, ông Kim Jong-un dường như muốn ám chỉ “Súng của tôi đã lên đạn, nhưng tôi sẽ không bắn ngay lúc này”, ông Narang nói.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA không đưa ra mô tả chính xác về vũ khí mới nhưng đưa tin rằng, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng “việc phát triển hệ thống vũ khí này nhằm gia tăng năng lực chiến đấu của Quân đội Nhân dân [Triều Tiên]”. Tờ báo cho biết thêm, vũ khí mới có "chế độ dẫn đường chiến đấu khác biệt" và "một đầu đạn uy lực".
Tháng 11/2018, ông Kim Jong-un cũng từng giám sát một vụ thử vũ khí chiến thuật không xác định khác, có thể bảo vệ Triều Tiên như một “bức tường thép”, điều mà các chuyên gia nói là một phần trong sáng kiến chuyển sang vũ khí công nghệ cao.
Tuy nhiên, với cả 2 vụ thử vũ khí này, ông Kim Jong-un đã không phá vỡ cam kết mà ông đã đưa ra hồi tháng 4/2018 về việc chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Mintaro Oba, một cựu quan chức bộ ngoại giao chuyên phụ trách vấn đề Triều Tiên, nói rằng, động thái mới của Triều Tiên sẽ không làm leo thang căng thẳng nghiêm trọng.
Thông điệp gửi tới Mỹ hay trấn an trong nước?
Trong bài phát biểu hôm thứ 6, ông Kim đặt ra thời hạn cuối năm nay để Mỹ đề xuất các điều khoản mà 2 bên có thể chấp nhận được cho một thỏa thuận, đồng thời nói rằng ông sẵn sàng đi tiếp con đường ngoại giao.
“Có 2 khả năng ở đây. Thứ nhất, Triều Tiên làm điều này như một cách để gia tăng căng thẳng nhằm gây sức ép với Mỹ. Thứ 2, ông Kim cần chứng minh sức mạnh nội địa trong bối cảnh thiếu tiến bộ ngoại giao hiện nay”, Oba nói.
Ông Patrick Cronin, Giám đốc Trung tâm an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Hudson nói rằng, Mỹ có thể sẽ phản ứng bằng cách đưa ra những tuyên bố cứng rắn và thắt chặt trừng phạt, nhưng chỉ theo cách “làm hàng” mà thôi.
“Tôi chắc chắn chúng ta nên sẵn sàng đề xuất một số nhượng bộ kinh tế, không phải là dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt nhưng đủ để khởi động một số dự án liên Triều và chứng minh cho họ thấy cơ chế trừng phạt sẽ dần giảm đi nếu họ đi đúng hướng”.
Ông Lee Jong-Seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, hiện đang làm việc cho Viện Sejong, nói rằng, “Một vụ thử vũ khí chiến thuật không phải hoàn toàn là hành động khiêu khích, nhưng rõ ràng Triều Tiên đang gửi đi một thông điệp tới Mỹ: ông Kim Jong-un không có ý định rời khỏi các cuộc đàm phán, nhưng ông có thể ‘tìm cách mới’ trong trường hợp tệ nhất”.
Còn nhà phân tích Duyeon Kim tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nói rằng, vụ thử sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa 2 bên một cách rõ rệt.
“Không hoàn toàn là nhắm tới Mỹ”, bà Duyeon Kim nói. “Đó còn là một thông điệp nội bộ, nhằm trấn an người dân Triều Tiên và giới chức quân sự chóp bu rằng, các cuộc gặp thượng đỉnh [Mỹ-Triều] sẽ không ảnh hưởng đến sức mạnh và phòng vệ quốc gia của nước này”./.
Theo Telegraph, Washington Post/VOV
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.