Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 2 năm 2020 | 20:13

Tích cực góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững

Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng, Agribank chung tay cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị làm nên thành công công cuộc xoá đói giảm nghèo tại Việt Nam.

022020_tdcs_a1.jpg
 Agribank luôn tiên phong, triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. 

 

Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng góp phần xóa đói giảm nghèo

Ngay từ những ngày đầu khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trong việc xoá đói. Người kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung lực lượng để chống ba thứ giặc là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Người nói: Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững. Giảm nghèo vì thế đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn đề ra (năm 2015). Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh.

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (2016-2020), Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1%-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm.

Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo thành một chương trình đó là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam thực hiện hàng loạt các chương trình, chính sách nhằm hướng tới giảm nghèo đa chiều một cách bền vững.

Việc đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng là nhờ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam trong hơn ba thập niên vừa qua được đánh giá là mang tính bao trùm, đại đa số người dân được tham gia vào tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này.

Làm nên thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Ngân hàng và Agribank, thông qua ban hành, triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.

Bám sát mục tiêu ngành Ngân hàng tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành, lĩnh vực thuộc ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế và xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thời gian qua, Agribank luôn khẳng định sự kiên định của một Định chế tài chính gắn với sứ mệnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn, luôn tiên phong, chủ lực cung ứng tín dụng, sản phẩm dịch vụ tiện ích cho nền kinh tế.

Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn (gần 40%) trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam hiện nay. Agribank triển khai hiệu quả 07 chính sách tín dụng, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn với lãi suất cho vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng.

Cụ thể: Đến 31/12/2019, Agribank cho vay theo Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 782.000 tỷ đồng với gần 3,4 triệu khách hàng còn dư nợ (cho vay hỗ trợ phục hồi ngành chăn nuôi do bệnh dịch tả lợn Châu Phi 25.000 tỷ đồng; cho vay thu mua lúa gạo 7.000 tỷ đồng; cho vay khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản xuất khẩu 35.000 tỷ đồng…); Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt trên 2.861 tỷ đồng với 11.139 khách hàng.

Cho vay chương trình tín dụng tiêu dùng đạt 7.457 tỷ đồng với 114.901 khách hàng; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đạt 903 tỷ đồng với 16.585 khách hàng; Cho vay một số chính sách phát triển thủy sản đạt 4.856 tỷ đồng (chiếm 45% dư nợ cho vay chương trình của toàn ngành) với 622 khách hàng; Cho vay tái canh cà phê đạt 360 tỷ đồng với 1.502 khách hàng; Cho vay xây dựng nông thôn mới tại 100% số xã trên cả nước đạt 529.401 tỷ đồng với 2.612.591 khách hàng… 

 

022020_tdcs_a2.jpg
 Agribank đồng hành cùng hàng triệu nông dân sản xuất kinh doanh hiệu quả, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 

Với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại của các cá nhân, gia đình, qua đó thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đang tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ Thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, trong thời gian 01 năm (tháng 9/2019- tháng 9/2020), Agribank triển khai 02 sản phẩm dịch vụ đặc biệt ưu đãi đối với khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn. Khách hàng tham gia chương trình này sẽ được nhận những ưu đãi từ Agribank đó là miễn phí phát hành thẻ ATM, miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí thường niên; Hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng dành cho khách hàng cá nhân là người Việt Nam cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc cá nhân cư trú ngoài địa bàn nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Agribank có chính sách ưu đãi (miễn phí trang bị lắp đặt POS; miễn phí chiết khấu cho đơn vị chấp nhận thẻ khi chấp nhận thanh toán thẻ thấu chi ATM; hỗ trợ các công cụ quảng cáo…) dành cho các đơn vị chấp nhận thẻ là các Công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…) và các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản…

 

022020_tdcs_a3.jpg
 Cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đến mọi đối tượng khách hàng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Phát huy thế mạnh của NHTM có mạng lưới rộng lớn nhất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, trên 71.000 tổ vay vốn, mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng… Agribank triển khai hiệu quả việc chuyển tải vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đến gần với bà con nông dân, có những đóng góp nhất định trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, đóng góp vào sự thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.

Tích cực triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng

Bên cạnh cung ứng kịp thời nhu cầu vốn và sử dụng sản phẩm dịch vụ, Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho vay, khoanh nợ, xóa nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn để các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ muốn thoát nghèo được hưởng ưu đãi nhiều nhất trong quan hệ tín dụng hiện nay. 

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo với hàng ngàn tỷ đồng từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống.

Riêng trong năm 2019, Agribank 2 lần chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng và các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng chính sách. Hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của Agribank thấp hơn trần quy định của NHNN, thể hiện sự quyết tâm của Agribank trong việc tiên phong, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về điều hành lãi suất, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ khách hàng, đưa tín dụng ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, nhất là quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam.

 

022020_tdcs_4.jpg
 Triển khai nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng.

 

Cùng ngành Ngân hàng hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “không để một ai bị bỏ lại phía sau”, Agribank rất quan tâm đến công tác hỗ trợ an sinh xã hội với nhiều dự án, chương trình tài trợ tổng thể và dài hạn trên khắp cả nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động an sinh xã hội được Agribank ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trạm y tế, công trình giao thông nông thôn... 

Thời gian tới đây, với mục tiêu của Việt Nam mỗi năm giảm từ 1 đến 1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Agribank cam kết sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để có lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng, mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông”, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

PV
Ý kiến bạn đọc
Top