Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 1 năm 2019 | 8:50

Tổng thống Assad và chặng đường “hồi sinh” Syria sau nội chiến

Tổng thống Assad đã giành chiến thắng trước phe nổi dậy nhưng điều đó liệu có đủ để đảm bảo nhà lãnh đạo này đưa Syria "hồi sinh" sau 7 năm nội chiến?

Sau khi cuộc chiến Syria xảy ra năm 2011, Damascus bị một số quốc gia khác cô lập về ngoại giao. Nhiều nước đóng cửa Đại sứ quán bởi vấn đề an ninh cũng như để khẳng định thái độ chỉ trích với cách lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, sau 7 năm nội chiến, chính phủ Syria, với sự ủng hộ của các đồng minh Nga và Iran đã giành lại được phần lớn lãnh thổ và khiến phe nổi dậy đứng trên "bờ vực" của sự thất bại. Đặc biệt, sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump, một số quốc gia Arab tuyên bố rằng họ sẵn sàng nối lại quan hệ với Damascus.

 

tong thong assad va chang duong
UAE thông báo sẽ mở lại Đại sứ quán tại Damascus ngày 27/12. Ảnh: AFP

 

Tháng 12/2018, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir trở thành nhà lãnh đạo Arab đầu tiên sang thăm Syria từ khi nội chiến nổ ra ở quốc gia này năm 2011. Không lâu sau đó, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trước đó từng phản đối ông Assad, thông báo rằng sẽ nối lại quan hệ với Syria. Ngoài ra, Bahrain và Kuwait cũng cho biết họ sẽ sớm tiến hành những động thái tương tự. Tunisia thậm chí đã khôi phục các chuyến bay thẳng tới Syria và Jordan thì đang mở lại quan hệ thương mại với Damascus.

Saudi Arabia, quốc gia ủng hộ cho phe nổi dậy trong cuộc chiến tranh ở Syria, dường như ngày càng có nhiều khả năng sẽ chấp nhận chính quyền Tổng thống Assad với hy vọng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của ông Assad vào Iran – kẻ thù của Riyadh. Đặc biệt, Liên đoàn Arab từng trục xuất Tổng thống Syria trong cuộc nội chiến năm 2011, có thể sẽ chào đón sự trở lại của ông Assad vào năm 2019.

Tổng thống Assad có thực sự từng bị cô lập?

Thực tế là ông Assad chưa từng bị cộng đồng quốc tế cô lập. Đó là một trong những lý do quan trọng cho sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Syria hiện nay. Ngoài ra, Tổng thống Assad cũng nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ các đồng minh Nga và Iran. Nga đã đảm bảo Damascus không phải đối mặt với những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, trong khi cùng với Iran, Moscow đã cung cấp những hỗ trợ cần thiết, các khoản vay cũng như sự ủng hộ để giúp chính quyền ông Assad và quân đội có thể duy trì hoạt động.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm có Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, giống như các quốc gia không thuộc phương Tây khác, không yêu cầu Tổng thống Assad phải từ chức. Trung Quốc là nhân tố tích cực nhất khi 6 lần phủ quyết các nghị quyết chống lại Tổng thống Assad của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ năm 2011, trong khi Ấn Độ vẫn duy trì quan hệ với Damascus do lo ngại sự nổi lên của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, cũng như hy vọng rằng Syria sẽ đứng về phía quốc gia này trong vấn đề Kashmir.

Kashmir không chỉ là nơi có đa số người Hồi giáo sinh sống mà còn là một trong những khu vực "nóng" về chính trị ở châu Á với những tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Brazil đã đóng cửa Đại sứ quán tại Syria nhưng vì các lý do an ninh hơn là sự phản đối với chính quyền ông Assad. Thậm chí trước cả khi Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro đắc cử, Brazil đã khẳng định mong muốn nối lại quan hệ đầy đủ và tham gia vào quá trình tái thiết Syria.

Hỗ trợ tái thiết Syria hay chiến lược giành ảnh hưởng?

Khối BRICS và các đồng minh của ông Assad không thể cung cấp số tiền ước tính khoảng 400 tỷ USD cho quá trình tái thiết Syria hậu chiến. Trung Quốc là quốc gia giàu có nhất nhưng dường như không "mặn mà" lắm với vấn đề này, trong khi Nga và Iran lại không đủ khả năng để hỗ trợ số tiền lớn như vậy. Cả ông Assad và các đồng minh đều phải thừa nhận rằng chỉ các nước vùng Vịnh Ba Tư và phương Tây mới có thể cung cấp cho Syria số tiền hàng tỷ USD để tái thiết đất nước. Đây cũng là lý do thực sự đằng sau sự ấm lên trong quan hệ giữa Syria và các nước Arab.

Thực tế là chiến thắng trên thực địa sẽ đem đến những chiến thắng về mặt ngoại giao. Sau khi quân đội của Tổng thống Syria giành lại phần lớn lãnh thổ, chính quyền ông Assad cũng thu về những chiến thắng ngoại giao quan trọng.

Việc Syria tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế của Liên đoàn Arab - sự kiện được tổ chức từ ngày 19  - 20/1 ở Lebanon hiện đang được cân nhắc. Đây có thể là những bước đi ban đầu để các quan chức Syria nối lại quan hệ với các đối tác khác trong 3 tháng trước khi Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Liên đoàn Arab ở Tunisia diễn ra vào cuối tháng 3 tới. Điều trùng hợp là Syria cũng vừa có một chuyến bay đầu tiên kể từ năm 2011 tới Tunisia vài tuần trước.

Thông báo ngày 27/12 rằng UAE sẽ mở lại Đại sứ quán tại Damascus được cho là khá bất ngờ bởi UAE cùng với Saudi Arabia và Qatar từng là các quốc gia ủng hộ cho phe nổi dậy ở Syria. Tuy nhiên, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã lý giải rằng: "Trước sự mở rộng trong khu vực của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, việc Arab duy trì sức ảnh hưởng ở Syria trở nên ngày càng cần thiết".

Chiến thắng về địa chính trị của Tổng thống Assad với sự hỗ trợ của Nga và Iran đã khiến các nước chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni như UAE và Saudi Arabia nhận ra rằng tình hình Syria và cục diện khu vực đã có nhiều thay đổi. UAE và Saudi Arabia sẽ có nhiều lợi ích hơn với một Syria ổn định thay vì một Syria bất ổn, bởi nếu cuộc khủng hoảng tiếp diễn, kẻ được lợi chính là Iran - quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite khi Tehran sẽ có thêm lợi thế trên bàn đàm phán cùng với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, sau tuyên bố rút quân bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Syria lại có thêm những lợi ích nhất định khi lực lượng người Kurd ở phía bắc quốc gia này có thể sẽ "về phe" Tổng thống Assad để đối phó với cuộc tấn công có thể xảy ra của Thổ Nhĩ Kỳ ở Manbij. Gần đây, Tổng thống Trump đã tuyên bố trên Twitter rằng Saudi Arabia "đã nhất trí sẽ cung cấp số tiền cần thiết để tái thiết Syria, thay vì Mỹ".

Chặng đường gian nan phía trước của Tổng thống Bashar al-Assad

Bất chấp những tín hiệu tích cực, chặng đường tái thiết và khôi phục đất nước sau chiến tranh của Tổng thống Assad vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt với 3 trở ngại chính là Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù Tổng thống Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng không có tín hiệu nào cho thấy chính quyền Mỹ sẽ có lập trường mềm mỏng hơn với Damascus. Việc Mỹ ủng hộ Israel và chống lại Iran càng cho thấy Washington sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Syria trong "ngày một, ngày hai". Sự hạn chế đối với các công ty và các công dân Mỹ vẫn là một vấn đề nan giải và gây trở ngại với các nhà đầu tư quốc tế ở Syria.

Các lệnh trừng phạt của EU cũng gây nên những vấn đề tương tự với Syria và mặc dù không quá gay gắt nhưng EU cũng có sự phân hóa trong quan điểm đối với chính quyền Tổng thống Assad.

Vấn đề người tị nạn khiến chính sách của EU đang có những động thái nhất định nhằm tìm kiếm những điều kiện đi kèm để từ từ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hoặc cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Syria. Việc này có thể gây chia rẽ giữa Washington và EU trong vấn đề Syria nên Tổng thống Assad có thể vẫn phải chờ đợi một thời gian nữa, sau khi những vướng mắc này được giải quyết.

Một trở ngại khác của Tổng thống Assad chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Nền kinh tế Syria và đặc biệt là thành phố bị chiến tranh tàn phá - Aleppo đều sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ nếu các tuyến đường, hiện bị Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy do Ankara ủng hộ chặn, có thể được mở lại. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không yêu cầu Tổng thống Assad phải từ chức nhưng 3 khu vực mà quốc gia này kiểm soát đang cản trở quá trình Tổng thống Syria Assad khôi phục đất nước.

Đầu tiên là ở đông Syria, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể sẽ xảy ra những tranh chấp nhất định. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tấn công lực lượng người Kurd mà Mỹ từng ủng hộ ở khu vực này bởi Anrkara coi đây là những kẻ khủng bố, trong khi Syria muốn giành lại khu vực này để thống nhất đất nước. Kết quả của vấn đề này có thể sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nga có thể hòa giải giữa 2 bên bằng một thỏa thuận nào đó hay không.

Thứ hai là Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở Syria mà Tổng thống Assad quyết tâm giành lại, hiện thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng là khu vực ở phía bắc Syria giữa Afrin và Jarabulus mà Ankara cũng đang nắm giữ và không dễ gì từ bỏ.

Những vấn đề này rõ ràng không thể giải quyết nhanh chóng. Thậm chí cả khi nếu một thỏa thuận nào đó có thể đạt được về vấn đề thương mại biên giới và mở lại các tuyến đường giữa 2 quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng sẽ cần nhiều năm để có thể bình thường hóa quan hệ.

Sự trở lại của Syria ở Liên đoàn Arab có thể đem đến những kết quả tích cực nhưng đó không phải là tất cả. Một mặt Syria từng bị cô lập một thời gian dài trong nội chiến, và mặt khác, quốc gia này còn một chặng đường dài cần vượt qua để nối lại quan hệ với phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến lược của Syria hiện nay có lẽ vẫn là chờ đợi sự thay đổi của các điều kiện quốc tế để có nhưng điều chỉnh chính sách phù hợp. Việc các quốc gia Arab đang dần nối lại quan hệ với Syria đã đem đến những tín hiệu tích cực và Tổng thống Assad tin rằng phương Tây cũng như Ankara sẽ quay trở lại Damascus một ngày nào đó, dù có thể ngày đó không phải diễn ra chỉ trong “một sớm, một chiều”./.

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top