Tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận quy chế “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc tại WTO, trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Sau khi quyết định nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã tăng cường gây sức ép với Bắc Kinh bằng cách tuyên bố không chấp nhận quy chế “quốc gia đang phát triển” của nước này tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc gặp ở thủ đô Washington - Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Mỹ phản đối quy chế của Trung Quốc tại WTO
Trong thông báo đăng trên trang cá nhân Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: “Tổ chức Thương mại thế giới đang bị rạn vỡ khi các quốc gia giàu có nhất trên thế giới tự cho mình là những nước đang phát triển để tránh các quy định của WTO và nhận được quy chế đối xử đặc biệt. Điều này sẽ không xảy ra nữa”.
Trước đó hôm 26/7, ông Trump yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer dừng việc coi Trung Quốc là một nền kinh tế “mới nổi” nếu WTO không thực thi các biện pháp nhằm hạn chế những lợi thế “không công bằng” của Bắc Kinh. Nhà Trắng cũng công bố các chỉ số kinh tế để chứng minh cho luận điểm của mình, chẳng hạn như “sự bùng nổ tăng trưởng” đã giúp Trung Quốc chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu, trở thành quốc gia có GDP lớn thứ hai thế giới.
Đáp lại, giới truyền thông Trung Quốc gọi chiến thuật của Washington là “mánh khóe cũ” và nhất định sẽ thất bại. “Các thành viên của WTO sẽ phải tranh luận về vấn đề này và cùng nhau đưa ra quyết định. Mỹ không phải là bên đưa ra tiếng nói cuối cùng”, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Huo Jianguo, phó chủ tịch Hội nghiên cứu về Tổ chức thương mại thế giới của Trung Quốc cho biết.
Còn tờ Tân Hoa xã đăng tải một bài bình luận cho rằng, Mỹ đang cố gắng đạt được đòn bẩy đối với Trung Quốc trước các cuộc đàm phán thương mại diễn ra tại Thượng Hải trong hai ngày 30 và 31/7, song cảnh báo nỗ lực này sẽ không bao giờ phát huy hiệu quả. “Để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ đã phủ bóng lên hệ thống thương mại đa phương và nền kinh tế mở trên toàn cầu. Những toan tính mang tính cá nhân như vậy đi ngược lại với thời đại, chắc chắn sẽ bị các bên phản đối và không thể thành công”, một đoạn trong bình luận viết.
Dù nhiều cuộc tấn công của ông Trump nhằm vào các hành vi thương mại của quốc gia khác vấp phải sự chỉ trích ngay trong nội bộ nước Mỹ, song lần này, những lời than phiền của ông về WTO, trong đó có vấn đề quy chế quốc gia đang phát triển lại nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Ông Jennifer Hillman, cựu thẩm phán WTO được Mỹ bổ nhiệm dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là giáo sư tại Đại học Georgetown nhấn mạnh: “ Các nước lớn và phát triển như Trung Quốc và Hàn Quốc không nên nhận quy chế này”.
Tranh cãi về động cơ thực sự của Mỹ?
Giới chuyên gia cũng đưa ra nhiều nhận xét khác nhau về mục đích của Mỹ muốn chấm dứt quy chế “quốc gia đang phát triển” dành cho Trung Quốc tại WTO. Sputnik dẫn lời giáo sư Fabio Massimo Parenti, thuộc Viện nghiên cứu Lorenzo de Medici của Italy nhấn mạnh: “Trong bất cứ tình huống nào, Mỹ cũng hành động đơn phương, chỉ xem xét các lợi ích riêng của nước này. Tổng thống Trump là “một ông trùm đánh thuế”. Ông đã phát động cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc và chia thế giới thành hai phe: bạn bè hay đối thủ, tùy theo mức độ mà các nước khác thực hiện hay không thực hiện mong muốn của Mỹ. Những động thái của Mỹ trong thương chiến với Trung Quốc đã phủ nhận nhiều nguyên tắc của WTO”. Ông Parenti cũng lưu ý, Mỹ đang hối thúc WTO tiến hành các cải cách thị trường, “cáo buộc Trung Quốc” về mọi vấn đề mà không đưa ra bằng chứng, trong đó có cả vấn đề về an ninh quốc gia liên quan đến các tập đoàn viễn thông hoặc quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng chung quan điểm này, ông Thomas Prusa, chuyên gia kinh tế tại Đại học Rutgers, New Jersey tin rằng, Mỹ đang muốn tăng cường gây áp lực với Trung Quốc trước cuộc đàm phán thương mại tại Thượng Hải. “Các quy tắc khác nhau dành cho các quốc gia đang phát triển trong WTO không có gì mới. Chính quyền Tổng thống Trump về cơ bản nói rằng họ không thích những thỏa thuận đã được đàm phán trong quá khứ. Việc thay đổi quy tắc có thể được thực hiện như một phần của cuộc đàm phán thông thường. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ (và các nước phát triển khác) sẽ phải đưa ra điều gì đó để đàm phán. Nhưng Mỹ chỉ muốn mọi việc diễn ra theo hướng một chiều tức là trao cho nước này nhiều lợi ích hơn. Đây không phải là cách đàm phán thương mại thường diễn ra”.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel thuộc Viện Cato, ông Simon Lester đánh giá, vấn đề thực sự ở đây là một số quốc gia giàu có lại tự cho họ là những quốc gia đang phát triển để đảm nhiệm ít nghĩa vụ hơn tại WTO. “Không rõ tác động thực tế như thế nào, nhưng ít nhất về mặt lý tuyết, một số quốc gia đang thực hiện ít nghĩa vụ hơn so với năng lực của họ. Chính quyền Tổng thống Trump chỉ đòi hỏi họ thực hiện những nhiệm vụ cơ bản. Tuy nhiên các hành động mang tính đối đầu của Mỹ trong chính sách thương mại đã gây khó khăn đối với việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này”.
Vẫn chưa rõ liệu WTO – tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên và chưa từng thông qua bất cứ đợt cải cách lớn nào kể từ khi sáng lập đến nay, có đáp lại động thái mới nhất của Mỹ hay không?
Nhận xét về vấn đề này, ông Clete Willems, cựu quan chức phụ trách thương mại và chính sách WTO tại Nhà Trắng cho biết, bất cứ sự thay đổi nào về quy tắc của WTO sẽ chỉ có tác động trong thời gian ngắn và quyết định của Mỹ là động thái mang tính biểu tượng, thể hiện sự bất mãn của chính quyền Tổng thống Trump đối với WTO, đặc biệt là cách tổ chức này đối xử với Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh trở thành thành viên từ năm 2001.
Theo ông Willems, điều đó sẽ gây xáo trộn các cuộc đàm phán đang diễn ra tại WTO về trợ cấp đánh bắt cá, thương mại điện tử, tuy nhiên, không tác động ngay lập tức đến quan hệ thương mại giữa Mỹ với các quốc gia khác, không ảnh hưởng đến thuế quan, hạn ngạch hoặc giao dịch thương mại xuyên biên giới.
Theo Sputnik, WSJ/VOV dịch
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.