Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 11 tháng 3 năm 2018 | 21:27

Trung Quốc chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước

Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ 2 của ông kết thúc vào năm 2023.

Chiều nay (11/3), tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã họp phiên toàn thể thứ 3, bỏ phiếu thông qua "Dự thảo sửa đổi hiến pháp" với nhiều nội dung. Đây được đánh giá là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của Trung Quốc.

Tại phiên họp toàn thể chiều nay, sau khi nghe Ban Thư ký giới thiệu về trình tự bỏ phiếu, 2958 đại biểu trong tổng số 2964 đại biểu có mặt tại hội trường đã bỏ phiếu tán thành thông qua "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước CHND Trung Hoa".

 

trung quoc chinh thuc bo gioi han nhiem ky chu tich nuoc hinh 1
Quốc hội Trung Quốc khóa XIII họp phiên toàn thể thứ Ba - thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp

 

Một số nội dung đáng chú ý trong Hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc như: Xác lập vị trí chỉ đạo của quan điểm phát triển khoa học, tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới trong đời sống chính trị, xã hội của Trung Quốc; Quy định mới về Ủy ban giám sát bao gồm Ủy ban giám sát Quốc gia và Ủy ban giám sát các cấp địa phương; Điều chỉnh, làm phong phú nội hàm bố cục tổng thể sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc và mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai. Đặc biệt, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua nội dung xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước.

Trước đó, trong một cuộc họp báo, ông Trương Nghiệp Toại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và là người Phát ngôn của Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đã cho biết chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong Điều lệ Đảng hiện hành của Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong Hiến pháp Trung Quốc đều không có quy định giữ chức không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Ông Trương Nghiệp Toại cho rằng, quy định liên quan đến chức Chủ tịch nước trong Hiến pháp cũng áp dụng tương tự, điều này có lợi cho duy trì, ủng hộ quyền hạn của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, có lợi cho việc tăng cường hoàn thiện thể chế lãnh đạo Nhà nước.

 

trung quoc chinh thuc bo gioi han nhiem ky chu tich nuoc hinh 2
Các đại biểu tiến hành bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp

 

Sửa đổi Hiến pháp được đánh giá là một sự kiến lớn trong đời sống chính trị của Trung Quốc, là quyết sách quan trọng được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân đưa ra từ toàn cục và tầm cao chiến lược, là biện pháp quan trọng thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật một cách toàn diện, thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý đất nước.

Hiến pháp hiện nay của Trung Quốc được thông qua vào năm 1982, đây là lần thứ 5 Trung Quốc tiến hành sửa đổi Hiến pháp, những lần trước là vào các năm 1988, 1993, 1999 và năm 2004./.

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top