Theo các chuyên gia, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông có thể dẫn đến những căng thẳng với Mỹ.
Mối quan hệ về kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở mức thấp chưa từng có, sau việc chính quyền Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc là “một đối thủ chiến lược đang tìm cách cạnh tranh quyền lực và tầm ảnh hưởng với Mỹ” trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 và tiếp đến là cuộc chiến thương mại leo thang giữa các bên.
Có thể nói sự cạnh tranh mở rộng quyền lực giữa hai cường quốc kinh tế và quân sự không giới hạn về mặt địa chính trị. Trung Quốc đang cho thấy ý định tăng cường ảnh hưởng đối với Trung Đông thông qua thiết lập quan hệ giao thương với các nước trong khu vực cũng như thông qua dự án phát triển năng lực quân sự của nước này. Tuy nhiên sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông có thể dẫn đến những căng thẳng với Mỹ.
Iran trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại
Dầu thô là mặt hàng nhập khẩu đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc. Các nước Trung Đông vẫn là nguồn cung chủ yếu cho Trung Quốc, chỉ đứng sau Nga. Là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng khả năng tích trữ dầu mỏ để hạn chế bị tổn thương trước những biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Trong khi đó, mục tiêu của Mỹ là đưa việc xuất khẩu dầu thô của Iran về con số 0, đe dọa chiến lược nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu của Iran sẽ lờ đi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và tiếp tục giao thương với quốc gia Trung Đông này. Cũng cần phải nhắc lại rằng, Iran cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ Sáng kiến Vành Đai và Con đường của Trung Quốc với khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào Iran khoảng 8,5 tỷ USD giai đoạn đầu năm 2018.
Trong bối cảnh vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ được tái áp đặt vào tháng 11/2018, Iran có nguy cơ trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và phải chịu tác động nghiêm trọng. Giá dầu nhiều khả năng sẽ leo thang trong năm 2019 do hoạt động xuất khẩu của Iran bị hạn chế bởi biện pháp trừng phạt của Mỹ. Song nền kinh tế Mỹ cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng của việc này.
Hơn nữa do hoạt động giao dịch dầu mỏ của Iran được thực hiện thông qua Ngân hàng Trung ương Iran đang bị Mỹ trừng phạt, nên Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PboC) - đối tác của ngân hàng này, sẽ trở thành mục tiêu của vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ. Trong trường hợp đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc có thể đáp trả bằng các biện pháp như hạ giá đồng Nhân dân tệ, thắt chặt quy định giao dịch tài chính đối với các công ty Mỹ hoặc bán tháo trái phiếu kho bạc của Mỹ.
Mở rộng quan hệ với các nước Vùng Vịnh
Kinh tế và an ninh là hai phương diện hợp tác chính của Trung Quốc với các nước vùng Vịnh Arab. Trung Quốc hiện nay đang cố gắng tận dụng quan hệ hợp tác kinh tế để xoa dịu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia trong năm 2017. Cũng vào năm đó, Quốc vương Salman của Saudi Arabia đã ký với đối tác Trung Quốc biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trị giá 65 tỷ USD trong các lĩnh vực hóa dầu, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác…
Bên cạnh việc trở thành đối tác thương mại hàng đầu với Iran và Saudi Arabia, Trung Quốc cũng cam kết chi 23 tỷ USD hỗ trợ phát triển khu vực tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-các nước Arab tháng 7/2018. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Các Tiểu vương Quốc Arab thống nhất (UAE) để thảo luận các nỗ lực hợp tác của hai nước về kinh tế và an ninh khu vực trong tháng 7. Theo ước tính, 60% giao dịch thương mại của Trung Quốc với Châu Âu và Châu Phi được thực hiện thông qua UAE. Có thể thấy rằng, mối quan hệ của Trung Quốc với các nước vùng Vịnh đang rất hứa hẹn về mặt kinh tế và điều này có thể khiến vai trò của Trung Quốc trong khu vực ngày càng được thừa nhận.
Không chỉ mở rộng ảnh hưởng về mặt kinh tế, Trung Quốc còn chú ý gia tăng ảnh hưởng về mặt quân sự. Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường tuần tra hàng hải gần các Vịnh Oman và Vịnh Aden. Bắc Kinh cũng thiết lập một căn cứ tại Djibouti để bảo vệ các lợi ích thương mại của nước này trong khu vực, hướng tới xây dựng lực lượng quân sự lâu dài. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đóng vai trò tích cực trong các sứ mệnh hàng hải như chống buôn lậu và chống khủng bố, bất chấp việc Mỹ và các lực lượng hải quân của nước này tại CENTCOM theo dõi chặt chẽ những hoạt động này.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, quan hệ gần gũi của Trung Quốc với Iran có thể tạo ra rào cản cho sự hợp tác về an ninh giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực. Điều này ngăn Trung Quốc thiết lập sự hợp tác với các nước Arab ở một mức độ cần thiết để tạo ra thách thức đối với Mỹ- quốc gia được coi là có tầm ảnh hưởng lớn về an ninh đối với vùng Vịnh. Và chừng nào Bắc Kinh còn thân thiết với Tehran, thì chừng đó sẽ khó có khả năng Saudi Arabia và nhiều nước vùng Vịnh lựa chọn đặt mua thêm nhiều máy bay không người lái, thiết bị đặc biệt cùng các phần cứng quân sự khác của Trung Quốc.
Hợp tác với Nga nhằm kiềm chế Mỹ?
Để kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, Trung Quốc cũng xem xét tăng cường hợp tác với Nga. Nga đang giành được thế thượng phong tại Syria với việc hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad củng cố quyền lực, cũng như giảm căng thẳng giữa Israel với Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn. Trung Quốc đã hợp tác rất tốt với Nga trong vấn đề Syria, tiếp tục ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad và tham gia ngăn cản nhiều nghị quyết bất lợi đối với chính phủ Syria tại Liên Hợp Quốc kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột. Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực trong việc tái thiết Syria, song vẫn chưa rõ liệu quốc gia này có mong muốn đảm nhận nhiệm vụ đó hay không?
Bên cạnh Syria, Trung Quốc và Nga cùng là các đối tác thân cận với Iran. Dù ở thời điểm hiện tại, sự hỗ trợ đối với Iran có thể vẫn còn trong giới hạn. Chính sách cứng rắn của Iran đối với Mỹ sẽ giúp Nga và Trung Quốc có thêm tiềm lực để thúc đẩy những biện pháp kiềm chế Mỹ.
Sáng kiến Vành đai-Con đường cũng cho thấy tiềm năng hợp tác mở rộng của Nga và Trung Quốc. Sáng kiến này nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng mới ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền Trung Quốc với Châu Âu. Trong khuôn khổ sáng kiến, Trung Quốc tài trợ cho các dự án tại Iran nhằm xây dựng đường sắt, đường cao tốc, cảng biển, nhà máy phát điện và mở rộng thương mại.
Đầu tư của Trung Quốc có thể giúp Iran tăng cường khả năng xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên cho các công ty Châu Âu, dù triển vọng tiếp cận với thị trường Châu Âu của Iran sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ. Nga hài lòng với thực tế này và sẽ nắn dòng khí hóa lỏng tự nhiên của Iran chảy theo hướng đông để duy trì sức ép đối với Châu Âu. Bên cạnh đó, Sáng kiến Vành đai-Con đường cũng thúc đẩy triển vọng hợp tác kinh tế Nga – Trung vững bền trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.