Những động thái căng thẳng từ hai bên đã có thể được coi là một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay chưa?
Sau khi Tổng thống thống Mỹ Donald Trump áp đặt biểu thuế lên tới 50 tỷ USD nhằm vào Trung Quốc ngày 23/03, thì chỉ trong mấy ngày qua, Mỹ và Trung Quốc đã liên tục công bố thêm các biểu thuế mới nhằm vào hàng hóa của nhau. Nếu như phía Mỹ đã công bố bổ sung mức biểu thuế thêm 50 tỷ USD nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, nâng mức biểu thuế tổng cộng lên tới 100 tỷ USD, thì Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với "bất kỳ giá nào" nhằm đáp trả Mỹ. Là nước khởi đầu, vậy Mỹ thực sự muốn gì? Những động thái từ hai bên có thể được coi là một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay chưa? Và ai sẽ là người chịu thiệt trong cuộc đối đầu này?
Mỹ muốn gì từ các thông báo áp thuế đối với Trung Quốc?
Các động thái liên tục tuyên bố áp đặt biểu thuế mới nhằm vào Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump trong thời gian qua đang gây bất ngờ cho toàn thế giới với cảm giác rằng lãnh đạo nước Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng và bắt đầu khởi động một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn. Với việc thực hiện chính sách cứng rắn nhằm vào Trung Quốc nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại, có thể thấy rằng Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực thực hiện các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trên thực tế, chiến tranh thương mại giữa hai nước là kết quả của chính sách bảo hộ trong nước với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. Các động thái này cũng nhận được sự ủng hộ từ các nhà hoạch định chính sách Mỹ, những nhân vật có quan điểm cứng rắn và chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại nhiều năm qua như Chủ tịch Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Bên cạnh việc thực hiện cam kết tranh cử, Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa muốn củng cố uy tín cũng như tìm kiếm lợi thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay. Nhà Trắng có thể đánh giá Trung Quốc buộc phải nhượng bộ khi Mỹ là bên nắm lợi thế hơn trong chiến tranh thương mại.
Một kết quả tích cực với tuyên bố giành thắng lợi là điều mà Tổng thống Trump đang mong muốn. Sâu xa hơn nữa, bên cạnh việc giảm bớt thâm hụt thương mại, gia tăng uy tín, các biện pháp trên của Mỹ dường như còn nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tìm kiếm địa vị thống trị toàn cầu về kinh tế. Các ngành nghề mà Trung Quốc đang nỗ lực phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao then chốt đều nằm trong danh sách các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Trump đưa ra. Hay nói cách khác, Mỹ muốn tiếp tục duy trì vị thế kinh tế, công nghệ thống trị thế giới của mình trước sự cạnh tranh gay gắt từ TQ.
Những động thái căng thẳng từ hai bên đã có thể được coi là một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay chưa? (Ảnh: AP) |
Mỹ và Trung Quốc có thực sự đang trong chiến tranh thương mại?
Về bản chất, thì chiến tranh thương mại là sự đối đầu giữa hai bên khi một quốc gia áp đặt hàng rào thuế quan lên một số mặt hàng nhất định để hạn chế thương mại. Để đáp trả, quốc gia đối tượng hoặc nhiều quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi các sắc thuế này sẽ áp đặt các sắc thuế đối với hàng hóa chủ lực của quốc gia kia.
Trong tình huống căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, hai nước được cho là đã tuyên bố chiến tranh thương mại nhưng chưa thực hiện. Các tuyên bố áp thuế lẫn nhau có thể chỉ nhằm gây thêm sức ép và tạo thời gian để hai bên đàm phán về tương lai quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Các công ty tại Mỹ có thế tiếp tục phản đối các mức thuế quan đến ngày 22/5 tới.
Sau đó, chính quyền Trump vẫn có 180 ngày để quyết định có áp dụng các biện pháp cụ thể hay không. Hiện hai bên đang có nhiều cuộc tiếp xúc các cấp cả công khai lẫn bí mật để thảo luận về các vấn đề này. Trong động thái mới nhất, Tổng thống Trump ngày 8/4 trên mạng xã hội thông báo Trung Quốc sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan thương mại và chính sách thuế quan của hai nước sẽ mang tính tương hỗ, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ. Thông tin trên cho thấy, có thể cả Mỹ và Trung Quốc đã dàn xếp được phần nào căng thẳng.
Ai sẽ là chịu nhiều thiệt hại hơn nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc?
Trong trường hợp chiến tranh thương mại nổ ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu những thiệt hại về kinh tế với các mức độ ở từng lĩnh vực khác nhau. Theo giới chuyên gia kinh tế Mỹ, tác động lên nền kinh tế nước này sẽ không quá nhiều, tập trung chính vào một số ngành nhất định, ví dụ như đậu nành, ô tô, máy bay… những ngành xuất khẩu chủ lực sang Mỹ. Các ngành này cũng tập trung ở một số bang vốn ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi giá cả các mặt hàng xuất khẩu từ TQ sẽ tăng theo mức thuế được áp dụng.
Đối với Trung Quốc, tác động đến nền kinh tế sẽ trên quy mô rộng hơn và lớn hơn vì nước này phụ thuộc khá nhiều vào thị trường tiêu dùng Mỹ. Lo ngại lớn nhất ở đây là chiến thuật đàm phán “bên miệng hố chiến tranh” của chính quyền Tổng thống Trump liệu có thành công với Trung Quốc hay không. Mỹ đã giành được lợi thế trong đàm phán lại các điều kiện thương mại đối với Hàn Quốc, Nhật Bản, các đối tác trong NAFTA, thậm chí là căng thẳng hạt nhân với Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc là một quốc gia hoàn toàn khác và chỉ cần một tính toán sai lầm có thể đẩy 2 nước vào cuộc chiến thương mại thực sự./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.