Để khuyến khích nhu cầu mua và cắm hoa tươi, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ở Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động livestream bán hoa trên các nền tảng mạng xã hội.
Xu hướng
Ngành công nghiệp liên quan đến hoa, cây cảnh và hoạt động làm vườn tại Trung Quốc có giá trị tới 25 tỷ USD. Kinh tế khá giả hơn, mua và cắm hoa tươi ngày càng trở thành hoạt động được ưa thích trong mỗi ngôi nhà tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Để khuyến khích nhu cầu này, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang đẩy mạnh hoạt động livestream bán hoa trên các nền tảng mạng xã hội.
Tại chợ hoa thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam), một trong những chợ đầu mối chuyên về hoa tươi lớn nhất ở Tây Nam Trung Quốc, bên cạnh các tiểu thương và lái buôn thì khu chợ có sự xuất hiện ngày càng nhiều của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, tới đây phát sóng trực tiếp, hay còn gọi là livestream, để mời gọi khách hàng mua hoa.
Vào những ngày thuận lợi, chị Xixi có thể bán được hơn 23.000 USD, tương đương hơn 500 triệu đồng tiền hoa chỉ trong 3 tiếng livestream. Chị nhận được 10% tiền hoa hồng khi chốt đơn hàng.
“Công việc của tôi giống như đi mua hoa hộ những người xem livestream của mình vậy”, chị Bi Xixi chia sẻ.
Ở một góc khác của khu chợ, chị Cai Cai cũng là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Chị có hợp đồng livestream 8 tiếng mỗi ngày cho cửa hàng hoa này.
“Tôi rất yêu hoa, tôi có thể nói về hoa cả ngày. Với tôi, được làm công việc này là một điều may mắn”, chị Cai Cai, người livestream bán hoa tại Côn Minh, Trung Quốc, chia sẻ.
Chị Cai Cai - người livestream bán hoa tại Côn Minh, Trung Quốc. Ảnh: Straits Times.
Kinh tế ngày càng khá giả hơn, nhu cầu mua hoa tươi của người dân thành thị Trung Quốc cũng tăng lên.
Ông Qian Chongjun, Giám đốc điều hành công ty kinh doanh hoa Dounan cho biết: “Mức độ tiêu dùng hoa tươi trung bình của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thấp hơn so với các nước có thu nhập tương đương. Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng, ngành kinh doanh hoa tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển”.
Đối với hoa tươi, kênh online đã chiếm hơn nửa doanh thu và trở thành kênh bán hàng chiếm ưu thế. Do đó, những người livestream như chị Cai hay chị Xixi ngày càng được săn đón.
Mở rộng kênh tiêu thụ
Chợ hoa Đấu Nam (thành phố Côn Minh) là một trong những chợ hoa cắt cành hàng đầu châu Á. Trong thời dịch bệnh Covid-19, nhiều tiểu thương tăng cường livestream trên nền tảng thương mại điện tử taobao.com của Alibaba để bán hoa tươi. Chị Trần Như là tiểu thương tích cực dùng loại hình này để tăng doanh số.
Chị Trần Như cho biết: “Mỗi ngày doanh thu từ livestream bán hàng hơn 30.000 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 3.660 đồng). Mỗi lần phát trực tiếp là có 50.000 - 200.000 người xem. Họ mua ngày càng nhiều và tôi nghĩ là sắp tới doanh thu sẽ tăng rất mạnh. Tôi bán tất cả các loại hoa mà mình có”.
Nhiều nền tảng thương mại điện tử cũng ký kết hợp tác với nông dân trồng hoa để lấy hàng. Hay hướng dẫn nông dân livestream bán hàng trực tiếp và họ thu gom vận chuyển đơn hàng mỗi ngày. Người mua có thể đặt trên mạng và đến lấy trực tiếp tại các siêu thị gần nhà hay được giao tận nhà.
Nhờ đầu tư xây dựng đồng bộ các trung tâm trung chuyển hàng, hậu cần logistic ở nông thôn mà ngay cả các mặt hàng tươi sống hay hoa đều được kinh doanh thương mại điện tử.
Ông La Kiệt, Trưởng bộ phận thu mua, nền tảng thương mại điện tử Taobao, nói: “Nhận đơn đặt hàng trên nền tảng Taobao rồi lấy hàng từ nông hộ, phân phối đi khắp nơi. Hình thức tiêu thụ này ngày càng phát triển”.
Thay vì chỉ đến các chợ hoa để mua thì nay người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được hầu như tất cả các loại hoa cảnh trên mạng, mắt thấy tai nghe qua livestream bán hàng trực tuyến. Hình thức này mang lại sự tiện lợi lớn cho người tiêu dùng.
Thầy giáo livestream bán nông sản
Chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh cấm dạy thêm của Chính phủ, một trong những “ông trùm” trong lĩnh vực này ở Trung Quốc đã quyết định chuyển sang livestream quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.
Từ chỗ là nhà sáng lập hệ thống dạy thêm và luyện thi New Oriental, Yu Minhong giờ đây trở thành nhân viên bán hàng tạp hóa trên nền tảng thương mại điện tử của Douyin. Tuy nhiên, nhiều khán giả xem livestream phàn nàn, những bộ quà tặng gồm trái cây và rau quả mà Yu quảng cáo “quá đắt”.
Trong 3 giờ livestream, Yu đã chào bán nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ gạo, thịt bò đến táo và cam. Đa phần đều có giá cao hơn giá trung bình trên thị trường.
Cựu CEO này chỉ đạt được doanh thu khoảng 5 triệu nhân dân tệ (785.000 USD), con số “không thấm vào đâu” so với những người phát trực tiếp nổi tiếng.
New Oriental là một trong những công ty dạy thêm đang hướng tới các dự án kinh doanh mới sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm dạy thêm sau giờ học để giảm gánh nặng học tập cho học sinh.
Tháng trước, Yu thông báo rằng công ty sẽ bán các sản phẩm nông nghiệp để bù đắp cho khoản lỗ do đóng cửa các trung tâm dạy thêm.
Trong một buổi livestream vào tháng trước trên Douyin, Yu thông báo New Oriental sẽ đóng cửa gần 1.500 cơ sở đào tạo và tặng 80.000 bộ bàn ghế cho các trường công lập ở nông thôn. Dịch vụ dạy thêm sau giờ học cho học sinh của công ty bị dừng từ cuối tháng 11/2021.
Một phần kế hoạch chuyển đổi kinh doanh của New Oriental bao gồm việc thiết lập một nền tảng nông nghiệp lớn để bán nông sản với sự giúp đỡ của hàng trăm nhân viên, những người tạm thời chuyển từ công việc giảng dạy sang livestream bán hàng.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.