Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 13:33

Yên Bái: Hiệu quả từ trồng cam Vinh theo VietGAP

Với hơn 10ha trồng cam Vinh theo quy trình VietGAP, nhiều hộ dân ở xã Yên Thắng (Lục Yên - Yên Bái) đã có thu nhập ổn định.

tr11d.jpg
Mô hình cam sạch theo tiêu chuẩn VietGap mang lại những thuận lợi cho người trồng cam.

 

Tiên phong trồng cam VietGAP

Anh Hoàng Văn Bảy (thôn Đồng Cáy) là một trong những người tiên phong áp dụng mô hình sản xuất cam theo quy trình VietGAP ở xã Yên Thắng.

Thông qua Phòng Nông nghiệp huyện, gia đình anh Bảy được hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình thâm canh theo quy trình VietGAP trên diện tích 1ha. Nhờ được sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp và thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật nên vườn cam Vinh của gia đình anh phát triển khá tốt.

Năm 2018, hơn 300 gốc cam Vinh nhà anh Bảy cho thu hoạch 5 tấn, bán được 50 triệu đồng. Năm nay, ước thu hoạch khoảng 6 tấn cam quả, trị giá 60 triệu đồng.

Anh Bảy chia sẻ: “Trước đây, gia đình trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, hồng… nhưng hiệu quả thấp, tôi chuyển sang trồng cam Vinh. Nhờ huyện có chủ trương trồng theo hướng VietGAP, và được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên hiện tại cam Vinh vào năm thứ 7 đã cho thu hoạch”.

Gia đình chị Lý Thị Kiểu ở thôn Nà Khao cũng là một trong những  hộ đầu tiên thực hiện sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Trong quá trình chăm sóc, gia đình chị đã áp dụng các biện pháp  trồng cam thân thiện với môi trường, như chỉ dùng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây. Nhờ đó, cam của gia đình chị luôn đắt hàng. Năm 2018, gần 250 cây cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGAP cho chị thu gần 30 triệu đồng. Năm nay, ước thu hoạch khoảng 3 tấn, trị giá trên 35 triệu đồng.

Xây dựng thương hiệu

Trước đây, nhiều hộ dân ở Yên Thắng trồng hàng chục hecta cam nhưng chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, chất lượng cam đạt tiêu chuẩn không nhiều; chưa chú trọng cây giống, bị dịch bệnh gây hại, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng...

Để từng bước hướng đến sản phẩm cam sạch, đồng thời xác định sản xuất an toàn là hướng phát triển bền vững cho cây cam,  năm 2018, Yên Thắng thành lập Tổ hợp tác trồng cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 8 thành viên.

Tham gia tổ hợp tác, các thành viên cùng giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Được hỗ trợ về phân bón, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cam.

Yên Thắng được ngành nông nghiệp công nhận trên 10ha  cam VietGAP.

Thành công bước đầu của mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác trồng cam sạch xã Yên Thắng đã giúp thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất của nông dân trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng, cho biết: “Để giúp người trồng cây ăn quả nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và sản xuất ra những sản phẩm sạch, UBND xã chỉ đạo và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì thực hiện các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân”.

 

 

Khắc  Điệp - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc
Top