Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 8 năm 2023 | 9:26

An Giang chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, An Giang xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, tỉnh đã chọn xã điểm, huyện điểm để thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tính đến đầu tháng 7/2023, An Giang có 03 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Toàn tỉnh hiện có có 71/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (đạt tỷ lệ 64,54%); trong đó, có 29 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”. Tỉnh hiện có 08 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn được Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”.

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án và kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhờ đó, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Để Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang hoàn thành mục tiêu, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường trách nhiệm, tạo điều kiện phát triển toàn diện nông thôn về kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giai đoạn 2021 - 2025, An Giang phấn đấu có thêm ít nhất 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm ít nhất 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu có thêm 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành và thị xã Tân Châu; huyện Thoại Sơn đạt chuẩn Huyện nông thôn mới nâng cao. Như vậy đến cuối năm 2025, tỉnh An Giang sẽ có 87/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 79,09%), có 37/87 xã nông thôn mới nông cao (chiếm 42,53%); có 6/11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chiếm 54,55%). Đồng thời, toàn tỉnh có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 60% ấp thuộc các xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2010 - 2021 phải rà soát, củng cố và duy trì theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025; bình quân toàn tỉnh đạt ít nhất 18 tiêu chí/xã.

Điện khí hóa nông thôn ở An Giang

An Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất đạt từ 80% trở lên; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh còn 2,5%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã và đang tiếp tục duy trì, nâng chất các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; tăng cường xã hội hóa giáo dục, văn hóa, y tế…, đặc biệt là vận động xã hội hóa để tiếp tục nâng chất các công trình cầu, đường giao thông để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. An Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao và sản xuất; đổi mới các hình thức tổ chức kinh tế, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.

Nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn mới đạt theo lộ trình, kế hoạch đề ra, UBND huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tập trung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội môi trường, an ninh trật tự của địa phương.

Cảnh quan nông thôn An Giang xanh - sạch - đẹp.

Kết quả đạt được thời gian qua là biểu hiện sinh động nhất từ sự chung sức của các cấp, ngành và Nhân dân An Giang trong xây dựng nông thôn mới. Thực tế, sau nhiều năm thực hiện, phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn nông thôn, góp phần giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nông thôn thật sự trở thành những “Miền quê đáng sống”./.

 

Nguyễn Văn Bớt - Lê Thanh Tùng
Ý kiến bạn đọc
Top