Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 7 năm 2023 | 10:59

Bác Phúc và những việc phúc

Không riêng gì ở Bình Thuận, mà nhiều nơi trong cả nước, nhiều người biết đến bác Nguyễn Vĩnh Phúc (sinh năm 1953, trú Khu phố 3, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết), là đảng viên, cán bộ hưu trí chuyên làm phúc với những việc làm thầm lặng mà có lẽ rất ít người có thể làm được.

Từ cơ duyên “làm bạn” với các nghĩa trang liệt sỹ…

Quê bác Phúc ở xã Hương Đô (Hương Khê - Hà Tĩnh). Tháng 9/1969, học xong lớp 9 (hệ 10/10), lúc đó mới 16 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Vĩnh Phúc tình nguyện khoác ba lô lên đường chiến đấu. Được biên chế vào Tiểu đoàn 8, Pháo cao xạ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, trực tiếp tham gia chiến đấu ở các trận địa pháo trong tỉnh và chiến trường Lào. Năm 1974, phục viên về tiếp tục đi học lớp 10 rồi thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc. Năm 1981, ra trường, được điều động vào công tác ở tỉnh Bình Thuận. Từ năm 1993 - 2007 là Phó Chi Cục trưởng rồi Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận. Bác nghỉ hưu năm 2009.

Bác Phúc cùng gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Thoan (Bắc Ninh) cất bốc phần mộ liệt sỹ Thoan đưa về quê an táng.

Từng là người có uy tín, trách nhiệm trong công tác, nghỉ hưu chưa được bao lâu, bác Phúc được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Khu phố và trúng cử vào HĐND phường Phú Thủy. Nhờ có máy vi tính cá nhân, cùng với ít kiến thức về tin học, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, bác Phúc lên mạng tìm hiểu và được biết hiện có rất nhiều gia đình đăng tin tìm mộ liệt sỹ. Thế là bác nảy ra ý định dành thời gian để giúp các gia đình liệt sỹ tìm kiếm thông tin về người thân của mình hy sinh nhưng chưa tìm được phần mộ.

Nghĩ là làm, không để lãng phí thời gian, hằng ngày trên chiếc xe máy đời cũ, bác lặng lẽ một mình mang máy ảnh, sổ tay lặn lội tìm đến các nghĩa trang liệt sỹ ở Bình Thuận để chụp ảnh, ghi chép các thông tin trên từng tấm bia liệt sỹ hoặc tìm đến các cơ quan chức năng, đơn vị quân đội để tìm kiếm thông tin về phần mộ các liệt sỹ. Cứ như thế, bác Phúc đã lặn lội khắp các nghĩa trang trong tỉnh để tìm kiếm, ghi chép, chụp hình. Khi có tư liệu trong tay, bác sắp xếp, phân chia, xử lý thông tin. Những ngôi mộ có thông tin tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, bác tổng hợp để đưa lên các trang điện tử giúp thân nhân các liệt sỹ dễ tìm kiếm, tra cứu. Không chỉ đi tìm kiếm, xác định thông tin và đưa lên mạng, bác còn luôn sẵn lòng dẫn các gia đình liệt sỹ đến tận nơi người thân của họ yên nghỉ để tìm kiếm, vì sợ họ không thông thạo đường đi.

Bác Phúc (bên trái) làm việc với Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Thuận về việc hỗ trợ các gia đình liệt sỹ quê Hà Tĩnh khi đến Bình Thuận thăm mộ liệt sỹ.

Đến nay, bác Phúc đã ghi chép, chụp ảnh và đưa lên mạng, tại Cổng thông tin của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam (https://trianlietsi.vn/) và báo Hà Tĩnh (http://baohatinh.vn) trên 2.000 danh tính liệt sỹ là người Hà Tĩnh ở các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc và kết hợp với ông Nguyễn Sỹ Hồ ở tỉnh Bình Dương đưa lên trang “Người đưa đò” trên 9.000 danh tính liệt sỹ của toàn quốc hy sinh ở Bình Thuận; xác minh được thông tin giúp trên 200 gia đình liệt sỹ báo tin, xác nhận thông tin khi đăng tin, viết thư về cho gia đình liệt sỹ, bạn bè, người thân để báo cho gia đình biết phần mộ liệt sỹ, nơi chôn cất... Hàng trăm gia đình liệt sỹ điện báo đã tìm được mộ hoặc kiểm tra thông tin đúng khi được bác Phúc thông báo, tư vấn.

Nhớ lại kỷ niệm ngày mới “vào nghề”, bác Phúc kể: “Tôi biết trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, bộ đội từ miền Bắc vào chiến đấu ở các chiến trường miền Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng rất nhiều, trong đó có nhiều đồng chí hy sinh tại Bình Thuận. Tôi nghĩ ngay đến việc lên gặp lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận để xin danh sách các liệt sỹ hy sinh tại tỉnh, hiện phần mộ đang nằm ở các nghĩa trang trong tỉnh, để đăng tải danh sách lên Cổng thông tin điện tử của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, với mong muốn giúp các gia đình liệt sỹ tìm kiếm thông tin người thân hy sinh tại Bình Thuận được dễ dàng, nhưng đã bị từ chối”.

Không nản chí, bác Phúc tiếp tục lên gặp Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận để trình bày ý nguyện của mình. Tại đây, bác Phúc đã được chấp thuận và danh sách liệt sỹ đã được Ban Chính sách cung cấp cho bác để đăng trên Cổng thông tin của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam. Sau đó, để thông tin được rộng rãi hơn, bác Phúc tiếp tục gửi danh sách và kèm theo thư đề xuất đến Báo điện tử Hà Tĩnh; Trang thông tin điện tử Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh và một số trang điện tử khác nhờ đăng tải. Nhờ đó, nhiều gia đình đã tìm kiếm được thông tin về mộ liệt sỹ của người thân hy sinh tại Bình Thuận, đồng thời có nhiều gia đình đã qua bác Phúc mà nắm rõ các thông tin về người thân hiện đang được an táng ở các nghĩa trang...

Cũng từ đó, những việc làm của bác Phúc được các gia đình liệt sỹ khắp nơi biết đến. Có gia đình không có thông tin về phần mộ liệt sỹ trong danh sách và không biết phần mộ ở đâu... nhưng biết nơi hy sinh là ở Bình Thuận đã nhờ đến bác Phúc giúp đỡ. Không nề hà bất cứ ai có nhu cầu việc tìm kiếm mộ liệt sỹ, người thân, chỉ cần gọi điện hoặc gửi thư, gửi e-mail, bác Phúc luôn sẵn sàng tìm mọi cách để giúp.

Đến giúp hàng trăm trường hợp được hưởng chế độ

Không chỉ giúp các gia đình liệt sỹ sớm tìm được phần mộ của người thân, bác Phúc còn giúp nhiều cựu tù chính trị, nhiều thương, bệnh binh được thụ hưởng các chế độ chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước nhưng do nhiều lý do trước đó họ chưa được hưởng. Qua nhận thông tin gửi đến trang cá nhân, bác Phúc đã dày công phản ánh qua Cổng dịch vụ công Quốc gia 237 trường hợp, qua Cổng thông tin điện tử Bộ LĐTB&XH hàng ngàn trường hợp. Qua phản ánh của bác Phúc, đã có trên 600 trường hợp được giải quyết chế độ và nhiều trường hợp khác đang được các cấp xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, bác còn giúp đỡ, tư vấn cho nhiều trường hợp lập hồ sơ đề nghị và đã được tặng Huân chương kháng chiến, BHYT người có công…

Bác Phúc (bên phải) cùng ông Nguyễn Sỹ Hồ (giữa) đã đưa lên trang “Người đưa đò” trên 9.000 danh tính liệt sỹ của toàn quốc hy sinh ở Bình Thuận.

Biết là rất khó, bởi hầu hết các trường hợp này đã được các cấp chuyên môn của tỉnh trả lời là không được hưởng chế độ, thậm chí có nhiều trường hợp đã có trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh là không được hưởng... Nhưng không thể cầm lòng khi nhìn thấy những tấm thân già ôm thương tật đi khiếu kiện, bác Phúc đã nhận lời giúp đỡ. Phải mất mấy tháng trời ôm tài liệu đi tìm người hỏi, người hỗ trợ, đến xin gặp cán bộ chuyên trách, luật sư... rồi lại về lên mạng tra cứu, tìm tòi các loại văn bản, thông tư, nghị định... Tìm được rồi bác Phúc lại viết đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng như Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Cục Người có công… đề nghị giúp đỡ. Thế nhưng, vẫn có nhiều cơ quan chức năng không ngần ngại ban hành văn bản viện dẫn nhiều lý do để cho rằng những trường hợp bác phản ánh không thể giải quyết được.

Không nản lòng, bác Phúc tiếp tục hành trình “gõ cửa” các cơ quan chức năng. Thấy bác cứ lặn lội suốt ngày đêm vì việc làm phúc, nhiều người cho rằng bác “bị khùng”, “ôm rơm nặng bụng”. Thế rồi, “công không phụ lòng người”, hàng trăm đối tượng đã được các cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách.

Tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” với mái đầu bạc trắng, nhưng tôi thấy bác Phúc chưa lúc nào mệt mỏi với công việc của mình.

 

 

Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
Top