Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024 | 21:24

Quản lý phụ phẩm nông nghiệp để không gây ô nhiễm môi trường

Nếu được tận dụng triệt để, các loại phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp sẽ trở thành nguồn tài nguyên tái tạo, không những bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế, xã hội cho đất nước.

Dư địa khổng lồ từ phế phụ phẩm nông nghiệp

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Sự gia tăng về số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp đồng nghĩa với lượng lớn phế, phụ phẩm khổng lồ cũng được tạo ra từ quá trình sản xuất.

Tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam vào năm 2022 ước tính gần 160 triệu tấn. Lượng phế, phụ phẩm sau thu hoạch cây trồng trên đồng ruộng khoảng 90 triệu tấn (chiếm 56,2%). Trong đó, phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn (42,8 triệu tấn), thân cây bắp (10 triệu tấn), rau và quả (3,6 triệu tấn), thân cây mì (3,1 triệu tấn), trái giả đào lộn hột (3,1 triệu tấn) và các loại khác (6,1 triệu tấn). Trong đó có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế được, chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất.

Phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ...

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng tạo ra lượng rác thải lớn hàng năm. Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn. Trong đó, chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9%; chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước khoảng 379 triệu m³. Ước tính lượng chất thải chăn nuôi có xu hướng tăng dần theo các năm: 62 triệu tấn (2022), 68,15 triệu tấn (2025) và 71,92 triệu tấn (2030).

Đối với cây gỗ - thứ mà được “mặc định” thân thiện cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ dành cho môi trường. Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m³ gỗ tròn, thải ra 16 triệu m³ củi/năm và 8,6 triệu m³ mùn cưa, vỏ bào, gỗ vụn.

Ở nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Khác biệt hoàn toàn với các loại phế phẩm khác khó có thể tái tạo thì phụ, phế phẩm nông nghiệp vốn đã có "chức năng xanh" của chính nó. Các loại phế phẩm trong nông nghiệp đều có nguồn gốc hữu cơ và khả năng tái sử dụng vào các mục đích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn coi phụ phẩm nông nghiệp là “mỏ vàng” của ngành nông nghiệp, bởi nếu biết tận dụng và xử lý thành nguồn tài nguyên tái tạo sẽ mang lại giá trị cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

“Mỏ vàng” bị ngó lơ

Với số lượng phế phụ phẩm khổng lồ như hiện nay, phế, phụ phẩm gần như không thể phát huy được hết “chức năng xanh” vốn có của chúng. Ngược lại, đây còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước) do hoạt động vùi lấp yếm khí, xả bừa bãi và đốt bỏ hàng vụ của người nông dân.

Từ đầu những năm 2000, ngành chăn nuôi đã bắt tay vào công cuộc tái chế, sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua Dự án khí sinh học đã triển khai xây dựng hầm khí Biogas rộng khắp cho các hộ chăn nuôi. Thời gian gần đây, các trang trại chăn nuôi hiện nay đã hoàn thiện đầu tư công nghệ mới với kỹ thuật nuôi chuồng kín, thông gió cưỡng bức và chủ cơ sở đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Các hộ nhỏ lẻ cũng bắt đầu làm quen với việc sử dụng chế phẩm sinh học khử mùi chuồng trại, điển hình là các trang trại nuôi gia súc sử dụng đệm lót sinh học.

Tuy nhiên, dù đã bắt tay làm trong nhiều thập kỷ nhưng cho đến nay ngành chăn nuôi mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ. Trong đó, chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường. Còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn.

Báo cáo tổng kết của Cục Chăn nuôi năm 2022 cho thấy chỉ có 48,2% hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi có áp dụng các công nghệ kỹ thuật xử lý chất thải. Tỷ lệ hộ gia đình áp dụng các công nghệ xử lý còn rất khiêm tốn: đệm lót sinh học 1,8%, Biogas 6,8%, ủ phân 31,1%. Những con số phản ánh thực trạng “đáng buồn” so với kỳ vọng của ngành nông nghiệp vào việc xử lý phế, phụ phẩm chăn nuôi.

Còn đối với ngành nông nghiệp, phần lớn phế, phụ phẩm đang bị bỏ thừa, lãng phí, chưa có giải pháp đồng bộ cho việc xử lý. Chính vì vậy, sau mỗi vụ thu hoạch nông sản, bà con nông dân lại theo thói quen đem: lá, thân, gốc, rễ... vun thành đống cho quá trình phân hủy tự diễn ra, một số được đem đi chôn lấp hay đốt ngoài đồng.

Ngay như rơm rạ gắn bó mật thiết với đời sống bà con đã được khuyến cáo trong nhiều năm về việc tái sử dụng, tận dụng, phát huy lợi ích. Cho đến nay, số lượng lớn vẫn đang bị lãng phí: 29% rơm rạ được tận dụng làm thức ăn gia súc, 8,6% vùi bỏ tại ruộng, chỉ 5% rơm rạ được ủ làm phân bón, 4.1% tận dụng để che phủ bề mặt ruộng, 7% được sử dụng làm chất độn chuồng và nguyên liệu đồ thủ công mỹ nghệ. Đa số rơm rạ được tiêu hủy ngay tại ruộng bằng hình thức đốt, phương pháp này chiếm tới 45,9%. Số lượng lớn rơm rạ bị đốt này chính là nguyên nhân gây ra mất dinh dưỡng đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường do khói bụi, suy giảm đa dạng sinh học.

Việc chưa tận dụng, tái chế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phế, phụ phẩm còn dẫn đến thực trạng ngành nông nghiệp “bỏ quên” một lượng sinh khối khổng lồ. Theo đó, phần sinh khối phụ phẩm từ lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn, 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là con số rất lớn để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Ðiều này được đánh giá là lãng phí trong khi nền nông nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu một lượng phân bón cực lớn mỗi năm.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, phụ phẩm từ chế biến thủy sản hiện có khoảng 1 triệu tấn. Hiện nay thu gom đưa vào chế biến, tạo ra sản phẩm hữu ích đạt 90%, còn lại thải ra môi trường. Hay như ngành lâm nghiệp, mức độ tận dụng phế phụ phẩm lâm nghiệp làm viên gỗ nén cũng chỉ đạt khoảng 15%. Đây là nguồn phế, phụ phẩm rất lớn làm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị.

Lợi ích kép từ nguồn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp

Nhận thấy lượng phế phẩm, phụ phẩm này là nguồn tài nguyên có thể tạo ra lợi ích kép, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159, đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đó là mô hình chăn nuôi bò bằng đệm lót sinh học. Với giải pháp này, bò phát triển đồng đều, tăng trưởng tốt, ít bị dịch bệnh. Đặc biệt, giải pháp này còn giúp công ty của ông tận dụng được nguồn phế phẩm, phụ phẩm của bà con nông dân, giúp tiết kiệm chi phi đầu vào, đồng thời loại được được mùi hôi chuồng trại và giảm phát thải ra môi trường. “Khi tôi làm mô hình này, có người hỏi tôi là cỏ đâu mà nuôi bò? Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn, 100% đầu vào là phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, thân cây ngô, cây đậu…là những thứ mà người ta thường đốt, bỏ đi, gây ô nhiễm. Hay ở đây, chúng tôi sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải của bò. Phân, nước tiểu của gia súc được thu lại làm thức ăn cho vi khuẩn, sản suất ra phân vi sinh. Chất thải của bò không bị phát tán ra ngoài, không gây ô nhiễm”, ông Hà cho biết.

Với mô hình kinh tế tuần hoàn, ngoài sản phẩm là thịt của vật nuôi, công ty của ông Thắng còn có thêm nguồn thu đáng kể từ lớp đệm lót sinh học được sử dụng để sản xuất ra các loại phân bón hữu cơ. Từ thực tế tại công ty, ông Thắng cho rằng “kinh tế tuần hoàn” sẽ là hướng đi tất yếu bởi những lợi ích kép mà nó mang lại. “Phế, phụ phẩm nông nghiệp của nước mình khoảng 100 triệu tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu rất lớn. Khi tôi làm mô hình này, có đoàn cán bộ, lãnh đạo của Thái Bình lên tham quan, nghiên cứu. Sau đó, về điều tra họ thấy mỗi năm bà con trong tỉnh đốt bỏ khoảng 1,4 triệu tấn phụ phẩm, phế phẩm, có nghĩa họ đốt bỏ khoảng 7 ngàn tỉ/năm. Không chỉ nghèo, xử lý như vậy còn làm mất cân bằng hệ sinh thái”, ông Thắng chia sẻ.

Ở nước ta, những công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình kinh tế tuần hoàn như T&T 159 hiện chưa nhiều. Tuy nhiên, đáng mừng là một số cá nhân cũng đã tiến hành các hoạt động sản xuất theo hướng xanh và bền vững. Có thể kể đến là ông Nguyễn Xuân Hùng, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội với trang trại trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả kết hợp nuôi giun quế. Trong số hơn 15 héc-ta, ông Hùng dành ra hơn hơn 1 héc-ta để nuôi giun quế.

Ông Hùng cho biết, nhờ việc nuôi giun quế, hàng tháng, thay vì phải chi tiền mua phân bón, ông còn có thêm một khoản thu từ việc bán giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ chất thải của giun. Đặc biệt, từ khi áp dụng mô hình này, mỗi ngày, ông còn góp phần giảm thiểu hàng chục tấn chất thải từ hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân ra môi trường. “Tôi được một vị chủ tịch hiệp hội giun quế ở trong thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn nuôi giun từ năm 2015. Tôi triển khai từ đó. Đến nay, mỗi ngày tôi thu gom và xử lý khoảng 30 tấn phân bò từ các trang trại chăn nuôi bò sữa của bà con trong xã. Tôi quyết tâm thực hiện việc này vì muốn làm cho môi trường càng ngày xanh, sạch, đẹp”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, địa phương có nghề chăn nuôi bò sữa từ lâu. Mỗi ngày đàn bò của người dân thải ra hàng chục tấn phân. Trước đây, chỉ có một số hộ sử dụng phân làm hầm biogas. Lượng phân còn lại bị thải ra ao, hồ, mương, rãnh gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày có mô hình trồng trọt kết hợp nuôi giun quế của Hợp tác xã Hiệp Thư do ông Hùng làm chủ đã hạn chế đáng kể vấn đề ô nhiễm tại địa phương. “Chúng tôi đánh giá cao mô hình nuôi giun quế của HTX Hiệp Thư, góp phần đáng kể trong việc xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trên địa bàn”, ông Tĩnh đánh giá.

Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm, giá trị cốt lõi, hiện vẫn còn một lượng lớn phế phẩm, phụ phẩm bị thải loại một cách lãng phí. Từ thực tế như hai mô hình vừa đề cập, có thể nói nếu được tận dụng, đây sẽ là nguồn tài nguyên có thể mang lại lợi ích kép, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep, VOV, Moitruongcuocsong...)
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Top