Để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa hạn chế tác động tới môi trường, theo chuyên gia, cần có cơ chế khuyến khích chăn nuôi phát triển chuyên nghiệp hóa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chăn nuôi tuần hoàn: Gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường
Theo đó, chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, chiếm đáng kể trong tổng phát thải khí nhà kính Việt Nam.
Thực tế, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm hai nguồn chính là khí methane từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Phát thải khí methane từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí methane lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt.
Cần cơ chế thúc đẩy xây dựng chuỗi chăn nuôi tuần hoàn
Thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy, tổng đàn gia súc, gia cầm cả nước hiện có 26,3 triệu con lợn, 2,2 triệu con trâu, 6,4 triệu con bò, 558,9 triệu con gia cầm đang được chăn nuôi tại 19.660 trang trại nông nghiệp (trong đó có 12.349 trang trại chăn nuôi). Chỉ tính tổng lượng chất thải chăn nuôi đã lên đến hơn 83 triệu tấn và khoảng 379 triệu m3 chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý không đúng kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.
Mặt khác, trong “Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên. Theo đó, chăn nuôi cần phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chuyển đổi xanh hiện nay đang là xu hướng không thể đảo ngược. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành Chăn nuôi cần có các mô hình, phương thức giám sát việc giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận, áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn… từ đó giảm phát thải khí nhà kính, quản lý chất thải theo hướng bền vững.
Cùng với đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi đáp ứng các tiêu chí về sử dụng tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo như là giảm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; tăng cường truyền thông về các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, không chỉ về giải quyết chất thải mà cần phải giảm chất thải về khí nhà kính.
"Cần phải nhìn nhận một cách đầy đủ và hệ thống các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn để thiết kế, từ đó xây dựng vận hành các hệ thống chăn nuôi theo hướng tuần hoàn; đánh giá mức độ phù hợp với trình độ quản lý, khả năng đầu tư của chủ trang trại, các loại hình chăn nuôi nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững", ộng Thắng khuyến nghị.
Xây dựng chính sách hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Những năm gần đây, ở Việt Nam, việc áp dụng mô hình này đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt, làm thức ăn cho gia súc. "Rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác… là những vấn đề cần sớm được tháo gỡ trong định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi", ông Chinh nói.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, thời gian qua trên cả nước có nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn đã hình thành và đang được nhân rộng; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín với quy mô lớn và sản xuất theo hướng tuần hoàn. Tuy nhiên, chăn nuôi tuần hoàn ở nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Chưa có chính sách riêng để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho nông nghiệp tuần hoàn.
Quy định pháp luật riêng về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chưa đầy đủ. Vùng nguyên liệu đầu vào để thực hiện tuần hoàn chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp chưa ổn định; thiếu hệ thống dữ liệu thông tin phụ phẩm nông nghiệp cho nên việc đánh giá tiềm năng sử dụng ở Việt Nam còn hạn chế.
Cũng theo ông Chinh, khái niệm tuần hoàn xuất phát từ mô hình kinh tế tuần hoàn, giờ áp dụng vào các ngành nông nghiệp, chăn nuôi. Về văn bản, hiện chúng ta mới đưa vào văn bản quản lý, về quy phạm vẫn chưa có văn bản bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Chăn nuôi theo quy mô tuần hoàn, đầu ra, đầu vào, đánh giá định mức kinh tế kỹ thuật... còn thiếu vắng.
Theo ông Chinh, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng quy chuẩn, quy định áp dụng cho các đối tượng chính nhưng chưa thể áp dụng cho các loại vật nuôi. Quy định liên quan phải được chứng nhận của các cơ quan nhà nước, trong đó có thuộc tính bảo vệ môi trường, tiết kiệm về tài nguyên khi sản xuất ra một sản phẩm chăn nuôi.
"Không chỉ Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng chưa có quy định này trong chăn nuôi tuần hoàn. Theo đó, chúng tôi rất mong các báo đài, cơ quan truyền thông tích cực thông tin về mô hình tuần hoàn. Đã tuần hoàn thì phải sử dụng chất thải cho mô hình trồng trọt, chăn nuôi... Theo tôi, tuần hoàn phải tuần hoàn khéo kín, chất thải đưa ra bón cỏ, cây để phục vụ lại chăn nuôi.
Con gà chưa tuần hoàn được, nhưng có thể tham gia vào một số việc như làm phân bón,... gọi là phi tuần hoàn theo giai đoạn nhất định. Sắp tới, chúng ta phải phân loại cụ thể với từng loại vật nuôi để áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn.
Trong chăn nuôi, có nhiều loại khác nhau như dùng phân nuôi côn trùng, cung cấp sản phẩm protein, dùng phân hữu cơ quý cho cây trồng. Thực ra cần phải có quá trình, vì thế giới vẫn coi đây là mô hình mới và cần phải xây dựng quá trình, quy trình kèm theo. Theo tôi, chúng ta phải xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn mới có thể đẩy nhanh quá trình triển khai, thực hiện và áp dụng ở các trang trại, doanh nghiệp", ông Tống Xuân Chinh nói thêm.
Có thể kiểm soát chăn nuôi như một ngành có điều kiện
Liên quan đến vấn đề này, ông TS. Nguyễn Đức Trọng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thông tin thêm: Quyết định 150 của Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đã có, đề án kinh tế tuần hoàn số 687 cũng nói nên có thể nói khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được đề cập rất cụ thể.
Chúng ta cũng đã có quyết định về nông nghiệp hữu cơ và nhiều văn bản khác đều liên quan đến tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chăn nuôi cũng có đề cập. Chăn nuôi tăng trưởng xanh, tuần hoàn đặt ra yêu cầu phải sử dụng tối đa phế phụ phẩm 60-70 triêu tấn phế/năm làm thức ăn chăn nuôi nhưng ta mới chỉ dùng có được có 5%.
Theo TS.Trọng, chăn nuôi tuần hoàn xưa là các giải pháp thủ công (mô hình vườn - ao - chuồng) nhưng bây giờ phải dùng công nghệ. Phân gia cầm ủ theo truyền thống sinh nhiều CO2 giờ phải tác động kỹ thuật mới có thể giải quyết được. Theo đó, tuần hoàn trong chăn nuôi là yêu cầu tất yếu của thế giới và Việt Nam phải chủ động một phần. Ví dụ như làm phân hữu cơ vi sinh để dùng cho trồng trọt, mô hình ấy là cần thiết, diện rộng hay hẹp thì cũng phải phối hợp. Thể chế chăn nuôi cơ bản đã đầy đủ, có thể kiểm soát chăn nuôi như một ngành có điều kiện, sử dụng tối đa nguồn chăn nuôi trong nước để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các ngành khác, tạo ra vòng tuần hoàn khép kín cho chăn nuôi, trồng trọt, giảm phát thải, tăng trưởng bền vững.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Nói là thế nhưng khó khăn hiện nay là sản phẩm chăn nuôi của ta đang xuất khẩu ít, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang phải nhập 60-70% khiến cho giá thành chăn nuôi tăng lên, nên nông nghiệp tuần hoàn phải được xem là giải pháp giúp chúng ta chủ động một phần thức ăn, mà tốt nhất là thức ăn gia súc gia cầm vật nuôi ăn cỏ.
Thực hiện không tốt thì phát sinh hệ lụy như trong việc thu gom chất thải. Không phải nông dân nào cũng làm tuần hoàn được, vừa chăn nuôi trồng trọt, chế biến phân bón. Nếu không làm được thì khó khăn, chính sách, giải pháp thu gom ra làm sao?
Ví dụ trang trại không có cây, ao thì làm sao? Chăn nuôi càng lớn thì chất thải càng lớn, lợn nhiều, bò có thể không nhiều. Do vậy tuần hoàn thế nào phải có kết hợp, cuối cùng phải có sản phẩm cạnh tranh được.
"Nếu làm không tốt, không an toàn, không truy xuất được nguồn gốc thì ngay tại thị trường trong nước của ta cũng đã mất sân, hàng ngoại sẽ tràn ngập. Nên phát tiển chăn nuôi bền vững thì phải tính đến tất cả các điều kiện mà tôi nói ở trên, bởi trong nước đã phải tuân thủ kỹ thuật, chưa nói đến các nước mà mình muốn xuất khẩu sản phẩm, đó cũng là thách thức cho chăn nuôi của chúng ta", ông Trọng khẳng định.
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.