Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024 | 21:2

Nghiên cứu chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều nay (4/11), quan tâm đến sự phát triển kinh tế biển bền vững, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu thực trạng giá hải sản lao dốc, chi phí ra khơi leo thang, tình trạng cạn kiệt ngư trường gây ra nhiều hệ lụy.

Nhiều tàu phải nằm bờ, nhiều ngư phủ phải rời biển, nhọc nhằn lên bờ tìm kế mưu sinh; nhiều chủ tàu vỡ nợ, phá sản; an ninh trật tự trên ngư trường ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi sự bao chiếm, tranh chấp, thậm chí đi đánh bắt tại vùng biển không theo quy định của pháp luật và bị Ủy ban châu Âu ra thẻ vàng cảnh báo và đến nay 7 năm cũng chưa tháo gỡ được…

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang)

Đại biểu phân tích, việc cạn kiệt ngư trường do ngư dân tăng tần suất đánh bắt bằng những phương thức và công cụ tận diệt; có tình trạng lơ là trong quản lý, bằng chứng là mỗi năm khai thác 3,8 triệu tấn, cao gấp 1,5 lần cho phép. Vì vậy, từ năm 2005 đến nay, nguồn lợi thủy sản của chúng ta đã giảm trên 30%. 

Bên cạnh đó, một số chính sách chưa sát với đời sống, điển hình như Nghị định 37 quy định về chiều dài của con cá ngừ vằn được phép khai thác; hay nghị định 67 rất nhân văn nhưng chưa ban hành chính sách quanh nợ; việc chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá…

Từ những phân tích trên, đại biểu kiến nghị, cần thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó có tái tạo nguồn lợi thủy sản, phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chấp pháp trên biển, các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân chấp hành pháp luật và tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra giám sát để hỗ trợ ngư dân kịp thời khi gặp khó khăn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.

Các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương nghiên cứu ban hành những chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp như: chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách về chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm trong các nghề du lịch biển đảo, nuôi biển công nghệ cao; Tuyên truyền để ngư dân chuyển đổi nhận thức từ tư duy nghề cá truyền thống sang nghề cá trách nhiệm.

Tháo gỡ những nghị định còn bất cập như Nghị định số 37 về kích cỡ cá ngừ vàng, đảm bảo hài hòa giữa sinh kế của người dân và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Bổ sung chính sách quanh nợ và một số chính sách khác mà cử tri đã kiến nghị ở Nghị định số 67 và sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên biển, để ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp yên tâm vươn khơi bám biển.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Phú Bình (Nghệ An) cho rằng, các thông tin, số liệu và ý kiến đại biểu Châu Quỳnh Dao đưa ra cho thấy một bức tranh có phần tiêu cực về công tác quản lý nghề cá và hải sản của Việt Nam.

Đại biểu Phạm Phú Bình (Nghệ An)

Đại biểu phân tích, với đường bờ biển dài hơn 3 nghìn cây số; 28/63 địa phương có biển; gần 1 triệu ngư dân cùng tập quán đánh bắt hải sản quy nhỏ, tự phát thì việc xây dựng một tập quán nghề cá bền vững và thực thi tất cả các khuôn khổ pháp lý tiêu chuẩn cao là điều không dễ dàng. Tuy vậy, việc chống khai thác IUU đã được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu ngay từ khi Ủy ban châu Âu đưa ra thẻ vàng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/ NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; khung pháp lý chống khai thác IUU đã và đang được chúng ta hoàn thiện theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Các địa phương trên cả nước đang nỗ lực tăng cường các hoạt động đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các tàu cá nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến IUU.

Đại biểu nêu rõ, mặc dù đây đó chúng ta có thấy một số vi phạm được phản ánh, nhưng điều này cũng thể hiện chúng ta đang thực hiện tốt việc giám sát pháp luật. Quyết tâm chính trị và những nỗ lực từ trung ương đến địa phương đã và đang được thực hiện mạnh mẽ, do đó, cần đánh giá đúng đắn về những nỗ lực này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan.

Trả lời làm rõ vấn đề về phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.

Bộ trưởng khẳng định IUU là bước tiến tới để phát triển bền vững thủy sản, các quy định của IUU cũng đã được quy định trong Luật Thủy sản, vấn đề quan trọng là thực thi trong thực tế. 
Đối với những biện pháp gỡ thẻ vàng thủy sản, Bộ trưởng cho biết, Đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu đã ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam. Nhiều địa phương có những hành động quyết liệt để ngăn chặn hành vi đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp; các lực lượng chấp pháp cũng hỗ trợ lực lượng chức năng ở địa phương trong việc nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU…

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top