Từ ngày 12 - 15/11, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Cục Thủy sản phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức lớp tập huấn về nuôi biển công nghiệp, thu hút sự khoảng 200 học viên là cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân từ 8 tỉnh, thành phố có biển gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Mô hình nuôi cá mú tại xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng lớn về nuôi biển nhưng để phát triển bền vững đòi hỏi phải có kiến thức nền tảng và sự đào tạo bài bản. Lớp tập huấn này là một phần trong nỗ lực giúp người dân bước vào ngành công nghiệp nuôi biển một cách chuyên nghiệp, từ đó có thể liên kết thành các tổ hợp tác và sản xuất theo chuỗi, giúp người dân nhanh chóng nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh tế.
Ngoài việc trao đổi về kỹ thuật nuôi biển, lớp học cũng chú trọng đến việc hình thành tổ chức liên kết chặt chẽ giữa người nuôi từ giai đoạn chọn giống, thời điểm nuôi, quy trình chăm sóc đến việc thu hoạch và bán sản phẩm. Bên cạnh đó vẫn cần có sự hỗ trợ từ cơ quan khuyến nông và các địa phương để không chỉ cập nhật kiến thức mới mà còn quản lý chặt chẽ, đồng thời giám sát, cảnh báo môi trường nuôi biển.
Nội dung của lớp tập huấn này bao gồm giới thiệu tổng quan về nuôi biển công nghiệp, kỹ thuật ương và nuôi cá thương phẩm, cùng các vấn đề về quản trị và lập kế hoạch kinh doanh cho hợp tác xã... Học viên còn được thực hành trực tiếp và tham quan các mô hình thực tế, giúp họ nắm bắt những kiến thức kỹ thuật và quản lý cần thiết cho ngành nuôi biển.
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về thương mại điện tử, đồng thời hướng dẫn bà con cách đưa sản phẩm nuôi trồng thủy sản lên sàn giao dịch trực tuyến để tăng cường nhận diện và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Một nội dung quan trọng khác của lớp học là quản trị tài chính trong hợp tác xã nông nghiệp, giúp các học viên hiểu rõ hơn về cách huy động và quản lý nguồn vốn, phân tích báo cáo tài chính và lập kế hoạch tiêu thụ hợp lý.
Lớp tập huấn lần này có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Cần Thơ và các doanh nghiệp uy tín trong ngành thủy sản. Nhân dịp này, Quỹ Thiện Tâm đã trao biển tài trợ trị giá 1 tỷ đồng cho 12 hợp tác xã tham gia chương trình, thể hiện cam kết đồng hành cùng người dân trong công cuộc phát triển kinh tế biển bền vững. Chương trình hợp tác xã liên kết với hộ nông dân này sẽ trở thành mô hình tiêu biểu cho ngành nông nghiệp khu vực Nam Trung Bộ.
Ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ cho các hợp tác xã và ngư dân phát triển kinh tế bền vững, Quỹ còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo hợp tác xã, giúp họ tiếp cận thị trường quốc tế và mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Tại Khánh Hòa, Quỹ Thiện Tâm cũng đã tích cực hỗ trợ tỉnh triển khai đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao, lắp đặt lồng nuôi HDPE (lồng nhựa, chống chịu tốt với sóng biển, mưa bão) tại vùng biển hở Cam Ranh, qua đó thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp.
Theo ông Tuấn, năm 2024, Quỹ Thiện Tâm sẽ phối hợp với những trường đại học đầu ngành về nông nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ quản lý và cán bộ kỹ thuật tại địa phương.
Việt Nam có đường bờ biển dài và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, ngành nuôi biển vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát và chưa được quy hoạch chặt chẽ. Nhằm khắc phục những hạn chế này, Chính phủ đã ban hành "Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg. Đề án này đặt mục tiêu phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, và quy hoạch chặt chẽ, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bền vững.
Riêng tại Khánh Hòa, để thúc đẩy phát triển nuôi biển công nghiệp, tỉnh này đã xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Theo đó, từ nay đến năm 2029, tỉnh dự kiến mở rộng khoảng 240 ha nuôi biển công nghệ cao, với tổng kinh phí hơn 545 tỷ đồng.
https://baotintuc.vn/kinh-te/dao-tao-nuoi-bien-cong-nghiep-cho-cac-tinh-thanh-pho-mien-trung-20241113141924810.htm
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị- xã hội thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày thành lập Hội 14/10 vừa qua và các đợt sơ kết, tổng kết công tác, phong trào của Hội.
Trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 6 và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất, năm 2024, Sở VH-TT-DL Sóc Trăng phối hợp với Ban Trị sự chùa Khleang tổ chức Lễ cúng trăng (Lễ Ok Om Bok) với sự tham gia của các vị sư, Achar, phật tử của chùa và đông đảo người dân.