Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024 | 21:5

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu chính sách hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại bởi bão lũ

Câu chuyện của bão Yagi để lại bài học là phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngành hàng nông nghiệp nhằm thích ứng bền vững. Các chính sách hỗ trợ được thiết kế với tinh thần dù không thể đền bù hết được tất cả những mất mát của bà con nhưng cũng không để khoảng cách quá xa với thiệt thòi, thiệt hại của bà con.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cơn bão Yagi để lại cho chúng ta nhiều bài học, kể cả về tình người cũng như nội lực của đất nước với sự tham gia của xã hội hàng trăm nghìn người bao gồm lực lượng vũ trang, công an, dân sự... Có những thời khắc lịch sử rất khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ chọn giải pháp để thiệt hại nhỏ nhất.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi mà ngay cả những quốc gia có tiềm lực về khoa học công nghệ, ứng phó thiên tai hay có tiềm lực kinh tế lớn như: Mỹ, Châu Âu.. cũng phải chống chịu với những thảm họa, những cú sốc của thiên tai.

“Chúng ta phải nâng cấp tất cả tư duy nhìn về thảm họa, thiên tai ở một cấp độ cao hơn và xử lý những tình huống cao hơn, kể cả về hạ tầng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch các địa phương ven biển…”, Bộ trưởng nêu.

Đối với vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm về hỗ trợ bà con sau bão lũ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng 2 dự thảo Nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai và hỗ trợ sản xuất bị tổn thất do dịch bệnh trên động vật với cách tiếp cận là dù không thể đền bù hết được tất cả những mất mát của bà con, nhưng cũng không để khoảng cách quá xa với thiệt thòi, thiệt hại của bà con. Bên cạnh đó, cần thiết kế chính sách để không bị lợi dụng chính sách, không bị trục lợi cũng như không làm cho những người thiệt hại khó khăn, vì đây là vấn đề rất lớn.

"Trong khi nguồn lực có hạn, chúng tôi đã thiết kế lại những chính sách. Một là nâng mức hỗ trợ lên, hai là cho phép các chính quyền địa phương thông qua Hội đồng nhân dân có thể hỗ trợ nhiều thêm để các địa phương có điều kiện hỗ trợ cho bà con một cách kịp thời", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Về bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT cho hay đang thiết kế lại dự thảo, trình Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp, bởi "chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau cơn bão Yagi".

Như vậy, câu chuyện của bão Yagi để lại là phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngành hàng nông nghiệp để thích ứng bền vững. Những chiếc lồng bè ở Vân Đồn, Quảng Ninh cần chắc chắn hơn và những bến cảng cần chống chịu được những hình thái, cấp độ giông bão cao hơn.

Ngoài ra, về nuôi trồng thủy, kể cả trồng trọt, chăn nuôi. Tất cả những điều đó phải được ban hành một tiêu chuẩn và quy chuẩn mới để thích ứng, nhất là chúng ta phản ứng một cách năng động hơn, nhanh nhạy hơn một hệ thống từ trung ương cho tới địa phương.

Thanh tra EU ghi nhận những cải thiện về chống khai thác IUU của Việt Nam 

Liên quan tới phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, Thủ tướng  ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.

Theo Bộ trưởng, các quy định của IUU cũng đã được quy định trong Luật Thủy sản, vấn đề quan trọng là thực thi trong thực tế.

Đối với những biện pháp gỡ thẻ vàng thủy sản, Bộ trưởng cho biết, những khuyến cáo của EU đã được cải thiện rất nhiều. Đây là công sức của cả một hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như của lãnh đạo các địa phương. Điều này đã được đoàn thanh tra EU ghi nhận, chúng ta phải cùng nhau hợp lực lại ở khoảng thời gian cuối cùng này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hiện nay, nhiều địa phương có những hành động quyết liệt để ngăn chặn hành vi đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp; các lực lượng chấp pháp cũng hỗ trợ lực lượng chức năng ở địa phương trong việc nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU…

Đã có rất nhiều địa phương nuôi biển rất tốt như: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, có những cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, trước đây là khai thác ở ngoài khơi bây giờ vào để nuôi trồng ở cận bờ và ở ven bờ.... 

Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội ngoài trách nhiệm giám sát các thành viên Chính phủ hay Chính phủ thì trong những cuộc tiếp xúc cử tri ở 675 xã ven biển, các đại biểu cùng với Chính phủ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lan tỏa tinh thần phát triển thủy sản bền vững, giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển...

 

Hải Giang/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão Yagi

    PVcomBank tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão Yagi

    Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.

  • PC Đắk Nông trao giấy chứng nhận “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024”

    PC Đắk Nông trao giấy chứng nhận “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024”

    Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.

  • Hội Nông dân thành phố Hội An với công tác an sinh xã hội

    Hội Nông dân thành phố Hội An với công tác an sinh xã hội

    Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị- xã hội thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày thành lập Hội 14/10 vừa qua và các đợt sơ kết, tổng kết công tác, phong trào của Hội.

  • Rộn ràng tiếng nhạc ngũ âm

    Rộn ràng tiếng nhạc ngũ âm

    Tối 11/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức biểu diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng để tiến tới công bố quyết định công nhận xác lập kỷ lục Việt Nam về trình diễn có quy mô lớn nhất Việt Nam vào ngày 13/11, ngày khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024.

  • Phát triển văn hóa trên cơ sở giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc

    Phát triển văn hóa trên cơ sở giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc

    Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 100-KL/TW thống nhất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

  • Bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng nhà cổ Huế

    Bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng nhà cổ Huế

    Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ và hiện đại nhà vườn, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện các chính sách hỗ trợ, bảo vệ với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của hệ thống nhà vườn, nhà rường trên địa bàn.

Top