Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 | 15:6

Người dệt “kinh tế” từ nét hoa văn đại ngàn

Giữa đại ngàn Simacai (Lào Cai), nơi mỗi nếp nhà đều ôm trọn những câu chuyện văn hóa của đồng bào Mông, bà Cư Thị Dua nổi lên như một biểu tượng của sự sáng tạo và tinh thần đổi mới. Trong đó, nguồn vốn chính sách đã trở thành động lực thúc đẩy người nghệ nhân thêu thùa tài hoa mạnh dạn đưa nghề thổ cẩm truyền thống đến gần hơn với thị trường hiện đại, khẳng định giá trị kinh tế bền vững mà văn hóa bản địa mang lại.

Tại thôn Hòa Bình, xã Sán Chải, huyện Simacai, bà Cư Thị Dua được biết đến như một nghệ nhân thêu thùa hiếm có của đồng bào Mông. Từ khi còn là cô gái trẻ, bà Dua đã nổi bật giữa các bạn đồng trang lứa với những đường thêu tỉ mỉ, sắc sảo. Lấy chồng, bà lại được thừa hưởng cơ sở may, thêu của mẹ chồng. Học hỏi thêm sự khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ, sản phẩm của bà Dua nhanh chóng được đồng bào trong vùng ưa chuộng, tìm đến mua. Lúc bấy giờ, việc may vá hoàn toàn thủ công, mỗi tuần bà chỉ làm được khoảng 10 chiếc áo, nhưng thu nhập đã đạt tới 40 triệu đồng/tháng.

Năm 2021, nhận thấy nhu cầu tăng cao đối với trang phục truyền thống, bà Dua quyết định vay 70 triệu đồng từ chương trình tín dụng sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Simacai, cùng số vốn tích góp và sự hỗ trợ từ gia đình, bà mạnh dạn đầu tư một dàn máy thêu hoa văn công nghiệp.  

Bà Cư Thị Dua (bên phải) kiểm tra sản phẩm thêu máy.

Sự xuất hiện của máy móc không chỉ giúp tăng sản lượng mà còn mở ra cơ hội sáng tạo cho bà. Những chiếc địu, khăn, váy, áo giờ đây được sản xuất đa dạng và nhanh chóng hơn. Mỗi ngày, bà sản xuất được 20 chiếc địu với giá bán từ 100.000 đến 150.000 đồng/chiếc. Trung bình mỗi tháng, bà bán ra khoảng 200 chiếc, có lúc cao điểm bán được 300 – 400 chiếc. Không chỉ phục vụ bà con quanh vùng, sản phẩm của bà còn vươn xa tới các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, và thậm chí là các tỉnh Tây Nguyên.  

Bên cạnh các sản phẩm may mặc, những tấm khăn, vải thêu hoa văn của bà Dua cũng đặc biệt được yêu thích, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Các tấm khăn thêu tinh xảo có giá bán từ 150.000 đến 300.000 đồng, giúp bà thu về khoảng 100 triệu đồng/tháng trong những mùa cao điểm.

Bà Dua tiếp tục truyền lại nghề cho con dâu.

"Nhờ nguồn vốn chính sách, tôi có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh", bà Dua chia sẻ. Không chỉ cải thiện sản lượng, các sản phẩm của bà còn mang sức hút mới nhờ sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn truyền thống và kiểu dáng đa dạng, đáp ứng được cả nhu cầu sử dụng và thẩm mỹ hiện đại.  

Bằng sức mạnh của khoa học công nghệ, bà Dua đã góp phần nâng cao giá trị trang phục của đồng bào Mông và phát triển kinh tế. Bà cũng tích cực truyền nghề cho phụ nữ trong bản, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động thời vụ. Nhiều người học được kỹ thuật thêu và may đã có thể tự làm việc tại nhà, kiếm thêm thu nhập. 

Không chỉ riêng bà Cư Thị Dua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành "bệ phóng" để các nghệ nhân bản làng giữ lửa nghề truyền thống. Tại Simacai, có khoảng 200 phụ nữ Mông tại các xã Sán Chải, Lử Thẩn cũng được vay vốn để duy trì và phát triển nghề dệt, may thổ cẩm.

Đưa cán bộ tín dụng của NHCSXH thăm cở sở sản xuất. 

Chương trình tín dụng sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã tạo thêm việc làm, hỗ trợ nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, và phát triển nghề thủ công.

Hơn cả một nghệ nhân, bà Cư Thị Dua đã thành công giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những chiếc áo váy đến những tấm khăn thổ cẩm, bà không chỉ mang đến cho người Mông niềm tự hào về trang phục truyền thống mà còn khẳng định giá trị kinh tế bền vững từ nghề thêu thùa.  

Giữa núi rừng Simacai, hình ảnh bà Dua miệt mài bên những họa tiết hoa văn như một biểu tượng đẹp đẽ của sự giao hòa giữa truyền thống và hiện đại. Những đường kim, mũi chỉ mà bà thêu không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là minh chứng về một tương lai tươi sáng cho nghề dệt, may ở những bản làng vùng cao.  

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top