Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã đồng chủ trì Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” diễn ra sáng 24/11, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc; đời sống của người dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực.
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu
Tuy nhiên với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cả về mặt khách quan và chủ quan như vấn đề về tích tụ, tập trung đất đai; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản suất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, vùng núi vẫn còn nhiều khó khăn; thường chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ...
“Vì thế, chúng tôi mong muốn được lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,… phản ánh các khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai cũng như việc quản lý, điều hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; đề xuất, kiến nghị các giải pháp hướng tới mục tiêu NetZero”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Ông Đoàn cũng cho biết qua tổng hợp ý kiến của hội viên, nông dân cả nước, ban tổ chức diễn đàn đã nhận được trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, trong đó có 3 vấn đề người dân đặc biệt quan tâm. Nội dung thứ nhất người dân quan tâm là việc đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 với các nội dung về cơ chế, chính sách về thi hành luật; cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lương Quốc Đoàn chia sẻ tại diễn đàn
Nội dung thứ hai là các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.
Thứ ba là các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn; cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.
Với tinh thần khơi thông nguồn lực đất đai, chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn, tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã trả lời, làm rõ các vướng mắc mà các đại biểu nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phản ánh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại diễn đàn
Theo đó, giải đáp thắc mắc của ông Nguyễn Quốc Huy - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 ở tỉnh Vĩnh Phúc về thủ tục cấp chứng nhận đất trang trại để phát triển trồng dâu nuôi tằm, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm và hướng đến được cấp và bán tín chỉ carbon là việc làm rất hay. Theo ông Duy, hiện nay nhu cầu phát triển trồng râu nuôi tằm lớn, không chỉ trong nước và ngoài nước. Nhất là tại các địa phương vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc,... đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế rất cao. Cây trồng này có thể phát triển được trên đất đồi, đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rất tốt. “Chúng ta đang hướng tới xây dựng các phương thức cấp chứng chỉ carbon với các diện tích trồng dâu nuôi tằm, góp phần đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương và bà con”, ông Duy nói.
Đề cập thêm về khía cạnh đất sử dụng trang trại, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đất trang trại là tên gọi ngành nông nghiệp quy định tại Điều 9 Luật Đất đai. Theo quy định, luật không khống chế hạn mức. Việc cá nhân, tổ chức sử dụng bao nhiêu đất, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận phù hợp. Liên quan đến câu hỏi của ông Võ Quang Huy - Nông dân Việt Nam xuất sắc đang sở hữu 1.000 ha đất trồng chuối xuất khẩu (tại tỉnh Long An) về các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư công nghệ, vốn xử lý chất thải, rác thải trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo đạt được các tiêu chí để xuất khẩu các sản phẩm, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết vấn đề này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và trong Nghị định số 08 của Chính phủ.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thực tế, chúng tôi nhận thấy các quy định trên chưa thực sự bao quát, phù hợp với thực tế. Theo đó, chúng tôi đã phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ bổ sung thêm quy định, cơ chế chính sách liên quan đến 2 vấn đề chính. “Thứ nhất là trách nhiệm của nhà sản xuất, các doanh nghiệp, đối với các bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thứ 2 liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất xanh, tín dụng xanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, sản xuất xanh sẽ được hưởng cơ chế tín dụng xanh, sản xuất xanh và khi được tiếp cận chính sách này giúp các đơn vị thuận lợi trong việc xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Nội dung này, bộ nghiên cứu và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cơ chế chính sách để tiếp cận thuận lợi hơn", ông Duy nói.
Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường
Giải thích thêm về thắc mắc của đại biểu liên quan đến vấn đề giải quyết rác thải nông nghiệp, phân gia súc, ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết hiện nay, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và có thể chia thành các nhóm rác tái chế, rác hữu cơ, nhóm khác. Trong đó, luật khuyến khích địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện thu gom,... các địa phương có thể hướng dẫn người dân thu gom, tái chế rác hữu cơ tại gia đình. Đối với khu đô thị thì cần tập trung thu gom, phân loại, khu nào có khu thu gom sẽ hướng dẫn gia đình thu gom và phân loại xử lý ngay.
Về tình trạng trong các mùa vụ thu hoạch lúa, nông dân tại các tỉnh hay đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu và có phương án thu gom và để đầu tư vào xử lý thành tài nguyên phục vụ sản xuất các sản phẩm khác rất hiệu quả. “Đối với cây cao su, chúng ta cũng đã có cơ sở để đưa về xử lý. Hiện nay nhiều tỉnh có mô hình xử lý chất thải rắn rất hiệu quả. Đơn cử như Hải Phòng có công nghệ xử lý chất thải rắn như cành cây rất hay cần nhân rộng ra các địa phương khác cùng áp dụng", ông Thức chia sẻ.
Liên quan đến tình trạng giá đất cao bất thường sau một số phiên đấu giá đất vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để khắc phục và chấn chỉnh các hoạt động đấu giá đất, xử lý nghiêm đối với các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá trục lợi.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy
Thông tin cụ thể tại Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói với chủ đề "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn" diễn ra trong ngày 24/11, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh để khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng “thổi” giá đất trục lợi, các địa phương cần công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá. Giải pháp tiếp theo là các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất.
Nói về giải pháp trên, ông Duy cho hay theo quy định của Luật Đất đai 2024, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định lại giá đất cho phù hợp với mặt bằng giá thực tế, tuy nhiên vừa qua có một số địa phương được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn lấy giá đất khi chưa có đầu tư về hạ tầng để làm giá khởi điểm. Việc này dẫn đến giá khởi điểm tính đấu giá với giá khu đấu giá có khoảng cách lớn, dẫn đến nhiều đối tượng mong muốn thông qua đấu giá để mua trục lợi.
Các nông dân đặt câu hỏi với Chủ tịch Hội Nông dân và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường các giải pháp về nguồn cung đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, có giá cả hợp lý để người dân có thể chi trả và mua sử dụng; tránh tình trạng mất cân đối cung cầu về đất, nhà ở bởi khi cung cầu không gặp nhau thì giá bị đẩy lên cao. Trong quy chế đấu giá, theo ông Duy, các tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu quy định rút ngắn thời gian nộp tiền đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao bỏ cọc, tránh trường hợp trục lợi.
Để áp dụng, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trên, các địa phương cần cần thực hiện nghiêm các quy định về Luật đấu giá tài sản; Luật giá; Luật Đất đai năm 2024. Cuối cùng các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để khắc phục các tình trạng về đấu giá đất.
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.