Triển khai từ năm 2019 đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã lan tỏa, đi vào chiều sâu trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong quá trình đó, báo chí luôn đồng hành với các cấp, ngành, các chủ thể sản xuất, kinh doanh, kịp thời tuyên truyền, tôn vinh, khẳng định giá trị của sản phẩm OCOP, cũng như phản ánh, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng chất và đưa sản phẩm OCOP bay xa.
Những quả ngọt
Chương trình OCOP là 1 trong 6 chuyên đề trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và ban hành quyết định triển khai, nhằm tạo động lực để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn cả nước.
Đối với Quảng Ngãi, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao.
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (thứ 2 từ bên phải sang) tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP Quảng Ngãi.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Có thể nói, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện Chương trình xây dựng NTM; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm bước đầu được thực hiện chặt chẽ, công khai, kết quả đánh giá đã tạo được uy tín, thuyết phục được người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều thay đổi về chất lượng, bao bì, nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất, thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho thương lái nhưng nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đến nay, Quảng Ngãi đã xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 06 điểm; xã hội hóa 100% 06 điểm). Qua đó, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; cải thiện đời sống của nông dân các vùng nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững; góp phần xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu; khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT còn tham mưu UBND tỉnh triển khai các gói quà tặng OCOP, đã được các tổ chức, cơ quan, đơn vị sử dụng làm quà tặng cho đoàn viên Công đoàn, bạn bè, người thân..., bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực, giúp chủ thể bán được hàng hóa trong dịp hội nghị, hội thảo, lễ, Tết...
Báo chí tôn vinh, khẳng định giá trị sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Thanh Hiên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá: Quảng Ngãi triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019 đến nay. Trong gần 5 năm triển khai thực hiện, các cơ quan báo chí, trong đó có Kinh tế nông thôn, luôn đồng hành với các cấp, ngành trong tỉnh, các chủ thể sản xuất, kinh doanh, kịp thời tuyên truyền, tôn vinh, khẳng định giá trị của sản phẩm OCOP, cũng như phản ánh, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng chất và đưa sản phẩm OCOP bay xa.
Những năm qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với một số cơ quan báo chí, trong đó có Kinh tế nông thôn thực hiện các Chuyên trang tuyên truyền về “Chung tay xây dựng NTM Quảng Ngãi”, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần để người dân Quảng Ngãi cũng như bạn bè trong, ngoài nước biết đến nhiều hơn về sản phẩm OCOP Quảng Ngãi; tự tin, hãnh diện khi tiêu dùng sản phẩm OCOP của tỉnh nhà.
Không gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Lý Sơn tại Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn năm 2024.
“Bức tranh đó sống động hơn khi có sự đồng hành của báo chí, “mang” sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và du khách thập phương. Báo chí đã tuyên truyền, góp phần lan tỏa, quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn đến với đông đảo Nhân dân và bạn bè trong, ngoài nước”, ông Nguyễn Thanh Hiên nhận xét.
Bà Trương Thị Thu Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Đặc sản Quảng Tín, kiêm Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp - Đổi mới - Sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: Chúng tôi đã tăng cường giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, các sản phẩm OCOP được bán tại cửa hàng Zon’s ở hẻm 210 Phan Bội Châu, TP. Quảng Ngãi (Bach’s coffee), khách có nhiều lựa chọn khác nhau, tùy ý kết hợp có thể có hàng trăm Combo không trùng lặp. Giá chỉ từ 300 ngàn đồng trở lên, 100% sản phẩm là đặc sản Quảng Ngãi, sản phẩm OCOP 3-4 sao của Quảng Ngãi.
Hộp quà tặng khách phương xa, với đủ vị mặn, cay, ngọt của vùng biển Lý Sơn, với sự phong phú của sản vật địa phương và sự duyên dáng của từng thiết kế, gồm: Nước mắm cốt đặc biệt Mười Quý, mực rim, cá dưỡng rim, cá bống rim, bò khô núi, đường phèn, bột nêm nấm bào ngư, nấm bào ngư sợi cháy tỏi… Chưa đến 1 triệu đồng, “Quà Phú Quý” đã làm ấm lòng người nhận, đẹp lòng người tặng.
“Sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi đã không còn xa lạ với người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng. Thành công này có sự đồng hành của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Báo chí đã kịp thời tôn vinh, khẳng định giá trị của sản phẩm OCOP. Báo Chí luôn nhiệt tình và tích cực đồng hành cùng các chủ thể OCOP, tìm hiểu về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của từng sản phẩm, để từ đó viết những câu chuyện truyền thông cho sản phẩm một cách chân thực và gần gũi nhất; nhờ đó, mà những sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi ngày càng được nhiều khách hàng biết tới và tin dùng hơn. Chúng tôi rất biết ơn đội ngũ nhà báo đã luôn đồng hành với sản phẩm OCOP nói chung và anh chị em câu lạc bộ khởi nghiệp nói riêng”, chị Hường chia sẻ.