Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từ năm 2019 đến nay, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã lựa chọn và tập trung phát triển nhiều sản phẩm hiện có để hoàn thiện, nâng cấp lên sản phẩm OCOP. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình an toàn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chuyển đổi số... đã giúp nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.
Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Bình Sơn và hướng dẫn của các sở, ngành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bình Sơn đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã hướng dẫn các HTX NN, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm.
Một số sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của huyện Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP.
Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Bình Sơn trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí thực hiện của UBND huyện nên bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Kết quả, đến nay, trên toàn huyện đã có 13 sản phẩm được UBND tỉnh, huyện công nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao, gồm: Hành tím Bình Hải, Nén Bình Phú, Tinh bột nghệ Bình Châu, Chanh thơm Bình Thanh, Ớt Bình Dương, Lục Bình gốm Mỹ Thiện, Mực tẩm bè Hùng Loan, Chả cá Nguyễn Thị Lý, Bột ngũ cốc Hương Nguyên, Cốm tảo xoắn spirulina VT, Chả lụa Tân Lập, Xiên que Tân Lập, Nước mắm cốt thượng hạng Mười Quý.
Sản phẩm Lục Bình Gốm Mỹ Thiện được bàn tay khéo léo của vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, Phạm Thị Kim Cúc làm ra, có kiểu dáng mang tính cổ xưa, lôi cuốn người xem...
Trong đó, Sản phẩm Lục Bình Gốm Mỹ Thiện, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của làng Gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ), sản phẩm được bàn tay khéo léo của vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, Phạm Thị Kim Cúc làm ra, có kiểu dáng mang tính cổ xưa, lôi cuốn người xem, sản phẩm duy trì, phát triển và bảo tồn được sản phẩm làng nghề truyền thống. Hiện nay, huyện đang lập thủ tục đề nghị đưa Nghề làm gốm Châu Ổ (Mỹ Thiện), thị trấn Châu Ổ, vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bình Sơn đang lập thủ tục đề nghị đưa Nghề làm gốm Châu Ổ (Mỹ Thiện) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đề nghị xem xét đánh giá đối với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế tại địa phương, như: Sản phẩm Ốc nhồi ống nứa Hoàng Lê, chủ thể HTX NN và nuôi trồng thủy sản Hoàng Lê (xã Bình Khương); sản phẩm Cơm chiên mắm hành Như Ý của hộ KD Nguyễn Phú Kinh (xã Bình Chương); sản phẩm Bánh tráng Kim Ngọc của hộ kinh doanh Nguyễn Minh Công (xã Bình An); sản phẩm Yến nhà Hoàng Hải của hộ KD Lê Thị Kim Ánh (xã Bình Thạnh)...
Ngoài ra, với điều kiện địa lý, tiềm năng có thể phát triển du lịch tại các địa phương nông thôn, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Bầu Cá Cái (xã Bình Thuận), rừng dừa nước (xã Bình Phước). Trước mắt, tập trung hình thành điểm du lịch cộng đồng tại Bầu Cá Cái (xã Bình Thuận) và xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP du lịch đối với địa điểm này (chủ thể HTX Du lịch Cộng đồng Bàu cá cái).
Không ngừng nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm
Lãnh đạo huyện Bình Sơn xác định, sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân trong XD NTM; là nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài của chính quyền địa phương.
Khuyến khích các chủ thể SX, KD ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở khu vực nông thôn.
Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức SX hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị đối với các sản phẩm đặc sản có lợi thế ở địa phương trong lĩnh vực NN, phi NN và dịch vụ trên địa bàn nông thôn.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại SX, tái cơ cấu SX ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.
Các phòng, ban trong huyện và UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở SX thực hiện tốt các nội dung hoạt động của Chương trình. Tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn 3 sao, sản phẩm có tiềm năng 04 sao đối với sản phẩm Nước mắm Cốt đặc biệt Mười Quý, sản phẩm nâng hạng 03 sao lên 04 sao đối với sản phẩm Lục Bình Gốm Mỹ Thiện (đã đạt 03 sao năm 2022) để đề nghị cấp tỉnh, cấp huyện đánh giá phân hạng sản phẩm theo quy định.
Phối hợp các sở, ngành ở tỉnh kiểm tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc,… các thủ thể đạt OCOP; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc huyện theo chức năng nhiệm vụ tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất để phát hiện xử lý kịp thời.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chuyển đổi số
Những năm qua, Bình Sơn đã tổ chức giới thiệu, trưng bày những sản phẩm thế mạnh, tiềm năng trên địa bàn huyện ra thị trường trong nước và khu vực, đồng thời làm cầu nối để các doanh nghiệp trên địa bàn huyện gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư KD và liên kết mở rộng thị trường với các đối tác như: Tham gia gian hàng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tham gia Chương trình Hội thi Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyển kể... Qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác thu mua một số nông sản chủ lực của huyện Bình Sơn.
Hàng năm huyện Bình Sơn đều tổ chức Hội chợ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp.
Hàng năm, Bình Sơn tổ chức Hội chợ triển lãm các sản phẩm NN huyện nhằm tạo điều kiện để các HTX, doanh nghiệp và nông dân tìm hiểu và liên kết hợp tác; giới thiệu các sản phẩm của địa phương vào trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ do tỉnh tổ chức.
Xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận), để nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường. Hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán hàng OCOP, áp dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn.
Thiết kế, xây dựng video, clip về sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thế mạnh… của các địa phương trên địa bàn huyện, qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại kết nối cung cầu cho sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong truyền thông đa phương tiện về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương,
Phối hợp với các đơn vị, cơ quan báo chí tổ chức xây dựng các bài viết tuyên truyền về sản phẩm OCOP và Chương trình OCOP của huyện để quảng cáo, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, chia sẻ những mô hình hay, cách làm tốt của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thành công Chương trình OCOP.
Tổ chức tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng huyện làm tặng phẩm trong các dịp lễ, Tết; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Định hướng của huyện Bình Sơn trong thời gian đến là chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển sản phẩm OCOP với phương châm là không chạy theo số lượng, phát triển sản phẩm thực chất, chất lượng, bền vững để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở những địa phương có điều kiện phù hợp. Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng… |