Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 2 năm 2023 | 11:25

Bức tranh nông thôn “thêm mới” nhờ xây dựng nông thôn mới

Những ngôi nhà cao tầng khang trang, công trình xây dựng kiên cố, con đường sạch đẹp, cánh đồng lúa chín vàng, vườn cây xanh tươi…. là minh chứng cho sự phát triển của vùng nông thôn huyện Kiến Thuỵ (TP. Hải Phòng).

Bức tranh về vùng quê bừng sáng khi Kiến Thụy vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Nông thôn thêm mới

Huyện Kiến Thuỵ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng cách huy động sức dân dưới nhiều hình thức. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, nhân dân địa phương đã tích cực chung tay, không ngần ngại hiến đất, đóng góp công sức, vật chất cùng nhau xây dựng quê hương.

Xây dựng NTM kiểu mẫu tại huyện Kiến Thuỵ góp phần đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.

Kết quả của quá trình xây dựng NTM tại huyện Kiến Thuỵ đã được ghi nhận. Tại lễ đón nhận Quyết định huyện Kiến Thuỵ đạt chuẩn NTM, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã chúc mừng những kết quả Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Kiến Thụy đã đạt được trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Ông cũng lưu ý Kiến Thụy cần tiếp tục duy trì các tiêu chí NTM đã đạt được, đồng thời cả hệ thống chính trị cần chung sức đồng lòng tiếp tục thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025, tất cả các xã của huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.  

Trong suốt hành trình 10 năm (2011-2020) để được công nhận huyện NTM, các cấp chính quyền của Kiến Thuỵ đã nỗ lực triển khai thực hiện chương trình từ huyện đến cơ sở và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến tháng 6/2020, huyện có 17/17 xã đạt chuẩn NTM; năm 2020 đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Diện mạo nông thôn Kiến Thụy thay đổi rõ rệt, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế nông thôn phát triển khá với nhiều mô hình và hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sống được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng hơn 3,4 lần so với năm 2010.

Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 0,33% (158 hộ). UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ người có công với cách mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo để năm 2021 huyện Kiến Thụy không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 toàn huyện đạt 50,93 triệu đồng, gấp 2,86 lần so với năm 2011. Tính đến hết tháng 12/2020, Kiến Thụy không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Bà Nguyễn Thị Nở (xã Thanh Sơn) không giấu khỏi niềm vui khi Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu được triển khai tại địa phương. Bà chia sẻ, triển khai xây dựng NTM, những tuyến đường nông thôn tại địa phương thêm rộng hơn, đẹp hơn, đường thiết kế có vỉa hè, có hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng. Đường rộng người dân đi lại thuận tiện hơn, trường học, nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Từ đây phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế của địa phương và người dân được thụ hưởng những thành quả đó.

Sản phẩm OCOP “Gạo ruộng rươi” của huyện Kiến Thuỵ được trưng bày tại hội chợ, được quảng bá đến người dân trong và ngoài thành phố.

Sau khi Chương trình xây dựng NTM cơ bản hoàn thành, TP. Hải Phòng bắt đầu thực hiện NTM kiểu mẫu và chọn Thuỵ Hương (Kiến Thuỵ) là xã thí điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu; năm 2021, thực hiện tại 2 xã. Năm 2022, tiếp tục triển khai thêm ở 4 xã Tân Trào, Minh Tân, Đại Đồng, Đại Hà. Tại 4 xã này, tiến hành khởi công xây dựng 36/64 tuyến đường giao thông, cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 1/2023.

Huyện Kiến Thuỵ đã lập hồ sơ đề nghị công nhận 2 xã NTM kiểu mẫu, 2 xã NTM nâng cao; 11 xã còn lại triển khai rà soát mức độ hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và đề xuất danh mục công trình, kinh phí đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn TP. Hải Phòng đầu tư cho 6 xã của huyện là hơn 730 tỷ đổng với 107 công trình, tập trung đầu tư ở 5 lĩnh vực, gồm giao thông, trường học, y tế, môi trường và văn hóa.

NTM kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Đây là mục tiêu và định hướng phát triển đã được huyện Kiến Thụy đề ra  trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu của TP. Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 và giao cho các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức triển khai thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực.

Những tuyến đường NTM kiểu mẫu tại xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thuỵ đang dần hoàn thiện, góp phần nâng cao giá trị cuộc sống cho nhân dân địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng NTM kiểu mẫu đi đôi với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn này, Kiến Thuỵ tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Kiến Thuỵ phấn đấu đến năm 2025, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp (trồng trọt chiếm 21,4%, chăn nuôi chiếm 29,18%, thủy sản chiếm 47,9%); Giá trị trên một đơn vị diện tích đạt 250 triệu đồng/ha/năm, tỷ lệ diện tích trồng trọt được ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao đạt trên 50%.

Một trong những giải pháp quan trọng mà huyện triển khai thực hiện là tập trung tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, vùng sản xuất công nghệ cao và phát triển sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo hướng duy trì diện tích đất chuyên trồng lúa khoảng 2.000-2.500 ha. Diện tích còn lại chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm ứng dụng công nghệ cao tại các xã Tú Sơn, Thụy Hương, Đại Hà. Đến nay, trên địa bàn huyện đã quy hoạch được 37 vùng lúa chất lượng cao, 4 vùng sản xuất rau, 6 vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã tích cực hỗ trợ các chủ thể thành lập các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, xây dựng và quản lý nhãn hiệu nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Để đạt được những kết quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, Kiến Thụy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, chế biến trên địa bàn huyện.

Bằng sự nỗ lực không ngừng, tin rằng, với cách làm, hướng đi đúng đắn, cùng tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, chính quyền và người dân huyện Kiến Thuỵ sẽ tạo ra diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top