Quá trình xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) tại TP Cần Thơ hơn 13 năm qua, nguồn vốn phục vụ thực hiện, nâng chất các tiêu chí NTM luôn là “bài toán khó”.
Chính vì vậy, thành phố xác định tiếp tục cân đối, hài hòa giữa công tác huy động, phân bổ nguồn lực; tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát huy nội lực và tranh thủ tối đa sự đóng góp, ủng hộ từ người dân trong thực hiện từng tiêu chí.
Đa dạng hóa nguồn lực
Theo Văn phòng điều phối XD NTM TP Cần Thơ, năm 2023, thành phố huy động trên 2.499 tỉ đồng phục vụ XD NTM, trong đó, ngân sách nhà nước gần 733,44 tỉ đồng, vốn tín dụng hơn 1.627 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp 83 tỉ đồng, huy động từ người dân và cộng đồng trên 55,3 tỉ đồng. Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối XD NTM TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố phân bổ nguồn vốn XD NTM cho các dự án phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng các yêu cầu bức xúc từ người dân như giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, điện, môi trường... Cùng với đó, để đa dạng nguồn lực XD NTM, thành phố lồng ghép các nguồn vốn khác thông qua tranh thủ nguồn tài trợ của các dự án trong và ngoài nước; vận động nhân dân cùng chung sức XD NTM. Các sở ngành hữu quan cũng thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động tốt các nguồn lực từ vốn tín dụng và doanh nghiệp cho XD NTM.
Một tuyến đường giao thông nông thôn đầu tư khang trang tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh.
Tại các xã, việc huy động nguồn lực phục vụ XD NTM luôn là mục tiêu hàng đầu. Ông Nguyễn Hoàng Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: Quá trình XD xã NTM trong 7 năm (2011-2018) mỗi năm xã huy động đạt 42,43 tỉ đồng, trong XD NTM nâng cao 2 năm (2018-2020) mỗi năm huy động 52 tỉ đồng, trong XD NTM kiểu mẫu 3 năm (2020-2023) mỗi năm huy động 72,88 tỉ đồng. Qua đó, cho thấy việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM trên địa bàn xã đặc biệt được chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp đối với địa phương và sự đóng góp trong dân, nhà hảo tâm, đã giúp cho địa phương có nhiều nguồn động lực phấn đấu thực hiện thành công xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, các xã cũng trên tinh thần phát huy nội lực, đa dạng hóa nguồn lực từ bên ngoài để dồn sức cho việc hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí NTM. Theo ông Phạm Hoàng Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, nguồn vốn XD NTM của xã được huy động từ nhiều nguồn như vận động nhân dân đóng góp, kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ, tranh thủ ngân sách nhà nước đầu tư và các nguồn vốn khác. Các nguồn vốn huy động trong dân chủ yếu là phục vụ làm lộ giao thông nông thôn, XD trường học, thủy lợi nội đồng, nhà ở… Để tạo niềm tin, đồng thuận trong XD NTM, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân. Ngoài ra, còn có sự đóng góp ngày công lao động của cán bộ công chức, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, bà con nhân dân trong xã.
Linh hoạt “bài toán vốn”
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song vấn đề huy động vốn phục vụ XD NTM của TP Cần Thơ vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn lực huy động để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông thôn là rất lớn, trong khi đó, TP Cần Thơ không nằm trong danh mục địa phương được Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025. Đặc thù ở khu vực nông thôn, người dân sinh sống dọc theo các tuyến lộ và dọc các kênh, rạch nên việc đầu tư XD nâng cấp, mở rộng các dự án giao thông nông thôn đòi hỏi phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, có trường hợp phải bố trí tái định cư, tốn nhiều chi phí. Ở một góc độ khác, do xuất phát điểm của các xã thấp, mức sống người dân chưa cao nên việc huy động nguồn lực từ trong dân khá khó khăn…
Năm 2024, TP Cần Thơ dự kiến huy động trên 1.356 tỉ đồng phục vụ XD NTM. Theo đó, thành phố phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách cho các dự án phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội đang có yêu cầu bức thiết, được người dân đặc biệt quan tâm; ưu tiên đầu tư các xã, huyện XD NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo lộ trình đã đề ra. Ðồng thời, nâng chất lượng, hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để làm đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động tốt các nguồn lực từ vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp cho XD NTM.
Từ thực tế triển khai tại địa phương, ông Phạm Hoàng Kha, chia sẻ: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải đóng vai trò “đầu tàu” huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc cùng nhau tham gia XD NTM; biết khơi dậy nguồn lực tại chỗ của nhân dân, của cộng đồng xã hội. Theo đó, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong XD NTM là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định chính đến kết quả XD NTM nói chung và huy động nguồn lực XD NTM nói riêng. Để dân hiểu, dân tin, xã tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền và phù hợp theo từng thời điểm, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin về những cách làm hay, gương điển hình trong đóng góp XD NTM...”. Nhiều ý kiến cho rằng, XD NTM là chương trình lớn, dài hơi, tốn nhiều công sức, tiền của và cần đi theo lộ trình phù hợp. Một trong những giải pháp được khuyến cáo là các địa phương cần phân bổ vốn thực hiện các tiêu chí có tâm, trọng điểm; tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu khoa học…
Về phía thành phố, ông Lê Văn Tính, nhấn mạnh: “Phát triển sản xuất qua đó nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp then chốt trong XD NTM năm 2024. Bởi một khi kinh tế ổn định, vấn đề huy động sức dân cũng thuận lợi hơn, những vướng mắc trong XD NTM sẽ từng bước được tháo gỡ. Doanh nghiệp giữ vai trò “xúc tác” trong XD NTM. Do đó, thành phố tiếp tục tạo mọi điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Quá trình XD NTM cần phát huy dân chủ rộng rãi, từ đó tạo được sự đồng thuận, nhất quán sẽ khuyến khích được người dân tham gia, đóng góp tích cực trong công cuộc XD NTM tại địa phương. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng cần được công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí để tạo niềm tin trong nhân dân.