Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 7 năm 2023 | 11:22

Cần cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế đêm vùng ĐBSCL

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng việc phát triển kinh tế đêm việc ở Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng vẫn còn mang tính tự phát, chưa khoa học, chưa phát huy hiệu quả so với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, để kinh tế đêm vùng ĐBSCL phát triển, cần có cơ chế đặc thù.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” mới đây, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước.

Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khơ Me, Hoa, Chăm... với những nét văn hóa đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, đem lại nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Những năm gần đây, kinh tế đêm hoạt động mạnh ở Phú Quốc (Kiên Giang). 

Việc phát triển kinh tế ban đêm là hoạt động không thể tách rời trong đời sống xã hội, là hoạt động gắn kết với du lịch được hiểu là mọi hoạt động văn hóa văn nghệ, ẩm thực, trải nghiệm, tham quan... được diễn ra trong khoảng thời gian từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau. Mặc dù vậy, kinh tế ban đêm của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng mới ở bước đầu phát triển.

Thời gian qua, việc khai thác phát triển kinh tế đêm bước đầu đã được nhiều địa phương trong nước, trong vùng quan tâm triển khai với những hình thức, cách làm đa dạng, phong phú góp phần tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế địa phương. Mặc dù đã có bước phát triển ban đầu, nhưng kinh tế ban đêm của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng phát triển còn mang tính tự phát, chưa khoa học, chưa phát huy hiệu quả so với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại hầu hết địa phương tại vùng ĐBSCL chưa có sự đa dạng, chủ yếu mới dừng lại ở dịch vụ ăn uống. Các hoạt động trải nghiệm về văn hóa nghệ thuật còn chưa nhiều, chưa có sức hấp dẫn để thu hút, để “níu chân” du khách ở lại lâu hơn để chi tiêu, hưởng thụ trong những chuyến du lịch.

Ghi nhận thực tế tại các chợ đêm hay các khu phố đêm của một số địa phương cho thấy chưa thực sự ấn tượng. Nhiều dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được nhiều cơ hội để khách trải nghiệm vào các hoạt động. Các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách.

Thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn ngắn; các địa phương vùng ĐBSCL chưa có cơ quan hay bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường…

Gần như kinh tế ban đêm mới phát triển ở một số thành phố lớn ở vùng ĐBSCL.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhìn tổng thể, kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, kinh tế đêm tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau những thoái trào do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Lợi thế của kinh tế đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, kinh tế đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú, thì càng có khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”.

Cần cơ chế đặc thù

Hội thảo các đại biểu đã đề xuất giải pháp, kiến nghị về thay đổi bổ sung cơ chế, chính sách dành cho sự phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh vùng ĐBSCL thời gian tới. Theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL, năm 2022, toàn vùng đã thu hút hơn 37 triệu lượt du khách, tăng 238% so với cùng kỳ năm 2021. Kinh tế ban đêm đã góp phần vào phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh những hiệu quả mang lại, một số tỉnh thành phố khác phát triển kinh tế ban đêm cũng gặp một số khó khăn. Qua đó, cần có hướng dẫn thống nhất và giao cho một cơ quan đầu mối về phát triển kinh tế ban đêm từ Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để các địa phương dễ dàng trong việc triển khai.

Điều này hướng đến việc tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế đêm, đáp ứng yêu cầu đặt ra theo tầm nhìn dài hạn của quốc gia. Đồng thời, nâng cao nhận thức và chuẩn bị nhân lực của chính quyền địa phương hướng đến tư duy mở, nhìn nhận đa chiều về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cơ hội, thách thức của kinh tế ban đêm.

Kinh tế ban đêm được diễn ra trong khoảng thời gian từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau. (Ảnh: Diệp Anh).

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển du lịch cho rằng, Việt Nam đã có cơ chế chính sách chung về kinh tế đêm, các chính sách này mang tính dài hạn nhằm phát triển kinh tế ban đêm trong nước được lồng ghép trong các luật, nghị quyết, chiến lược phát triển…

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 18/6/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó một trong những giải pháp được đưa ra là phát triển kinh tế ban đêm dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

Đây có thể coi là văn bản rõ ràng nhất đối với định hướng về phát triển kinh tế ban đêm hay dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, quyết định được phê duyệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên một phần triển khai trên thực tể còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế…

Để phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới trước hết các cấp, các ngành, các địa phương cần phải thay đổi tư duy, nhận thức trong xã hội; cần hiểu đúng, đánh giá đúng khái niệm, tiềm năng thế mạnh về kinh tế ban đêm; cần có các bước quy hoạch bài bản, không sao chép khuôn mẫu với tầm nhìn xa dành cho kinh tế ban đêm.

Cần phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp về tài chính, đất đai, về năng lượng, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần lựa chọn những điểm nhấn riêng biệt, những loại hình văn hóa nghệ thuật, ẩm thực tinh túy nhất, riêng có của mỗi địa phương để phát triển kinh tế ban đêm.

Đặc biệt phải có cơ chế (khu pháp lý) đặc thù trong việc bố trí đất đai, xã hội hóa loại hình phát triển, khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc nhằm hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước thông qua cơ chế lấy thu-bù chi cho hoạt động, vận hành. Cuối cùng cần phải có cơ chế giám sát, đảm bảo tốt an ninh trật tự cho các điểm kinh tế ban đêm, nhất là những phát sinh vấn đề nhạy cảm, văn hóa đồi trụy, mại dâm, ma túy, tội phạm...

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, so sánh phát triển kinh tế ban đêm của một số quốc gia trên thế giới, các đại biểu đã thảo luận, chỉ rõ thực trạng những vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp, kiến nghị về thay đổi bổ sung cơ chế, chính sách dành cho sự phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh vùng ĐBSCL thời gian tới...

ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nơi đây có truyền thống văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc rất đa dạng, phong phú, đặc trưng rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm và được xem là tiềm năng rất lớn của các địa phương trong vùng. Để khai thác thế mạnh phát triển kinh tế ban đêm ngoài cần những cơ chế chính sách thông thoáng, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top