Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 6 năm 2024 | 9:50

Cần “viết lại câu chuyện du lịch nông thôn”

Du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện phát triển mạnh ở nhiều địa phương, tuy nhiên, mô hình này mới chỉ dừng ở việc cung cấp dịch vụ trải nghiệm và tham quan trong ngày với tính chất đơn giản, mà chưa trở thành động lực để thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần viết lại câu chuyện du lịch nông nghiệp, nông thôn, xây dựng một phiên bản mới dựa trên nền tảng đã có của tri thức bản địa.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn mới chỉ là trải nghiệm

Xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) là địa phương thứ hai của thành phố có sản phẩm tham gia OCOP về du lịch, các điểm du lịch ở Hồng Vân vừa đẹp, vừa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Phát huy thế mạnh của địa phương, xã Hồng Vân đã chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Trải nghiệm thực tế tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín về mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn

Theo đại diện Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân, hiện Hợp tác xã có 4 sản phẩm đều được xếp hạng OCOP 4 sao, trong đó có một sản phẩm liên quan đến điểm dịch vụ, du lịch. Hợp tác xã cũng chính là nòng cốt cho phát triển du lịch của xã, vì vậy đơn vị đã rất tích cực trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ và phát triển du lịch hiệu quả.

Ông Nguyễn Hải Đăng - Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Vân cho biết, năm 2012 đến nay, xã Hồng Vân đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Năm 2014, hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ra đời là hạt nhân bước đầu chuyển mình. Người dân xã Hồng Vân đã không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đến năm 2018 Hồng Vân được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch làng nghề. Tiếp đó năm 2019, xã được Thành phố công nhận Nông thôn mới nâng cao. Đến nay, được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Từ năm 2020, xã Hồng Vân đã trồng hơn 30 tuyến đường hoa mang những màu sắc khác nhau như: Đường hoa bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến, hoa ban. Những tuyến đường này được khách du lịch ví von như “Thiên đường của các loài hoa”. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Hàng cây hoa ban tại xã Hông Vân là địa điểm thu hút khách đến trải nghiệm.

Hồng Vân được đánh giá là địa phương thành công nhất trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội, tuy nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn này mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ trải nghiệm là chính. Theo báo cáo đánh giá của xã Hồng Vân, trong số 200.000 du khách đến xã thời gian qua, chủ yếu đi du lịch trong ngày, ít khách lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái của xã, vì vậy, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, xã kiến nghị với Thành phố và huyện cho phép khai thác điểm dịch vụ du lịch lưu trú thuộc vùng lõi quy hoạch, rồi đầu tư hạ tầng.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương cho biết, theo thống kê đến nay đã có 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động và nằm trong kế hoạch hỗ trợ của các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn để triển khai đến năm 2025.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn gặp một số khó khăn như sự chủ động của các ngành tại một số địa phương còn hạn chế, do đó, công tác ban hành kế hoạch còn chậm; khó khăn về tiếp cận, thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác đánh giá tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc…; thiếu công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn; mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún... dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và quảng bá du lịch.

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng còn một số hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhiều địa phương chỉ cung cấp dịch vụ trải nghiệm và tham quan trong ngày với tính chất đơn giản. Do đó, để ngành du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển và trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông thôn, trở thành động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững, vẫn còn nhiều việc cần làm.

“Viết lại câu chuyện du lịch nông thôn”

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách.

“Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng hoa Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tư lệnh ngành NN&PTNT cũng cho rằng, hiện nay, dù đã có một số nghị quyết, chính sách được ban hành, nhưng Bộ NN&PTNT và Bộ VHTT&DL vẫn cần ngồi với nhau để “viết lại câu chuyện du lịch nông thôn”, xây dựng một phiên bản mới dựa trên nền tảng đã có của tri thức bản địa. Từ đó, xây dựng lên những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mới.

“Giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn là giá trị tích hợp, trong đó bao gồm hàm lượng văn hóa, tri thức bản địa được chủ thể là con người bản địa chăm chút và đưa vào sản phẩm nông nghiệp du lịch. Cùng với Bộ VHTT&DL, chúng tôi kỳ vọng có thể mở ra những miền giá trị mới, không gian giá trị mới cho nông thôn, mang lại lợi ích cho cộng đồng từ du lịch nông nghiệp, nông thôn…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đồng thời cho rằng, cần làm rõ hơn vai trò của chủ thể và cộng đồng trong việc làm du lịch. Điều này giúp nâng cao đời sống nông dân, mở rộng giao lưu và tạo ra sinh kế mới, thúc đẩy sự vận động và giao lưu bạn bè quốc tế cho khu vực nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan "cần phải viết lại câu chuyện du lịch nông thôn"

“Sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ chiều sâu văn hóa, dựa trên văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng làng xã và thành tựu nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân chân chất, lam lũ, tận dụng tiềm năng và thế mạnh của vùng đất mình, đã biến điều đó thành sức mạnh của du lịch. Nhiệm vụ của người quản lý là tổng kết và nêu bật sự khác biệt cũng như tính nổi trội của du lịch nông nghiệp…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần làm rõ hơn vai trò của chủ thể và cộng đồng trong việc làm du lịch. Điều này giúp nâng cao đời sống nông dân, mở rộng giao lưu và tạo ra nghề nghiệp mới, thúc đẩy sự vận động và giao lưu bạn bè quốc tế cho khu vực nông thôn.

“Chúng ta cần những giải pháp trong thời gian tới, mà trước hết là nhận thức sâu về vai trò kiến tạo, hướng dẫn và dẫn dắt của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình phát triển, sự liên doanh - liên kết giữa Chính phủ và DN là cần thiết để tạo ra các sản phẩm cộng đồng. Xác định rõ vai trò của chủ thể và cộng đồng sẽ giúp xây dựng được những giải pháp chính sách phù hợp để du lịch nông nghiệp, nông thôn không phát triển nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hiệu quả và kém bền vững…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khuyến nghị.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Lê Phúc đánh giá, các địa phương đang khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị nông nghiệp đặc sắc, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo gắn với văn hóa truyền thống, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội và làng nghề.

“Du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái và làng nghề đặc biệt phát triển mạnh ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Một số làng du lịch đã đạt tiêu chí OCOP và tiêu chuẩn ASEAN, thậm chí nhận giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của UN Tourism…” - ông Nguyễn Lê Phúc nói thêm.

Để du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể giúp định hình và thu hút tình yêu của thế hệ tương lai đối với nông nghiệp, nông thôn, cội nguồn và giá trị vô hình. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh “Dù có những nghị quyết, chính sách được ban hành nhưng hai Bộ cần ngồi với nhau để viết lại câu chuyện, xây dựng một phiên bản mới dựa trên nền tảng đã có của tri thức bản địa, homestay, farmstay… từ đó xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và hướng dẫn tới địa phương, trang trại…”. 

Với quyết tâm của hai Bộ, hy vọng lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, đặc biệt, đây sẽ là thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP hiệu quả nhất cho các địa phương khi du khách đến nơi đây.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top