Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 2 năm 2023 | 11:31

Cao nguyên đá Đồng Văn: Bức tranh hùng vĩ đầy sắc màu

Lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) cảm giác chỉ cần với bàn tay là có thể chạm đến bầu trời. Dưới các thung lũng thỉnh thoảng lại xuất hiện những bản làng bên vách đá cheo leo.

Mặc dù, địa hình đầy những hiểm nguy rình rập nhưng vẫn không ngăn nổi sức sống quật cường của con người nơi đây với những sắc màu văn hóa độc đáo mà hiếm nơi nào có được.

Con đường “máu và hoa”

Sau khi kính cẩn dâng lên các Anh hùng Liệt sỹ nén hương lòng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên, đoàn công tác của Tạp chí Kinh tế nông thôn (tiền thân là Báo Kinh tế nông thôn) tiếp tục chuyến hành trình lên với cao nguyên đá Đồng Văn. Người dẫn đầu đoàn là nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập thuộc vanh vách từng địa danh của cao nguyên hùng vĩ này.

Cung đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc.

Đoàn công tác Tạp chí Kinh tế nông thôn bên Tượng đài TNXP.

Trong lắc lư của chuyến xe đang oằn mình vượt đèo tiến lên cung đường huyền thoại mang tên “Hạnh Phúc”, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Trong thời chiến cũng như thời bình, đây là con đường độc đạo và huyết mạch của cao nguyên đá Đồng Văn. Trước đây được gọi là đường 4C, nối dài qua 4 huyện bao gồm: Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc, dài hơn 200km. Đường bắt đầu được khởi công xây dựng từ tháng 9/1959 và 8 năm sau thì hoàn thành.

Những bản làng trong thung lũng của cao nguyên đá.

Vì sao con đường này lại mang tên là “con đường Hạnh Phúc?” Bởi con đường này được xây đắp lên bằng cả xương máu và hoa, bằng những bàn tay xây dựng của hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong(TNXP) và hơn 1.000 công nhân lao động. Họ làm việc không quản ngày đêm chỉ bằng những vật dụng hết sức thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ…, nhất là lại trong điều kiên thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt.

“Con đường này là minh chứng cho một huyền thoại về sức trẻ của thế hệ thanh niên Hà Giang nói riêng, Việt Nam ta nói chung”, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Được biết, giống như tên gọi của nó, con đường hoàn thành chứa đựng niềm hạnh phúc vô bờ bến của hàng vạn đồng bào các dân tộc anh em vốn dĩ xưa nay bị biệt lập từ bao đời trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Từ con đường này, hệ thống đường nhánh về xã, bản làng dần dần mang theo “điện, đường, trường, trạm” về tận từng nhà, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Dọc theo cung đường này có hàng trăm, hàng nghìn con dốc đèo uốn lượn quanh co, hết lên đỉnh rồi lại xuống chân đèo. Có những điểm dừng chân chỉ cần mở cánh cửa xe đưa tay ra ngoài tưởng chừng như đã chạm vào bầu trời bao la.

Một người dân địa phương cho biết: Để tưởng nhớ và tri ân thế hệ TNXP tham gia mở đường Hạnh Phúc, năm 2017, tỉnh Hà Giang đã cho xây dựng hoàn thành cụm Tượng đài TNXP ở ngay trên tuyến này. Công trình được làm bằng đá tự nhiên, có chiều cao 16m.

Cụm tượng chính gồm 5 nhân vật thể hiện cho lực lượng TNXP các dân tộc của 8 tỉnh tự hào, hiên ngang chinh phục thiên nhiên để mở ra con đường hạnh phúc. Bên cạnh là 3 bức phù điêu chạm khắc nổi thể hiện 3 nội dung: chia tay người thân lên biên cương cực Bắc xẻ đá núi vượt Cổng Trời; hình ảnh thể hiện sự gian khó khi mở đường; và hình ảnh mở đường thắng lợi.

Tượng đài TNXP bên cạnh con đường mang tên Hạnh Phúc hài hòa với khung cảnh kỳ vĩ nơi đây. Vì thế, khi chuyến hành trình của đoàn chúng tôi qua đây, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu kiểu gì cũng phải dừng lại để cho mọi người thăm viếng và ngắm cảnh kỳ vĩ của đất nước con người Đồng Văn.

Không những thế, trước khi đoàn lên đây, nhà báo Lê Văn Thành còn nhanh ý mua một loạt áo mang hình Quốc kỳ Việt Nam (cờ đỏ sao vàng) để anh em trong đoàn mặc đồng phục đứng bên tượng đài các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh trên con đường huyền thoại, hình ảnh này càng thêm ý nghĩa và xúc động.

Đi tìm nhà của Pao

Chuyến xe tròn một ngày trời mà chúng tôi vẫn chưa thể đặt chân đến huyện Đồng Văn. Trời chạng vạng tối, khí hậu dần se lạnh của miền đất cao nguyên này đã không cho chuyến hành trình tiếp tục bám mây với đèo cao núi dốc tiếp tục được nữa. Đêm dừng chân lại huyện Yên Minh (cũng là một trong 4 huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn) mới biết bây giờ lượng người đổ về đây du lịch trải nghiệm đông đến nhường nào. Lùng sục hết cả thị trấn Yên Minh mà không hề còn lấy một phòng trọ, nhà nghỉ hay khách sạn nữa. Cuối cùng, đoàn công tác chúng tôi đã được địa phương ưu ái bố trí cho nghỉ nhờ trong nhà nghỉ Huyện ủy  Yên Minh.

Cổng nhà của Pao.

 

Sau một đêm nghỉ lại, sáng ra khí hậu nơi đây thật dễ chịu. Sau khi húp vội bát phở nóng của cao nguyên Yên Minh, mọi người rất háo hức để “đi tìm nàng Pao”. Và rồi sau gần nửa ngày trời, chuyến xe cũng tìm được đến làng Lũng Cẩm nằm bên cạnh thị trấn Đồng Văn. Từ trên cao nhìn xuống thị trấn Đồng Văn đẹp hơn cả một bức tranh. Đến cổng làng Lũng Cẩm được người dân chỉ cho đi thẳng vào một quãng là đến nhà của nàng Pao.

Trẻ em làng văn hóa Lũng Cẩm.

Theo quan sát của phóng viên, ngay ở hai bên cổng làng Lũng Cẩm rất đông trẻ em, người lớn và cả người già gùi đầy những giỏ hoa đủ các màu sắc như hoa cải rừng, hoa tam giác mạch. Hai bên đường đi vào ngôi làng của Pao là những cánh đồng hoa bát ngát đủ màu sắc vàng, xanh, tím đỏ hòa quyện với những sắc phục của đồng bào các dân tộc anh em nơi đây trông rất đẹp. Phía xa xa, sau làng Lũng Cẩm là những cánh rừng cọ và những ruộng bậc thang nhấp nhô trông rất đẹp.

Bên trong nhà của Pao.

Nhà của Pao nằm ở làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, một trong những địa điểm sở hữu nét đẹp cổ xưa cùng thiên nhiên hùng vĩ mà bất cứ ai khi đặt chân đến cũng si mê. Thực chất, đây là ngôi nhà của ông Mua Súa Páo (một người dân địa phương) được đạo diễn Ngô Quang Hải lựa chọn làm bối cảnh quay bộ phim tên tuổi “Chuyện của Pao”.

Đến nay, nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của du khách. Ngôi nhà được dựng lên trong một bản làng tọa lạc giữa cao nguyên đá khô cằn, địa điểm này mang một vẻ đẹp bình yên, mộc mạc, là bức tranh thu nhỏ của cuộc sống người dân tộc Mông của cao nguyên Hà Giang. Ngôi nhà được xây dựng cách đây gần 100 năm với những mái ngói âm dương phủ kín rêu phong và phong cách kiến trúc quen thuộc về nhà cửa của người Mông nên rất hấp dẫn du khách mỗi lần ghé thăm.

Thăm “dinh thự Vua Mèo”

Sau khi chia tay làng Lũng Cẩm tuyệt đẹp của “nàng Pao”, chẳng bao lâu chúng tôi được tận mắt chứng kiến Dinh thự Họ Vương hay còn gọi là Dinh thự Vua Mèo - Vương Chính Đức – vị Vua duy nhất được người Mông nơi đây suy tôn, và cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn ở Sà Phìn hiện ra ngay trên đỉnh đồi.

Du khách thăm Dinh thự Vua Mèo.

Một hướng dẫn viên Khu di tích cho biết: Dinh thự Vua Mèo được xây dựng trên một khu đất đẹp, tọa lạc trên một gò đất của thung lũng, phía trước là ngọn núi có hình mâm xôi, xung quanh là các rặng núi cao thuận cho sinh sống và phòng thủ. Dinh thự họ Vương mang nét kiến trúc độc đáo bởi nó mang phong cách Pháp, Trung Quốc và Mông. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc cùng với những hàng cây sa mộc vươn cao. Vua Mèo Vương Chính Đức đã kỳ công đi khắp đó đây tìm thầy, tìm thợ về xây nhà, hơn 8 năm mới hoàn thành.

Toàn bộ dinh thự họ Vương (nhà Vương) có diện tích 3.000m2, khởi công vào năm 1919 và hoàn thành năm 1928, tức 9 năm sau đó. Dinh thự này tiêu tốn hết 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương ứng với 150 tỷ đồng ngày nay). Nhà Vương là dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ Vương, dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn. Chủ nhân là ông Vương Chính Đức – thủ lĩnh người Mông, hay còn được gọi Vua Mèo. 

Cách đây hơn một thế kỷ, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng Vương. Bà con dân tộc Mông thường gọi là Vua Mèo, vị Vua với nghề trồng và buôn thuốc phiện nổi tiếng một thời đến nay vẫn còn nhiều giai thoại cùng nhiều câu chuyện hấp dẫn. Để chứng minh uy quyền của mình, Vua Mèo Vương Chính Đức đã sang Trung Quốc tìm thầy phong thủy chọn đất, dinh thự do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế. Dinh thự họ Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia ngày 23/7/1993.

Chợ phiên nơi địa đầu Tổ quốc

Chúng tôi đặt chân đến Mèo Vạc đúng ngày chợ phiên của vùng biên giới này. Từ sáng sớm, dòng người khắp các bản làng đã đổ về chợ phiên ở thị trấn Mèo Vạc rất đông. Khắp các ngả đường đầy những sắc màu của đồng bào các dân tộc như: Mông, Tày, Nùng, Dao, Thái, Lô Lô…

Một góc chợ phiên Mèo Vạc.

Người người thi nhau gùi hàng hóa, người thì gùi khoai, lúa, người gùi rau, măng, người thồ gà, vịt, người đánh trâu bò… để đưa ra chợ bán. Sau khi dạo quanh một vòng khu chợ độc đáo này, chúng tôi đã được thưởng thức nhiều món ăn của buổi sáng trong lành ngay ở khu chợ của cao nguyên đá Mèo Vạc này.

Người dân Hà Giang rất hiếu khách, thấy chúng tôi là người miền xuôi lên thăm Mèo Vạc, không ít người đã ân cần hỏi han và kể cho nhiều câu chuyện thú vị nơi cao nguyên đá này.

Hoa ở cao nguyên Hà Giang.

Anh Lục Văn Uý - người dân tộc Tày bán phở gần cổng chợ Mèo Vạc -cho biết: Mỗi tuần phiên chợ này chỉ diễn ra một lần vào sáng sớm chủ nhật. Không giống như những phiên chợ dưới miền xuôi mặc cả, chèo kéo hay nói thách mà nơi đây thấy ai nhiệt tình một xíu là sẽ giảm giá hoặc sẵn sàng đổi ngang hàng hóa không cần lấy tiền mặt. Và Mèo Vạc là chợ bò lớn nhất miền Bắc. Mỗi phiên có tới vài trăm con bò được mua bán.

Anh Uý kể: Điều đặc biệt ở khu chợ này là mỗi phiên rất nhiều cặp vợ chồng cùng mang hàng xuống núi để bán. Tuy nhiên, khi xuống chợ thường để hàng hóa lại cho vợ bán, còn cánh mày râu rủ nhau đi uống rượu. Có những bà vợ sau khi bán hết hàng và chợ đã tan nhưng vẫn ngồi chờ chồng cả buổi cho tỉnh rượu, lúc đó mới dìu nhau về.

 

 

Phan Sáng
Ý kiến bạn đọc
Top