Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về vai trò của trẻ em đối với gia đình và xã hội: Trẻ em là “người chủ tương lai của nước nhà”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.
Trẻ em được pháp luật bảo vệ
Ngay từ khi mới thành lập và thông qua Cương lĩnh Chính trị đầu tiên (1930), Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc “nam nữ bình quyền” như là cơ sở của sự giải phóng phụ nữ, trao quyền bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời cũng khẳng định quyền bình đẳng giữa trẻ em gái và trẻ em trai, chống mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và lứa tuổi.
Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946) đã ghi nhận sự bảo đảm quyền trẻ em, đó là: “Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” và “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước”.
Quan điểm nhất quán về chăm lo và bảo đảm quyền trẻ em được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và bản sửa đổi, bổ sung năm 2001.
Sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), văn bản pháp luật về trẻ em đầu tiên được ban hành là Pháp lệnh Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 14/11/1979. Đến năm 1991, thay thế bằng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, sau đó được sửa đổi thành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
Ngày 5/4/2016, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em và Luật này có hiệu lực đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6/2016). Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương, 106 điều, trong đó quyền của trẻ em đã được ghi rõ, bao gồm: Quyền được sống; Quyền được khai sinh; Quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Quyền vui chơi, giải trí; Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền về tài sản; Quyền bí mật đời sống riêng tư; Quyền được sống chung với cha, mẹ; Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ; Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy; Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang; Quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp; Quyền của trẻ em khuyết tật; Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.
Dành sự quan tâm đặc biệt
Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nổi bật là Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 25 triệu trẻ em. Trong đó, 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường; 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, chăm lo.
Chủ tịch nước Tô Lâm nói chuyện với thiếu nhi tại buổi gặp mặt biểu dương các cháu con liệt sỹ công an, con đỡ đầu hội phụ nữ công an, con nuôi công an xã và con cán bộ chiến sỹ công an đạt giải quốc gia, quốc tế năm 2023-2024. Tại buổi gặp mặt biểu dương các cháu con liệt sỹ công an, con đỡ đầu Hội Phụ nữ Công an, con nuôi công an xã và con cán bộ chiến sỹ công an đạt giải quốc gia, quốc tế năm 2023-2024 trong khuôn khổ chương trình “Trại hè yêu thương” (ngày 28/5), Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với những mục tiêu rất cụ thể, đó là: “Toàn xã hội chăm sóc trẻ em, trẻ em bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải được chăm lo chu đáo; các cháu đến tuổi đi học đều được đến trường. Đồng thời có chính sách đặc biệt đối với các cháu ở vùng dân tộc; các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều được chăm sóc; có chế độ khám bệnh, chăm sóc, điều trị các cháu bị bệnh bẩm sinh, tàn tật và phải được chăm sóc chu đáo bình đẳng, lên án mọi hành động xâm hại, đe dọa, xâm phạm, bóc lột trẻ em”. |
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chỉ thị nêu rõ: Cần nghiên cứu, tích hợp xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển trẻ em mang tính tổng thể, toàn diện; đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan đến trẻ em. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN). Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, sáng 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Tặng quà và trò chuyện với các cháu thiếu nhi, cán bộ, thầy cô giáo tại Trung tâm, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, Nhân dân tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, giáo dục trẻ em nói riêng... Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Thủ tướng yêu cầu cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động thiết thực hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới. |
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam, năm 2023, hơn 7 triệu trẻ em được tặng quà nhân dịp Tết Trung thu, với số tiền hơn 470 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước trên 70 tỷ đồng, vận động được trên 400 tỷ đồng từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã vận động, hỗ trợ 22.916 trẻ em với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng nhân dịp Tết Trung thu và năm học mới 2023 - 2024. Cục Trẻ em đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai hỗ trợ gói đồ ấm cho trẻ em tại 16 tỉnh/thành phố với tổng kinh phí 5 tỷ đồng (tương đương với 10.000 gói đồ ấm cho trẻ em).
Mới đây, ngày 13/5/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2179/BGDĐT-KHTC thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025. Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm học phí với tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi từ ngày 1/9, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền đóng học phí theo đúng quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Ngăn chặn các hành vi xâm hại
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2023, cả nước xảy ra hơn 1.800 vụ xâm hại trẻ em, tăng 41,88% so với năm 2022. Không chỉ tăng về số vụ mà mức độ của các vụ việc xâm hại trẻ em cũng có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, nhất là xâm hại về tình dục và bạo lực, gây nhiều hệ lụy đau lòng cho trẻ về cả thể chất và tinh thần.
Giữa tháng 4 vừa qua, sự việc bé gái 12 tuổi ở Thanh Trì (Hà Nội) bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai và sinh con đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong xã hội. Có thể thấy, do nhiều thách thức khác nhau, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác phòng ngừa, kiểm soát còn nhiều bất cập, chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Vẫn còn một số lượng không nhỏ các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em chưa được giải quyết triệt để, bị tồn đọng kéo dài.
Trước đó, xảy ra vụ án hiếp dâm xảy ra ngày 28/9/2023 tại thôn Tân Bình, xã Sơn Phước (Sơn Hòa - Phú Yên). Bốn đối tượng đã dùng vũ lực và sử dụng thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần, sau đó nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với trẻ dưới 16 tuổi.
Ngoài những vụ việc nêu trên, các vụ việc bạo lực học đường cũng xảy ra ở một số địa phương trên cả nước.
Ngày 4/4/2023, tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), hai học sinh lớp 6 xô xát ngay trong lớp học dẫn đến một em tử vong.
Hay vào ngày 26/10/2023, một đoạn clip ghi lại cảnh cháu V.V.T.K., học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất - Hà Nội) bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng lan truyền trên mạng xã hội. Đoạn clip ghi lại từ tháng 6, đến tháng 9 nhà trường mới phát hiện sự việc.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự tắc trách của những người liên quan gây ra những vụ việc đau lòng cho trẻ. Ngày 29/5, một trẻ mầm non ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh cả chục giờ đồng hồ dưới cái nóng gần 40 độ dẫn đến tử vong. Câu chuyện đau lòng này gợi lại nỗi kinh hoàng hơn 4 năm về trước khi một học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng ngay trong ngày đầu tựu trường khiến bé tử vong.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vụ việc đau lòng ở Thái Bình là của người lớn, cụ thể là của giáo viên và người phụ trách đưa đón học sinh.
Ông Hạ nhìn nhận, do chúng ta còn "dễ dãi" trong lực chọn người đảm trách nhiệm vụ đưa đón trẻ, chế tài xử lý không đủ nghiêm khắc, răn đe nên tới đây cần bổ sung quy định về những nội dung này, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường.
Trên không gian mạng, trẻ em cũng là đối tượng bị tấn công. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), trong tổng số vụ xâm hại trẻ em của năm 2023 và quý I/2024, có hơn 400 vụ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các thủ đoạn tạo niềm tin với nạn nhân và tiến hành hành vi xâm hại, chủ yếu là nhóm hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em trên mạng xã hội là lập phòng chat ảo, game online, diễn đàn để thu thập thông tin cá nhân của các em. Các đối tượng cũng tạo tài khoản ảo để tiếp cận, làm quen, đánh vào tâm lý, khiến trẻ em tin tưởng, thậm chí coi như thần tượng, “soái ca”.
Sau đó, các đối tượng lừa gạt, dụ dỗ trẻ em nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động.
Điển hình như trường hợp Công an quận 1 (TP.HCM) bắt Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, bắt cóc 2 trẻ em ở phố đi bộ Nguyễn Huệ) đầu tháng 4/2024, bắt cóc trẻ em với mục đích để quay phim khiêu dâm, gửi ra nước ngoài nhằm môi giới mại dâm.
Đa dạng mô hình chăm sóc
Trước sự tác động, ảnh hưởng từ xã hội, đặc biệt là không gian mạng, nhiều tổ chức, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình đã có cách làm hay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đồng thời quan tâm chăm lo cho trẻ em theo đúng luật pháp, tạo cho trẻ em môi trường hoàn toàn an toàn, lành mạnh và có cơ hội để phát triển tốt.
Quảng Ninh có hơn 370.000 trẻ dưới 16 tuổi. Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó phải kể đến mô hình “Thí điểm kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em tại cộng đồng dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ” do Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) thực hiện. Qua đó, Trung tâm duy trì Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình chăm sóc, nuôi dạy con tốt” tại huyện Ba Chẽ và TX. Đông Triều; đảm bảo cho trẻ đến đủ 8 tuổi trên địa bàn được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội, được bình đẳng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc theo độ tuổi và nhu cầu của trẻ. Hiện, mỗi CLB có khoảng 30 thành viên tham gia.
An Giang có hơn 4.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đây là nhóm đối tượng thiệt thòi, đòi hỏi được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các em tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát triển và hòa nhập cộng đồng, tỉnh đã triển khai mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Sau 5 năm, trên địa bàn tỉnh An Giang có 45 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình chăm sóc thay thế. 192 trẻ em được nhận chăm sóc thay thế, kinh phí hỗ trợ gần 600 triệu đồng. Các em được quan tâm, chăm sóc về vật chất và tinh thần, được hỗ trợ làm các thủ tục nhận trợ cấp xã hội, hỗ trợ đi học… Mô hình còn có sự đồng hành từ 143 cá nhân, tổ chức giúp đỡ thường xuyên.
Năm học 2023 - 2024 đã kết thúc, kỳ nghỉ hè của học sinh bắt đầu. Để các em có kỳ nghỉ hè ý nghĩa, các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đang tích cực triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh, trẻ em tham gia. Ông Phạm Sỹ Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thanh thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Dịp hè năm 2024, Trung tâm có kế hoạch mở 37 lớp năng khiếu, đội nòng cốt và CLB thiếu nhi với trên 1.000 thanh, thiếu nhi tham gia như các lớp đàn organ, múa, cờ vua, hội họa, võ cổ truyền, cầu lông, bóng bàn; các lớp về nghi thức Đội, CLB phát thanh măng non, đội nghệ thuật măng non, CLB văn thơ thiếu nhi... Việc mở các lớp năng khiếu trong dịp hè nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, lành mạnh cho thanh, thiếu nhi trong tỉnh được sinh hoạt, học tập, vui chơi để phát triển năng khiếu, sở trường, giúp các em phát triển toàn diện hơn”.
Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em
Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới vẫn còn một số điểm cần lưu ý để tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.
Đó là tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vấn đề bạo lực học đường vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tai nạn thương tích trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra tại các địa phương, ảnh hưởng tới sức khỏe, học tập, phát triển của trẻ em, đã làm tử vong nhiều trẻ em. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại cho sức khỏe. Trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong năm 2023 tăng đột biến và có chiều hướng diễn biến phức tạp và việc tiêm chủng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em đạt thấp, không bảo đảm tính kịp thời,
Về định hướng, phương hướng hoạt động, kế hoạch thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025, do đó, thực hiện phương châm được Bộ Chính trị yêu cầu trong Chỉ thị số 28-CT/TW “bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển”, trọng tâm và phương châm hành động của năm 2024 và những năm tiếp theo trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em: Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em, hành động thiết thực chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”.