Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 8 năm 2023 | 21:44

Cháy rừng thông ở Huế

Vào khoảng 14h30 chiều 30/7, lực lượng Kiểm lâm nhận được tin báo xảy ra cháy rừng thông tại xã Thủy Bằng, thành phố Huế. Đơn vị đã huy động lực lượng cùng phương tiện đến hiện trường, tiến hành dập lửa.

Huy động nhiều lực lượng cùng chữa cháy

Theo đó, lãnh đạo Chi Cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, khoảng 14h30 chiều 30/7, đơn vị nhận được tin xảy ra cháy rừng thông nên huy động lực lượng, phương tiện đến hiện trường để dập lửa. 

Đến 16h50 chiều 30/7, cơ quan chức năng đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC, Kiểm lâm, cùng lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế  nỗ lực khống chế vụ cháy rừng thông tại đây. 

Cháy rừng thông ở xã Thủy Bằng, thành phố Huế.

Do khu vực xảy ra cháy có độ dốc cao, đường vào nhỏ hẹp nên các phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận. Các lực lượng phải chữa cháy thủ công. Bên cạnh đó, lửa cháy lan rộng, trải dài, dưới đường dây điện cao thế do vậy, đích thân lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công an thành phố Huế trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy. Đến 18h, ngọn lửa được không chế.  

Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Huế, cho biết: “Địa bàn thành phố Huế có diện tích rừng khá lớn, khoảng 8.000ha rừng trồng, trong số đó đa phần là cây dễ cháy như thông, keo. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng dễ cháy nằm xen kẽ các khu vực mồ mả, lăng tẩm, việc thắp hương viếng mộ rất dễ gây ra cháy rừng. Khí hậu của Thừa Thiên - Huế khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài trên nền nhiệt rất cao, đó là vấn đề rất khó khăn trong công tác phòng chống cháy”.

Thái Nguyên chống "giặc lửa" xâm hại rừng

Thời gian gần đây,  trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt, độ ẩm không khí giảm thấp, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Trước tình hình này, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp với chính quyền các địa phương và người dân triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.

Phú Thượng là một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện vùng cao Võ Nhai, với hơn 4.160ha, bao gồm cả rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Để bảo vệ rừng, Ban Lâm nghiệp xã và cán bộ Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, cập nhật biến động tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp kịp thời.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ của tỉnh Thái Nguyên cùng người dân xã Sảng Mộc (Võ Nhai) tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Dương Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cho biết: Khi bước vào mùa nắng nóng, chúng tôi đã kiểm tra thực địa, xác định các vùng có nguy cơ xảy ra cháy cao; tuyên truyền đến người dân cách phát dọn thực bì và trồng rừng đúng kỹ thuật. Đồng thời, phát huy vai trò của chủ rừng trong việc phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, góp phần hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, Võ Nhai là địa phương có diện tích rừng lớn nhất Thái Nguyên, khoảng 58.000ha. Thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí xuống thấp, người dân vào rừng đốt ong hay xử lý đốt thực bì sau khai thác rừng trồng... là những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây cháy rừng trên địa bàn.

Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa nắng nóng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã được Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai triển khai tích cực, với các giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, thông tin: Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp, như: đốt dọn thực bì đúng cách; phát đường băng cản lửa ở diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; chăm sóc rừng trồng… Cùng với đó, chúng tôi cũng cử cán bộ kiểm lâm bám sát địa bàn, tăng cường giám sát, tuần tra nghiêm ngặt trong suốt mùa nắng nóng. 

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh được cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh và các địa phương tăng cường tuyên truyền về các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ rừng và phóng cháy, chữa cháy rừng nhằm góp phần nâng cao ý thức cho người dân; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trong những ngày cao điểm.

Ngoài ra, đơn vị cũng yêu cầu các hạt kiểm lâm phối hợp với địa phương và đơn vị chủ rừng, người dân thực hiện ngay biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; nghiêm cấm các hoạt động sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, nhất là việc đốt thực bì sau khai thác; chuẩn bị trồng rừng, chủ động rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng... Đồng thời, lực lượng Kiểm lâm, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thôn, bản tổ chức trực 24/24h trong những ngày cao điểm thời tiết hanh khô, nắng nóng...

Ứng dụng công nghệ trong PCCC rừng tại Thanh Hóa

Thanh Hóa có diện tích rừng lớn với trên 647.000 ha, trong đó có 46.752 ha có nguy cơ cháy cao. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) trong công tác BVR, PCCCR.

Cụ thể, nhằm chủ động trong công tác BVR, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên, đơn vị đã ứng dụng tiến bộ KHCN trong công tác BVR, PCCCR, nâng cao tính ĐDSH. Đến nay, đơn vị đã xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu để thuận tiện cho tra cứu và điều hành, áp dụng công nghệ vào quản lý, BVR, PCCCR, như: sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy GPS trong hoạt động tuần tra rừng, ghi nhận thông tin ĐDSH, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng thông qua ảnh vệ tinh để đánh giá nhanh diễn biến rừng trong kỳ kiểm kê đánh giá. Bên cạnh đó, đơn vị đã ứng dụng thành công sáng kiến “Ứng dụng KHCN để nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật và giám sát ĐDSH tại KBTTN Xuân Liên bằng phần mềm Smat phone”. Ngoài ra, đã thực hiện có hiệu quả và nhân rộng sáng kiến “Ứng dụng bổ sung phần mềm GPS - Photo Link xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và quảng bá các loài cây cổ thụ quý hiếm và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên ở KBTTN Xuân Liên”.

Cán bộ kiểm lâm quan sát, phát hiện sớm lửa rừng qua hệ thống camera giám sát tại Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.

Việc ứng dụng KHCN trong công tác BVR, PCCCR, nâng cao tính ĐDSH ở KBTTN Xuân Liên đã giúp lãnh đạo quản lý nắm bắt được tình hình thực tế các trạm kiểm lâm, làm giảm thời gian đi kiểm tra đến các trạm từ 96 ngày xuống 12 ngày. Công cụ này cũng được áp dụng cho các tổ BVR của các thôn, bản nhận khoán BVR với khu bảo tồn để các trạm kiểm lâm giám sát và điều hành các tổ BVR; tiếp tục thực hiện và nhân rộng sáng kiến ứng dụng hệ thống GPS - Photo Link quản lý cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn với các loài: bách xanh, pơmu, samu, dẻ tùng sọc trắng, sến mật... đưa vào quản lý, giám sát trên phần mềm GPS - Photo Link và trên Website của khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu để thuận tiện cho tra cứu và điều hành, áp dụng công nghệ vào quản lý rừng như sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy GPS trong hoạt động tuần tra rừng, ghi nhận thông tin ĐDSH, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng thông qua ảnh vệ tinh để đánh giá nhanh diễn biến rừng trong kỳ kiểm kê đánh giá. 

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 641.893 ha rừng, trong đó có gần 47.000 ha rừng trọng điểm cháy, với trạng thái là rừng hỗn giao nứa, gỗ, rừng nứa, vầu, thực bì là cỏ tranh, lau lách... Đặc biệt, có gần 10.000 ha rừng thông phân bố ở 9 huyện thuộc khu vực đồng bằng ven biển. Đây là khu vực trọng điểm cháy rừng rất cao của tỉnh, có nguy cơ xảy ra cháy lớn trong mùa khô hanh, nắng nóng. Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã ứng dụng KHCN trong công tác BVR, PCCCR. Nét nổi bật là việc đầu tư lắp đặt và sử dụng hệ thống camera quan sát phát hiện sớm lửa rừng. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt 11 hệ thống camera tại các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa. Các camera có độ phân giải cao, khả năng thu nhận hình ảnh 24/24h; hình ảnh được truyền qua mạng internet đến máy tính, thiết bị di động của cán bộ trực chỉ huy chữa cháy rừng, từ đó kịp thời phát hiện sớm lửa rừng.

Ngoài phát hiện nhanh các đám cháy rừng, hệ thống camera còn thay thế hoàn toàn việc bố trí con người trực gác ngoài hiện trường tại những khu vực rừng trong tầm quan sát của camera. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa còn thực hiện hiệu quả mô hình “Sáng kiến cải tạo máy cắt thực bì thành hệ thống chữa cháy rừng cơ động” đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác chữa cháy rừng, được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời lắp đặt 7 trạm khí tượng quan trắc tự động tại các huyện có nguy cơ cháy rừng cao, kết hợp ảnh vệ tinh, bản đồ hiện trạng rừng, các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

 

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top