Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 7 năm 2023 | 14:37

Chi Lăng phát triển cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa

Những năm gần đây, ớt trở thành cây chủ lực trong vụ sản xuất đông xuân của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Cây ớt đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này, địa phương đã phát triển thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy liên kết để tiêu thụ sản phẩm.

Được mùa “kép”

Năm nay, ngoài thời tiết thuận lợi cho cây ớt phát triển thì một điều quan trọng  là mặt hàng ớt tươi đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là niềm vui lớn đối với người trồng ớt ở Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung.

Nắm bắt được lợi thế gần cửa khẩu giao thương với thị trường Trung Quốc cũng như tập quán canh tác của nông dân trên địa bàn, các ngành chức năng của Lạng Sơn đã tích cực vào cuộc để đồng hành cùng bà con  phát triển cây ớt.

Chi Lăng là địa phương có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh Lạng Sơn. Theo thống kê, vụ xuân 2023, toàn huyện có 746ha  ớt, trong đó có trên 400ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng hơn 80ha so cùng kỳ năm 2022.

Người dân thôn Nà Pất, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng thu hoạch ớt tươi. Ảnh: Anh Tuấn.

Bà Hoàng Thị Hải ở xã Lý Nhân phấn khởi cho biết: Được các ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, thị trường..., chúng tôi yên tâm sản xuất ớt. Đầu vụ, giá ớt khá cao, 30.000-40.000đồng/kg, gia đình thu  20-30 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2).

Cùng chung niềm vui như bà Hải, ông Hoàng Thanh Thái ở xã Bằng Khánh (huyện Lộc Bình) cho hay: Thời tiết năm nay thuận lợi cho việc trồng ớt, lại áp dụng đúng theo hướng dẫn của ngành chức năng, vì vậy mà mỗi lần thu hoạch ruộng ớt 3 sào cũng đều được trên 100kg, giá bán khá ổn định, chúng tôi được mùa kép.

Mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chi Lăng, cho biết, vụ ớt năm nay, sản lượng toàn huyện ước đạt 4.500 -5.000 tấn.

Để bảo đảm giá ớt ổn định, ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn vận động bà con tăng quy mô diện tích ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng vùng trồng để được cấp mã số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm ớt xuất khẩu.

Ớt là loại cây không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và phân bón, hơn nữa cho thu hoạch kéo dài trong 2 tháng với giá trị kinh tế khá cao, cho nên nhiều hộ kiên trì với cây ớt đã có thu nhập khá.

Bà con trồng ớt ở Lạng Sơn được mùa kép. Ảnh: KNLS

Năm nay, ngay khi bước vào đợt gieo trồng ớt, UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn tổ chức xây dựng, thiết lập hồ sơ và triển khai các bước đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã số vùng trồng ớt xuất khẩu.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 36 mã vùng trồng ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng với diện tích 320ha.

Cũng ngay từ đầu vụ, chính quyền các cấp của huyện Chi Lăng đã liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản xây dựng hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật  để được cấp mã số đóng gói bao bì sản phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc.

Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn - Lý Việt Hưng cho biết, vụ đông xuân năm nay, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt 1.479ha, tăng 91ha so niên vụ năm 2022. Cây ớt được trồng chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan...

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Những năm trước (2021 và 2022), sản lượng ớt vụ xuân đạt rất cao (6-6,5 nghìn tấn) nhưng do chưa có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm, khoảng 80% sản lượng ớt của Chi Lăng phụ thuộc vào thương lái. Chính vì thế mà giá trị kinh tế chưa như mong muốn, giá trung bình cả vụ là 18.000 đồng/kg, có nhiều thời điểm giá chỉ 8.000-10.000 đồng/kg.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, cho biết, để khâu tiêu thụ ớt bảo đảm ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng ớt trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng danh sách “khách hàng tiềm năng” để triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác thu mua, tiêu thụ sản phẩm ớt quả tươi.

Đến thời điểm hiện tại, 3 cơ sở xuất khẩu ớt thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm ớt của huyện Chi Lăng đã được cấp mã số cơ sở đóng gói sản phẩm ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện,  huyện Chi Lăng đã đạt được thỏa thuận liên kết trong khâu tiêu thụ ớt đối với Công ty TNHH MTV An Hải Phát (ở tỉnh Lào Cai), Công ty TNHH An Khang (ở huyện Cao Lộc), Công ty TNHH Ngọc Diệp (thành phố Lạng Sơn), HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) và một số  thương lái chuyên thu mua ớt với số lượng lớn trên địa bàn huyện Chi Lăng và một số địa bàn khác.

Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ (Chi Lăng) cho biết, năm nay, chính quyền huyện đã chủ động gặp gỡ, trao đổi và thực hiện ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm ớt. Qua ký kết, HTX cam kết thực hiện thu mua 500-1.000 tấn ớt thu hoạch được trong vụ này.

Ngoài HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, qua thỏa thuận hợp tác, các doanh nghiệp,  HTX và một số thương lái có quy mô lớn đều cam kết bảo đảm thực hiện tiêu thụ toàn bộ sản lượng ớt (sản lượng ước đạt 4,5-5 nghìn tấn) và giá cam kết thu mua sản phẩm ớt quả tươi trên dưới 15 nghìn đồng/kg.

Với sự chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm ớt, UBND huyện Chi Lăng và các phòng, ban chuyên môn liên quan đã giúp người trồng ớt từng bước giải “bài toán” khó nhất. Cách làm này sẽ giúp nông dân không bị thua thiệt, đồng thời nâng giá trị kinh tế của sản phẩm ớt của  Chi Lăng.

Viện Nghiên cứu Rau quả vừa phối hợp với Hội Nông dân xã Vân Thủy (Chi Lăng) tổ chức Hội nghị đầu giới thiệu kết quả xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất ớt cay lai triển vọng HP6. 

HP6 là giống ớt chỉ thiên được Viện Nghiên cứu Rau quả chọn tạo, giống sinh trưởng khỏe, có tiềm năng cho năng suất cao, thích ứng tốt với vùng sinh thái địa phương. Ngoài ra, giống có khả năng chống chịu bệnh héo rũ do nấm Phytophthora capsici gây ra trong điều kiện đồng ruộng. Quả dài 7-9cm, đường kính quả 0,9 -1,1cm, màu quả xanh trung bình, quả chín màu đỏ đẹp, thích hợp ăn tươi và cho chế biến được thị trường nội tiêu và xuất khẩu chấp nhận. Cây cho thu hoạch 120-150 quả; năng suất trung bình đạt 20,0-25,0 tấn/ha, tương đương đối chứng.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top