Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 10 năm 2022 | 11:40

Chung sức cùng các xã nghèo biên giới ở Hà Tĩnh xây dựng nông thôn mới

Đồng hành với người dân, chính quyền các xã nghèo vùng biên ở Hương Khê (Hà Tĩnh) trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều tổ chức, đơn vị đã và đang giúp đỡ, hỗ trợ các xã thuộc diện khó khăn nhất tỉnh về đích vào cuối năm 2022 này bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Với đặc thù địa hình rộng lớn, nhiều đơn vị cấp thôn ở Hương Khê có diện tích bằng 1 xã, còn 1 xã rộng bằng 1 huyện ở khu vực đồng bằng. Đến nay, Hương Khê là huyện duy nhất ở Hà Tĩnh còn nhiều xã chưa đạt chuẩn NTM. Trong đó, 4 xã đặc biệt khó khăn là Hương Lâm, Hương Liên, Hà Linh và Điền Mỹ mới chỉ đạt 10-12 tiêu chí.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, tất cả các xã còn lại phải về đích NTM nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh NTM theo Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025  theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cuối tháng 4/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao và chấp thuận cho hơn 60 tổ chức, đơn vị đỡ đầu, tài trợ các xã chưa đạt chuẩn NTM ở Hương Khê và 50 thôn chưa đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu tại các xã này.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều phần việc cụ thể, ý nghĩa giúp đỡ xã Hương Liên xây dựng nông thôn mới.

Với sự hỗ trợ cả về kinh nghiệm, nguồn lực của các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các phòng, ban cấp huyện, những xã nghèo này đang đổi thay từng ngày, đích đến NTM đang dần được rút ngắn.

Vào những ngày nghỉ mỗi tuần, hàng trăm cán bộ, nhân viên các các cơ , đơn vị đỡ đầu của huyện Hương Khê lại về từng thôn xóm để hỗ trợ bà con hoàn thành các tiêu chí còn lại. Các lực lượng tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách; hướng dẫn phương pháp, cách làm và trực tiếp tham gia hỗ trợ ngày công, kêu gọi nguồn lực giúp các thôn, hộ dân xây dựng cơ sở vật chất văn hóa; vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang vườn hộ, phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà ở, công trình vệ sinh, công trình chăn nuôi, làm giao thông nông thôn, xây dựng hàng rào xanh,…

Đến đầu tháng 10/2022, tổng kinh phí đỡ đầu, hỗ trợ cả nhân công và tiền mặt của các ban ngành cấp tỉnh, huyện đối với các địa phương ở Hương Khê là gần 9,2 tỷ đồng, trong đó đã chuyển hỗ trợ 3,5 tỷ đồng.

Tháng 8/2022, huyện Hương Khê quyết định phân bổ 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh bổ sung cho các địa phương thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn NTM năm 2022 theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh.

Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê - Phan Kỳ cho biết, huyện đã tổ chức các cuộc kiểm tra, làm việc và chỉ đạo trực tiếp với từng địa phương. Từ đó, chỉ đạo địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng khung kế hoạch đối với từng tiêu chí, từng nội dung công việc cụ thể cần thực hiện, giải pháp huy động nguồn lực, thời gian hoàn thành tiêu chí…

Bên cạnh đó, chủ động khâu nối với các tổ chức, đơn vị đỡ đầu, tài trợ để báo cáo kết quả thực hiện, kiến nghị, đề xuất hỗ trợ kịp thời những hạng mục, nội dung phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Thực hiện quản lý, sử dụng nguồn lực đúng quy định, hiệu quả, thiết thực trên cơ sở bàn bạc tập thể, dân chủ, công khai. Về nội lực, huyện đã cân đối nguồn lực, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo các xã còn lại đạt chuẩn NTM trong năm 2022.

Mỗi ngày mới là thêm những đổi thay

Với sự đồng hành của nhiều đơn vị, mỗi ngày mới là thêm những đổi thay của bộ mặt nông thôn ở các xã miền núi huyện Hương Khê. Đường giao thông được nâng cấp, hàng rào được trồng mới xanh tươi, nhà ở được quy hoạch, chỉnh trang sạch đẹp…

Bà Lê Thị Hằng, Bí thư Chi bộ thôn 6 (xã Hương Lâm), cho hay: “Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và như được tiếp thêm quyết tâm, nghị lực từ sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của Sở Công Thương Hà Tĩnh. Không chỉ đơn thuần là những ngày công, những công trình, các dụng cụ được mua sắm mới... mà đó còn chứa đựng nhiều tình cảm, trách nhiệm với một thôn khó khăn như thôn 6. Cùng với sự giúp đỡ quý báu này, chúng tôi quyết tâm đưa thôn cán đích vào cuối năm nay, sau đó từng bước xây dựng thành công khu dân cư kiểu mẫu như nhiều nơi khác”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra xây dựng NTM tại Hương Khê.

Ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh, cho biết: Để chung sức xây dựng thôn 6 đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã kêu gọi các doanh nghiệp lĩnh vực ngành Công Thương quan tâm, cùng chung sức với tỉnh, Sở Công Thương trong xây dựng NTM. Đến nay, đã có 15 doanh nghiệp đăng ký tài trợ với tổng số tiền 176 triệu đồng, 4 hạng mục tài trợ bằng hiện vật và công trình trị giá ước tính hơn 170 triệu đồng.

Để giúp đỡ xã Hương Lâm, cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều phần việc cụ thể, ý nghĩa.

Trung tá Nguyễn Khắc Đồng (Đội Quy tập mộ liệt sỹ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Dù nắng nóng, thiếu thốn, công việc vật vả, nhưng anh em trong Đội quy tập mộ liệt sỹ chúng tôi đã cùng người dân tập kết vật liệu, xúc trộn bê tông, xây bờ rào, làm hành lang, đổ sân nhà văn hóa, đắp lề đường... Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và hướng dẫn, động viên nhân dân chăm lo sản xuất, cải tạo vườn hộ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tích cực tham gia vào công việc chung”.

Kết thúc 10 ngày về giúp xã Hương Lâm xây dựng NTM, Đội Quy tập mộ liệt sỹ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã cùng với nhân dân thôn 10 làm được 150m đường giao thông các loại, xây mới được 100m tường rào, đào 20 hố trồng cây cảnh, chỉnh trang 5 vườn hộ, đào đắp hàng trăm mét khối đất đá san lấp lề đường và sửa chữa một số hạng mục, chỉnh trang khuôn viên tại trung tâm Nhà văn hóa thôn.

Ngoài ra, để tạo thêm nguồn lực trong xây dựng NTM, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh còn hỗ trợ 50 triệu đồng để thôn 10 mua sắm dụng cụ, các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

“Khác với trước đây, Hà Tĩnh phân công 1 đơn vị đỡ đầu 1 xã xây dựng NTM thì nay, tại Hương Khê, ngoài việc phân công nhiều đơn vị đỡ đầu các xã, tỉnh còn phân công các sở, ngành đỡ đầu đến tận cấp thôn; tại các xã sẽ có những đơn vị chủ trì khâu nối, để các sở, ngành phối hợp cùng thực hiện việc hỗ trợ, đỡ đầu nhịp nhàng, hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo huyện Hương Khê chủ động tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trong khả năng. Tiếp tục tập trung tuyên truyền để người dân tích cực vào cuộc, tạo phong trào sâu rộng và đi vào thực chất, bền vững. Tỉnh sẽ ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ, với mục tiêu sớm đưa huyện đạt chuẩn NTM, tạo tiền đề quan trong cho nhiệm vụ xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025 theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt”, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top