Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 8 năm 2023 | 10:27

Cơ hội và thách thức đối với ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam

Tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 152.986 tấn Hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 138.377 tấn, tiêu trắng đạt 14.609 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,9 triệu USD, tiêu đen đạt 417,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 68,0 triệu USD.

Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vượt qua các nước như Ấn Độ, Brazil, và Indonesia. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt khó khăn cần khắc phục để ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững và lâu dài.

Tin vui đối với ngành hồ tiêu Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam – Bà Hoàng Thị Liên

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam – Bà Hoàng Thị Liên, phát biểu tại Hội thảo

Theo báo cáo tại Hội thảo về Hiệp định EVFTA – Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam, sản lượng hồ tiêu năm 2023 của Việt Nam ước đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 152.986 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 138.377 tấn, tiêu trắng đạt 14.609 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,9 triệu USD, tiêu đen đạt 417,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 68,0 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 21,8% tương đương 27.433 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 14,6% tương đương giảm 82,3 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.484 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.011 USD/tấn, giảm lần lượt 879 USD đối với tiêu đen và 1.070 USD đối với tiêu trắng.

Qua đó chúng ta thấy rõ việc xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam, phát triển vượt bậc sau Hiệp định EVFTA được ký kết ngày 01/8/2020 đã cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các dòng thuế về hồ tiêu và gia vị, khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Về ngành gia vị: Mùa vụ thu hoạch quế xuân đã kết thúc trong khi vụ thu hoạch quế thu sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, sản lượng thu hoạch dự kiến năm 2023 sẽ khoảng 12,5% so với năm 2022 và đạt khoảng 45 ngàn tấn. Giá xuất khẩu đang có xu hướng giảm do nhu cầu yếu từ Hoa Kỳ và EU. Trong khi đó giá xuất khẩu ở Indonesia cũng đang có xu hướng giảm, cụ thể giá xuất khẩu tháng 4 đạt 4.393 USD/tấn, giảm 2,6% so với đầu năm 2023. (theo ITC).

Tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 43.186 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 129,2 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu quế trung bình 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.992 USD/tấn, giảm 737 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 67,1% trong đó Ấn Độ đứng đầu đạt 17.380 tấn, tăng 35,4%; Hoa Kỳ đạt 5.000 tấn giảm 4,5%; Bangladesh đạt 4.271 tấn, tăng 60,7%. Xuất khẩu cũng tăng ở Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan… 

Tính đến 30/6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 7.443 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 45,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 85,7% và giá trị tăng 68,0%. Giá xuất khẩu bình quân hoa hồi 6 tháng đầu năm đạt 6.140 USD/tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Ấn Độ tiếp tục là thị trường chính của xuất khẩu hoa hồi Việt Nam chiếm 61,8% đạt 4.603 tấn và so cùng kỳ tăng 00,2%. Tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc chiếm 8,7%, Hoa Kỳ chiếm 6,5%, Anh chiếm 3,8% và Hà Lan chiếm 2,5%.

Đến 30/6, Việt Nam xuất khẩu được 6.958 tấn ớt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,6 triệu USD. So với cùng kỳ 6 tháng năm 2022, lượng xuất khẩu tăng 108,4%, kim ngạch tăng 65,9%. Thị trường xuất khẩu chính của ớt Việt Nam là Trung Quốc và Lào lần lượt đạt 6.268 tấn và 472 tấn chiếm 90,1% và 6,8%. So cùng kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 125,0% và sang Lào tăng 214,7%. 

Gừng - nghệ - gia vị khác, tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 26.029 tấn các loại gia vị như gừng, nghệ và một số loại gia vị khác, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 31,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 xuất khẩu tăng 544%. 

Những khó khăn vướng mắc cần khắc phục

Năm 2021-2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc đều sụt giảm nghiêm trọng trong đó lượng nhập khẩu năm 2021 đạt 39.657 tấn, so với năm 2020 lượng nhập khẩu giảm 31%. Bước sang năm 2022, nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm 44,7% so với năm 2021 và đạt 21.932 tấn. Sau khi mở cửa trở lại, 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã thu mua hơn 50 ngàn tấn hồ tiêu nên đã thúc đẩy giá tiêu tăng từ tháng 3 đến tháng 5, mặc dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu. Lượng hàng Trung Quốc mua có thể đã đủ dùng trong nước trong ngắn hạn nên việc mua hàng trong thời gian tới có thể sẽ bị giảm, làm cho giá hồ tiêu khó tăng trở lại, cộng thêm việc Indonesia và Brazil đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, đánh giá chung thì việc suy giảm sản xuất liên tục thời gian qua tại một số nước trong đó vụ mùa của Indonesia và Brazil được dự báo thấp hơn năm trước đã dẫn đến giảm mức dự trữ hồ tiêu trên toàn cầu. 

Với lượng xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng vừa qua cho thấy lượng hàng năm nay không còn nhiều, dự kiến hết tháng 8 có thể sẽ xuất khẩu hết sản lượng năm 2023, vì vậy có thể hy vọng có tác động tích cực tới thị trường trong các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, dự báo của ngân hàng thế giới đối với một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc có triển vọng tích cực vào cuối năm nên sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường này sẽ khởi sắc trở lại. Điều này cũng có thể tác động đến giá cả từ đây đến cuối năm. Trong xu thế lo ngại chung của tình hình lương thực thế giới nhiều khả năng sẽ thiếu, Ấn Độ đã đưa ra hạn chế cấm xuất khẩu gạo, Nga tuyên bố rút khỏi thoả thuận biển Đen cũng là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường nông sản nói chung và gia vị thế giới nói riêng. 

Phát biểu tại Hội thảo ông Trần Thanh Tùng – Giám đốc Trung Tâm kiểm định thuốc BVTV phía Nam cho biết: “Sản phẩm hồ tiêu hay cây gia vị của chúng ta khi xuất khẩu gặp khó khăn ở chỗ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm còn cao, khó chinh phục được những thị trường khó tính khi chúng ta còn kém về mặt này, cần phải có những biện pháp canh tác đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón vi sinh… để đảm bảo được dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm đạt mức cho phép”.

Cũng theo ông Tùng, hiện tại thời tiết và khí hậu Việt Nam trong tình trạng mưa bão kéo dài, sạt lỡ nghiêm trọng cũng ảnh hưởng không ít đến việc trồng và chăm sóc hồ tiêu và các cây gia vị. Mưa lũ diễn ra trong tháng 7 vừa qua tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tại tỉnh Đắk Nông ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến vườn tiêu nếu như vườn tiêu không được xử lý thoát nước để tránh ngập úng và cần theo dõi thêm tình hình vườn tiêu như thế nào sau các trận mưa lũ. Tuy nhiên, điều đó không đáng lo ngại bằng hiện tượng El Nino sẽ diễn ra vào cuối năm và kéo dài đến đầu năm sau, điều này dẫn tới khô hạn, thiếu mưa và có thể giảm sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong năm tới. 

Thị trường hồ tiêu nội địa có những diễn biến trái chiều phản ánh sát với thị trường. Đến giữa tháng 5 giá nội địa còn ở mức 76.000 đồng/kg thì sau đó giá liên tục giảm xuống và hiện chỉ còn trên dưới 70.000 đồng/kg. Sức mua yếu từ các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu, cộng thêm dấu hiệu chững lại từ thị trường Trung Quốc đã giảm mua từ tháng 6 thêm vào đó là tâm lý chờ vụ thu hoạch của Brazil và Indonesia chính là những nguyên nhân làm cho giá hồ tiêu đi xuống.

Vườn tiêu tại Đắk Nông áp dụng theo phương thức canh tác hữu cơ, giá tiêu hiện tại trên thị trường 8/8/2023 là 71.000 - 74.500/ 1 ký

Vườn tiêu tại Đắk Nông áp dụng theo phương thức canh tác hữu cơ, giá tiêu hiện tại trên thị trường 8/8/2023 là 71.000 - 74.500/ký.

Cẩm trọng với gian lận thương mại

Tình trạng giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại và lừa đảo không chỉ xuất hiện tại châu Phi mà còn có ở châu Âu và đặc biệt là tại thị trường Trung Đông như Dubai gần đây với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Có trường hợp là đối tác lâu năm vẫn bị lừa, hoặc đối tác thanh toán sòng phẳng lô hàng đầu tiên nhưng lừa đảo ở các lô hàng tiếp theo, với các nhà xuất khẩu khác nhau. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng khi giao dịch với đối tác, đàm phán chặt chẽ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các hình thức thanh toán gặp nhiều rủi ro trên thực tế như:

Thanh toán TT trả sau: Nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên Bán.

Phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên Bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên Mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên Bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước do nước sở tại cấp. Bên Bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên Mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho bên thứ 3.

Các doanh nghiệp cần chọn các các phương thức thanh toán an toàn như mở L/C. Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc. Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đăng ký dịch vụ đảm bảo an toàn, cần có chụp ảnh, quay phim quá trình giao nhận, lấy đầy đủ chữ ký và kể cả thẻ căn cước của người nhận, thực hiện việc giao nhận trong trụ sở ngân hàng. 

Ngoài ra, nhà xuất khẩu cũng có thể yêu cầu ngân hàng của mình thực hiện nghiệp vụ xác minh, đánh giá độ tin cậy và dịch vụ của ngân hàng bên mua, đồng thời xác nhận với ngân hàng bên Mua trước khi tiến hành gửi chứng từ lô hàng các thông tin chi tiết về địa chỉ và người nhận bộ chứng từ hàng để ràng buộc trách nhiệm ngân hàng gắn với bộ giấy tờ trong các trường hợp rủi ro phát sinh.

 

Võ Dương
Ý kiến bạn đọc
Top