Ngày 30/1 (mùng 9 tết), Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng đã diễn ra tại xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên), thu hút sự đón xem, cổ vũ của hàng nghìn người dân địa phương và du khách.
Năm nay, 32 chú ngựa cùng các kỵ sĩ đến từ các xã An Hiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Thọ tham gia thi đấu. Điểm độc đáo là những chú ngựa này là ngựa thồ chứ không phải ngựa đua chuyên nghiệp.
Các chú ngựa ra vạch xuất phát
Các kỵ sĩ cũng xuất thân từ nông dân, hàng ngày quen với ruộng rẫy, chỉ khi Tết đến xuân về mới tập luyện và vào trận thi đấu. Trường đua được dựng lên rất đơn giản, chỉ là một khoảnh đất trống trên gò Thì Thùng được giăng dây xung quanh. Các kỵ sĩ không cần yên cương, cũng chẳng dùng bàn đạp chân; trang phục bảo hộ khi thi đấu rất bình dị, chỉ với chiếc mũ bảo hiểm đội đầu.
32 chú ngựa cùng các kỵ sĩ đang cùng tranh tài trên đường đua
Chỉ thế thôi nhưng lễ hội độc đáo này đã duy trì qua hàng chục năm nay và ngày càng được mở rộng về quy mô, thể hiện tính thượng võ, tình đoàn kết cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa vùng miền của người dân đất Phú Yên.
Rất đông người dân địa phương và du khách đến xem và cổ vũ
Kết quả hội đua năm nay, kỵ sĩ Lê Thành Trung (xã An Hiệp) về nhất với ngựa số 23; kỵ sĩ Lê Văn Thu (xã An Hiệp) về nhì với ngựa số 28; kỵ sĩ Thái Văn Phát (xã An Thọ) với ngựa số 4 và kỵ sĩ Thái Bình Thuận (xã An Xuân) đồng xếp về ba.
Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba cho các kỵ sĩ
Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng hàng năm tại Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An). Cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) về hướng tây 15km, xã An Xuân có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển. Di tích lịch sử cấp quốc gia Gò Thì Thùng nổi tiếng với hệ thống địa đạo dài 1.948m hoàn thành vào tháng 8/1965, sâu 4,5m, rộng 0,8m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Nơi đây là căn cứ cách mạng với nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân ta và ngày nay ít ai biết rằng dưới lòng đất sâu kia đã từng có một hệ thống địa đạo do nhân dân xã An Xuân và các vùng lân cận đào… Năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia./.