Ngày 19/1, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Bạch Dương tổ chức Hội thảo Mô hình ứng dụng phân bón Ivan Ovsinsky Fulvohumate (viết tắt là phân Ivan) trên cây chè và cây lúa.
Các đại biểu thăm mô hình sử dụng phân Ivan.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tin, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhằm giúp người dân lựa chọn được phân bón phù hợp trong sản xuất chè, nhất là sản xuất hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Bạch Dương triển khai mô hình ứng dụng phân bón chuyên giải độc và cải tạo đất, đẩy nhanh quá trình cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện phát triển bộ rễ trên cây chè tại các HTX và hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi khảo sát, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chọn 24 hộ, với diện tích 5 ha chè, tại các huyện Đại Từ (1,5 ha), Phú Lương (2 ha), Đồng Hỷ (0,5 ha), TP. Thái Nguyên (1 ha) đang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và chuyển đổi hữu cơ để thực hiện. Thời gian bắt đầu từ tháng 5/2023.
Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên trao đổi về xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh tại Thái Nguyên.
Phân bón Ivan được sử dụng trên nền phân bón cho chè tại từng hộ vẫn đang sử dụng các loại như: phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục, phân Quế Lâm 01, chế phẩm trùn quế, phân NPK tổng hợp… Thời điểm bắt đầu sử dụng phân bón Ivan tuỳ từng hiện trạng chè của hộ sản xuất; tính từ bắt đầu dùng lần 1: sau hái 3-5 ngày, dùng lần 2: cách lần 1 từ 5-7 ngày và lần 3 cách lần 2 từ 5-7 ngày.
Theo dõi tại 5 hộ sử dụng thấy, sản lượng của 3 lứa dùng phân Ivan so với đối chứng tăng trung bình khoảng từ 16 - 39 kg chè búp tươi/lứa. Các hộ tại các điểm thực hiện mô hình nhận thấy có hiệu quả vì bổ sung đầu tư thêm 1.225.000 đồng mà thu thêm được khoảng 1,4 - 2,9 triệu đồng trên lứa chè, nhất là khi được dùng bộ châm phân tích hợp vào hệ thống tưới có sẵn để tưới phân bón Ivan giúp giảm công lao động, đồng thời phân bón ngấm được vào đất, rễ dễ hấp thụ, tạo điều kiện tốt cho cây trồng phát triển. Nếu sử dụng lâu dài, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Toàn cảnh hội thảo.
Bà Tin đánh giá, Ivan là loại phân bón cải tạo đất phù hợp với định hướng phát triển chè chất lượng cao và sản xuất hữu cơ. Mặc dù giữa mô hình và đối chứng trên cùng nền phân bón như nhau, mô hình đầu tư bón thêm phân bón Ivan chi phí cao hơn nhưng năng suất tăng dần. Chất lượng chè cao hơn, giá trị sản phẩm bước đầu bán ra có sự chênh lệch về giá chưa cao nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng.
Mặt khác, sau 3 lứa chè cho thấy, hiệu quả rõ nhất của phân Ian là tác động vào môi trường đất và khả năng sinh trưởng của cây chè. Đất tơi xốp, nhiều mùn, nhiều sinh vật có lợi phát triển. Bộ rễ phát triển mạnh, đặc biệt là lớp rễ tơ phát triển mạnh, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, thời tiết bất thuận. Cây chè sinh trưởng khỏe, bộ lá dày, đều búp, búp mập, năng suất tăng.
Tại huyện Phú Bình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền chọn 460 hộ của 8 xã thực hiện trên 50 ha lúa, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2023. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết, qua bảng hạch toán sơ bộ sử dụng chế phẩm Ivan trên 4 giống lúa trên địa bàn 4 xã, so sánh giữa mô hình và đối chứng chênh khoảng 10 -20%, tuỳ theo từng điểm, từng nền canh tác khác nhau. Các hộ tại các điểm thực hiện mô hình đều nhận xét chế phẩm Ivan có hiệu quả đất ruộng được cải tạo tơi xốp hơn, cây lúa phát triển tốt qua các thời kỳ, năng suất vượt so với ruộng đối chứng, từ đó đã đem lại hiệu quả kinh tế. Nếu sử dụng lâu dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.
Ông Vũ Tuấn Thanh, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Bạch Dương trao đổi tại hội nghị
Ông Khiêm đề nghị, Công ty TNHH nông nghiệp xanh Bạch Dương tiếp tục có chính sách ưu đãi cho người dân khi mua sản phẩm, đặc biệt thực hiện các chương trình khuyến mại hoặc tri ân khách hàng. Người dân tiếp tục đưa chế phẩm Ivan ra diện rộng ở các vụ lúa tiếp theo và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất để có được sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng, an toàn.
Tại hội nghị, các hợp tác xã, hộ dân tham gia mô hình đã trao đổi, đánh giá về kết quả đạt được cũng như đề nghị chính quyền địa phương, doanh nghiệp tạo điều kiện để tiếp tục được triển khai mô hình trong thời gian tới.